07/08/2024 10:06 GMT+7

Đi tiệc cưới đúng giờ sợ mang tiếng là 'ham ăn'

Đi tiệc cưới "giờ dây thun" đang là thói quen xấu của nhiều người Việt. Vậy có cách nào để buộc khách đi đúng giờ?

Tranh minh họa: LAP

Tranh minh họa: LAP

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, nhiều người có thói quen xài "giờ dây thun" trong các buổi gặp mặt. Có không ít khách đi tiệc cưới chịu cảnh bụng đói meo, mệt mỏi vì khai tiệc trễ do khách tới muộn.

Dưới đây là chia sẻ của tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền xung quanh chuyện này.

Đến đúng giờ sợ mang tiếng ham ăn

Chủ nhật tuần trước tôi đi đám cưới con của một người bạn. Đám cưới mời ăn tiệc lúc 11h trưa. Thiệp cưới có ghi rõ giờ đón khách và giờ khai tiệc.

Tuy vậy số khách đến đúng giờ chỉ có khoảng một nửa, nửa còn lại là "giờ dây thun" nên chủ nhà phải chờ khách mất khoảng 45 phút mới chính thức khai tiệc.

Gia đình nhà cô dâu, chú rể thể hiện lo lắng ra mặt vì quá giờ khai tiệc mà vẫn vắng khách.

Tôi tự hỏi sao chúng ta lại làm mất thời giờ của nhau? Đâu phải ai cũng bận đến mức không thể đi đúng giờ. Chỉ là họ có muốn làm hay không mà thôi.

Khi đã nhận thiệp cưới, đã xác định sẽ đi dự thì chắc hẳn chúng ta sẽ phải bố trí các công việc khác sang một bên, để khung giờ đó đi đám cưới.

Lần nào tôi đi đám cưới cũng rơi vào cảnh phải chờ những người đến muộn. Theo tìm hiểu, có hai lý do khiến khách đi đám cưới không đúng giờ.

Thứ nhất, có người nghĩ rằng đến đúng giờ sẽ phải chờ nên họ đi muộn. Thứ hai, có người lại nghĩ rằng đi sớm sẽ mang tiếng ham ăn nên họ cố tình đi muộn.

Tôi biết nhiều đồng nghiệp, bạn bè cũng rất trăn trở về những nghịch lý này. Nhưng chúng tôi không thể nào thay đổi được, vì gần như là một "tập quán" của người thành thị.

Để phản biện cho hai lý do đến muộn của nhiều khách mời, tôi cho rằng đi đúng giờ là thể hiện văn hóa giao tiếp.

Nói rằng đi đúng giờ phải chờ người khác thì càng không chấp nhận được. Vì nếu bạn ngồi chờ sốt ruột thì cũng phải hiểu cho gia đình hai bên, và cô dâu chú rể càng sốt ruột biết chừng nào khi phải mỏi mắt chờ cả tiếng đồng hồ để đón khách.

Và nếu nói rằng đến sớm mang tiếng ham ăn thì càng sai. Vậy nếu không có người vào trước thì làm sao có người vào sau.

Tóm lại, nên đi đám cưới đúng giờ là tốt nhất, thể hiện nếp sống văn minh và văn hóa giao tiếp của mỗi người. Không gì có thể biện bạch cho việc thường xuyên đi muộn.

Đi đúng giờ là thể hiện người có văn hóa và tôn trọng người mời. Nếu bạn ngại đến sớm không có bạn quen, bạn có thể hẹn vài người bạn thân đi cùng lúc.

Nếu bạn thật sự yêu thương, tôn trọng cô dâu, chú rể, và tôn trọng chính bản thân mình thì hãy cố gắng tập cho mình thói quen dự tiệc cưới đúng giờ.

Việc coi thường giờ giấc và liên tục đến muộn các đám cưới được mời sẽ mang lại cho bạn một tác phong không lành mạnh, ảnh hưởng đến hình tượng và sự tôn trọng mà người khác dành cho bạn.

5 lý do "buộc" khách đến đúng giờ

Bên cạnh việc kêu gọi ý thức người đi dự tiệc, theo tôi những người là chủ tiệc cưới cũng phải có một số biện pháp để khách mời đi đúng giờ.

Dưới đây là các gợi ý dành cho chủ tiệc trong thiệp mời:

Thứ nhất, trong thiệp mời ngoài ghi thời gian đón khách và thời gian khai tiệc, nên thông báo thêm trong khung giờ đón khách sẽ có những hoạt động thú vị như chụp hình cùng cô dâu chú rể, có chương trình hòa tấu không lời đón khách kèm ăn nhẹ, uống trà trước tiệc…

Điều này kích thích khách đến sớm hơn để tận hưởng những hoạt động thú vị trước khi vào tiệc cưới chính.

Thứ hai, trên thiệp mời cưới, bạn nên in hẳn lời mời khách thu xếp đến đúng giờ để buổi tiệc cưới diễn ra đúng kế hoạch.

Bạn nên tạo một event trên Facebook để mời bạn bè, quan khách tham gia check-in, bạn có thể nhắc lại nhiều lần lời kêu gọi khách đến đúng giờ để có nhiều thời gian chung vui với gia đình bạn. Khi gọi điện nhắc về tiệc cưới, bạn cũng nên nhắc lại về giờ giấc.

Thứ ba, chỉ nên mời những người thân, bạn bè thân thiết, bạn sẽ dễ dàng thuyết phục họ đến đúng giờ hơn. Hơn nữa, bạn cũng không cần ngần ngại khi nhắc họ về thời gian tổ chức tiệc cưới.

Thứ tư, trong trường hợp có nhiều khách mời ở tỉnh xa, bạn nên chủ động chuẩn bị xe cộ đi lại cho khách, vừa đỡ nguy hiểm vừa đảm bảo đúng giờ giấc, khỏi phải chờ đợi ai.

Thứ năm, bạn nên có ý thức tổ chức đúng giờ, không vì thấy ai quan trọng mà chờ đợi, phải quyết tâm, đừng lo buổi lễ ít người chứng kiến, hãy nghĩ cho những người đi đúng giờ.

Người Việt hay có tính cả nể, hay đợi người có chức quyền, người quan trọng đến rồi mới bắt đầu lễ tiệc, chứ không quan tâm đến số đông phải chờ đợi mệt mỏi. Cần thay đổi thói quen này, bắt đầu từ cô dâu, chú rể.

Dự tiệc cưới muộn giờ đang là thói quen xấu của người Việt. Thậm chí thói xấu này bị nhiều người nước ngoài đánh giá là hình ảnh người Việt Nam trong mắt người nước ngoài rất thiếu chuyên nghiệp.

Cô dâu, chú rể khó xử khi khách mời lác đác dù đã đến giờ tổ chức tiệc, các khách đến sớm hoặc đúng giờ thì khó chịu. Tôi là người đúng giờ nên tôi rất thích những người đúng giờ và tôi chỉ thích làm việc hay kết bạn với những người đó.

Việc đi đúng giờ là việc nhỏ còn không làm được thì làm sao có thể làm được những việc lớn.

Tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, người Việt sẽ thay đổi được thói quen đi muộn và sẽ không còn ai cảm thấy chán đi tiệc cưới chỉ vì lý do phải chờ đợi người đến muộn như tôi.

Đám cưới không "giờ dây thun": Khách đủ bàn là lên mâmĐám cưới không 'giờ dây thun': Khách đủ bàn là lên mâm

Có nơi giờ khai tiệc đám cưới là giờ trên giấy mời, có nơi khách ngồi đủ bàn là tiệc lên mâm, có nơi hôn trường kín chỗ mới khai tiệc…


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên