Vườn rau sạch tại Trường mầm non Cẩm Thanh do giáo viên và các bé tự gieo giống - Ảnh: Thanh Ba |
Chúng tôi truyền đạt kiến thức nông nghiệp cho nhà trường, từ cách thức ủ phân hữu cơ, tạo thiên địch phòng trừ côn trùng cho cây đến việc chọn giống, gieo hạt và khâu chăm sóc. Tất nhiên, lồng ghép vào đó chúng tôi soạn những giáo án lý thuyết xoay quanh chủ đề bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học và hi vọng sẽ mang lại những tiết học bổ ích ngoài giờ lên lớp cho cả thầy và trò. |
Thời gian gần đây, tại một số trường ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) xuất hiện các vườn rau sạch xanh ngắt, củ quả sum sê. Hình ảnh các thầy cô và học trò cùng nhau xắn quần, tay áo hóa thân “sắm vai” thành những nông dân thực thụ đã trở nên rất đỗi thân quen, gần gũi với nhiều người.
Tiết học bổ ích
Đó là kết quả thiết thực của đề án “Học sinh chung tay bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học thông qua mô hình vườn trường” do Phòng GD-ĐT TP Hội An triển khai thực hiện.
Câu chuyện bắt nguồn từ khi Phòng GD-ĐT TP Hội An triển khai đề án này, từ đó đan xen với chương trình học văn hóa ở lớp, cả thầy và trò lại hăng hái tham gia các buổi ngoại khóa “học làm nông” vô cùng thú vị.
Nhắc đến đề án mà ngành giáo dục Hội An đã mạnh dạn đi tiên phong và là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Nam thực hiện, ông Nguyễn Văn Dung - trưởng Phòng GD-đT TP Hội An - cho hay: “Đầu tháng 3-2016, khi tiếp nhận sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD), Phòng GD-ĐT đã bắt tay nghiên cứu, lập dự án và triển khai thí điểm mô hình này ở 6 đơn vị trường học với số lượng 8 vườn. Trong đó xã Cẩm Thanh chiếm 50% với 3 trường thuộc 3 cấp học: mầm non, tiểu học và THCS. Riêng các trường mẫu giáo Cẩm Thanh và THCS Lý Tự Trọng (phường Cẩm Châu), mỗi trường được đầu tư xây dựng 2 vườn rau sạch”.
Vài ngày sau khi đề án chính thức thông qua, 6 ngôi trường được “chọn mặt gửi vàng” bắt đầu đón những vị khách đặc biệt. Không ai khác, họ chính là các thành viên đến từ Tổ chức ACCD đang công tác ở phố cổ Hội An.
Tại mỗi điểm trường đặt chân đến, những người đảm nhiệm vai trò “nhịp cầu nối” lại dẫn theo các “bậc thầy” trồng rau sạch có tiếng trong vùng cùng các kỹ sư nông nghiệp dày dạn kinh nghiệm về tổ chức dạy làm nông cho thầy cô, học sinh nơi đây.
Trung bình mỗi tuần 2 buổi với khoảng thời gian ngang bằng 4 tiết học ở lớp, từ thầy cô đến học sinh, thậm chí phụ huynh lại tập trung tại khoảnh đất phục vụ trồng rau trong trường của mình để được hướng dẫn quy trình sản xuất rau sạch.
Nhà trường tự cung ứng nguồn rau sạch
Ba tháng trở lại đây, bếp ăn của Trường mầm non Cẩm Thanh tuyệt nhiên không nhập bất kỳ một cọng rau hay trái cà tím, đu đủ nào từ bên ngoài. Bởi lẽ, nguồn rau sạch dồi dào từ 2 mảnh đất dành cho việc xây dựng vườn trường luôn sẵn sàng cung ứng tối đa nhu cầu rau, củ của giáo viên và các bé.
Và ngôi trường tọa lạc ở vùng đất còn đậm chất quê với phần lớn bà con địa phương vẫn hành nghề trồng trọt này nghiễm nhiên xếp vào loại xuất sắc nhất trong tổng số các trường tham gia “học làm nông”.
Cô Lê Thị Kim Loan, hiệu trưởng nhà trường, vui vẻ chia sẻ: “Hầu hết các cô giáo trong trường đều trưởng thành từ gốc rạ nên nghề nông đã thấm nhuần từ nhỏ. Tuy nhiên, trồng rau bằng phân hữu cơ và nói không với thuốc trừ sâu thì những giáo viên như tôi từ ngày tham gia các tiết học ngoại khóa mới được trang bị kiến thức.
Ban đầu nhà trường dành ra 80m2 đất để trồng rau muống. Dần dần cùng với diện tích được mở rộng lên 300m2, trồng các loại rau như mồng tơi, cải, lang..., cùng một số cây ăn quả như cà tím, đu đủ đã được gieo trồng, nảy mầm, đơm hoa kết trái trong chính khu vườn một thời cỏ dại mọc um tùm”.
Theo cô Loan, trung bình mỗi ngày vườn trường cung ứng khoảng 10kg rau cùng các loại quả phục vụ nhu cầu ăn uống cho gần 400 học sinh. Nhờ vậy, mối lo thiếu hụt rau sạch vào những ngày mưa gió của các “mẹ hiền” mầm non đã được xóa tan suốt nhiều tháng nay.
Đặc biệt, thời gian qua cùng với Trường mầm non Cẩm Thanh, vườn rau sạch của 5 trường còn lại trên địa bàn TP Hội An liên tục tiếp đón các đoàn du khách nước ngoài dạo bước tham quan. Hết thảy bạn bè quốc tế đều ngạc nhiên và tỏ vẻ thích thú với mô hình vườn trường ở phố cổ Hội An.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới của đề án đã và đang cho thấy những tín hiệu tích cực, ông Nguyễn Văn Dung nói: “Phải thừa nhận đề án đã đem lại những thành công ngoài sức mong đợi. Đặc biệt, các mô hình vườn trường thế này sẽ góp phần xây dựng Hội An trở thành một TP sinh thái, thân thiện với môi trường. Điều mà chính quyền địa phương đang ra sức thực hiện. Phòng GD-ĐT dự định sẽ triển khai mô hình vườn trường tại tất cả các trường học ở 13 xã, phường trên địa bàn TP”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận