02/06/2015 09:04 GMT+7

Đừng bắt HĐND phải quyết 
những chuyện đã rồi

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Trong phiên thảo luận về Luật tổ chức chính quyền địa phương chiều 1-6 tại Quốc hội, hầu hết đại biểu thống nhất duy trì HĐND ở các cấp chính quyền địa phương nhưng đề nghị phải trao thực quyền cho HĐND.

Ông Huỳnh Nghĩa - Ảnh: An Đăng
Ông Huỳnh Nghĩa - Ảnh: An Đăng
Hiện nay, mỗi cử tri ở nước ta có bốn cấp đại biểu dân cử từ xã, phường đến Quốc hội đại diện cho mình. Nhưng xem ra quyền lợi của cử tri, đặc biệt các nguyện vọng chính đáng, vẫn chưa phản ánh kịp thời và đầy đủ. Ở đâu đó tình trạng người dân có những việc oan trái vẫn cứ xảy ra 
Ông Huỳnh Nghĩa

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) là người đầu tiên nêu lên vấn đề này tại phiên thảo luận. Ông nói trong dự thảo của Luật tổ chức chính quyền địa phương không thấy quy định rõ tính nghiêm minh, hiệu lực các nghị quyết của HĐND và biện pháp chế tài nếu không thực hiện nghị quyết đó.

HĐND thiếu công cụ sắc bén

Đại biểu Trần Ngọc Vinh nói lâu nay nhiều người xem hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức, nhưng điều đó không phải do các đại biểu mà do “họ đã không được trao công cụ sắc bén”. Công cụ sắc bén đó chính là thiếu một chế tài đủ mạnh để bắt buộc UBND cùng các cơ quan địa phương khác thực hiện nghị quyết của HĐND. Theo ông Vinh, đã phân cấp thì phải gắn với thực quyền và phải thể chế hóa các quyền này.

Bàn tiếp về chuyện thực quyền của HĐND, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.HCM - đặt câu hỏi với ban soạn thảo: “Luật này đã khắc phục được gì?”. Điều mà bà Tâm muốn khắc phục trong hoạt động của HĐND chính là đừng bắt HĐND phải quyết những chuyện đã rồi, quyết cho có. “Quyết những cái mà Chính phủ, các bộ ngành đã quyết. Quyết những vấn đề mà cấp ủy đã quyết thì quyết để làm gì? Có hình thức không?” - bà Tâm hỏi một câu hỏi mà có thể bà đã trả lời được từ nhiều năm qua trên cương vị của mình.

Bà Tâm cũng cho rằng dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương đã có những điểm “chưa phù hợp với Hiến pháp”. Cụ thể, điều 112 của Hiến pháp quy định: Nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và mỗi cấp chính quyền. Tuy nhiên, trong dự thảo của luật có nhiều điều luật lại quy định thẩm quyền của chính quyền địa phương do pháp luật hoặc Chính phủ quy định. “Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban soạn thảo rà soát và phải có giải trình” - bà Tâm yêu cầu.

Không chỉ về thẩm quyền, ngay cả cơ quan cấp trên của HĐND cũng chưa được quy định rõ, mà nói như đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) là: “HĐND đang ở thế chông chênh vì không rõ Quốc hội hay Chính phủ mới là cấp trên của mình”. Ông Pham phân tích: Dự thảo luật quy định Chính phủ là cơ quan lãnh đạo công tác của HĐND, hướng dẫn kiểm tra công tác của đại biểu HĐND. Trong khi đó Quốc hội mới là cơ quan có mối quan hệ mật thiết với HĐND vì đều là cơ quan dân cử, giống nhau cơ bản về chức năng quyền hạn, cách thức điều hành một kỳ họp. “Vậy tại sao Quốc hội không phải là người kiểm tra tổ chức bồi dưỡng đại biểu mà lại giao cho Chính phủ?” - đại biểu Pham nêu ý kiến.

Đại biểu nhiều, sao dân còn oan trái?

Câu hỏi như một lời tự vấn này là của đại biểu Huỳnh Nghĩa - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng. “Hiện nay, mỗi cử tri ở nước ta có bốn cấp đại biểu dân cử từ xã, phường đến Quốc hội đại diện cho mình. Nhưng xem ra quyền lợi của cử tri, đặc biệt các nguyện vọng chính đáng, vẫn chưa phản ánh kịp thời và đầy đủ. Ở đâu đó tình trạng người dân có những việc oan trái vẫn cứ xảy ra” - ông Huỳnh Nghĩa nói.

Lý giải, ông Nghĩa cho rằng thời gian qua đại biểu HĐND kiêm nhiệm quá nhiều, nhất là kiêm nhiệm bên khối chính quyền, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên không lắng nghe được hết oan trái của nhân dân. Vậy nhưng trong dự thảo luật, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách vẫn không thay đổi. “Dường như ban soạn thảo né tránh vấn đề này?” - ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Để tránh tình trạng này, theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, phải quy định ngay trong luật tỉ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ở mỗi cấp, ít nhất 30% đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh, 20% ở cấp huyện và 15% ở cấp xã. Ngoài ra, quy định hạn chế thấp nhất số lượng đại biểu HĐND đồng thời là lãnh đạo hoặc cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

Chia sẻ với đại biểu Huỳnh Nghĩa, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng để đại biểu HĐND hoạt động có hiệu quả thì phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa HĐND và đoàn đại biểu Quốc hội. Ông Thường cho rằng HĐND và đoàn đại biểu Quốc hội có rất nhiều điểm chung, nhất là trong tiếp xúc cử tri và giám sát.

Tuy nhiên ở nhiều địa phương, nhất là những nơi lãnh đạo HĐND không đồng thời là lãnh đạo đại biểu Quốc hội thì mối quan hệ này rất rời rạc. Tới đây khi Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng HĐND tách ra thì sự phối hợp còn rời rạc hơn nữa. “Tôi đề nghị cần quy định mối quan hệ về sự phối hợp này” - đại biểu Thường đề nghị.

Nguy cơ tăng ít nhất 12.600 biên chế

Đại biểu Phạm Xuân Thường đã cảnh báo điều này. Ông Thường phân tích: theo dự thảo luật ở cấp tỉnh, HĐND sẽ tăng thêm 3 - 7 biên chế, cả nước sẽ tăng thêm 200 người. HĐND huyện sẽ thành lập thêm 2 - 3 ban, như vậy mỗi huyện tăng ít nhất hai đại biểu chuyên trách, cả nước có 700 huyện, tăng thêm ít nhất 1.400 người. Ở cấp xã sẽ bố trí ít nhất một phó chủ tịch HĐND chuyên trách, cả nước hiện có 11.000 xã.

Như vậy số biên chế tăng thêm theo Luật tổ chức chính quyền địa phương ít nhất là 12.600 người. Đó là chưa kể thêm các ban đô thị, ban dân tộc với những địa phương đặc thù và việc chia tách địa giới hành chính mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua. Đại biểu Thường đề nghị không cần thiết phải bố trí phó chủ tịch HĐND chuyên trách cấp xã vì đã thành lập thêm các ban ở HĐND cấp xã theo dự luật, đủ để HĐND cấp xã hoạt động.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên