Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng - Ảnh: VTC
"Càng ngày càng thấm thía cán bộ là cái gốc của công việc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Do vậy cũng có thể nói nếu xây dựng Đảng là then chốt thì công việc của ban tổ chức các cấp cũng là then chốt của then chốt.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Công tác tổ chức xây dựng Đảng luôn là vấn đề hệ trọng vì liên quan trực tiếp tới sự thành bại của cách mạng và sự tồn vong của chế độ.
Hơn nữa, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, tinh tế và nhạy cảm vì tác động đến tổ chức và con người, đòi hỏi những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng phải luôn nỗ lực, lao tâm khổ tứ, trăn trở, công tâm, trong sáng, giữ mình... mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Bài học từ Yên Bái và Quảng Ninh
Yên Bái từng có thời gian nảy sinh những vấn đề phức tạp, nổi lên về công tác tổ chức, cán bộ.
Nhìn thẳng vào những hạn chế đó, Tỉnh ủy Yên Bái tập trung lãnh đạo công tác cán bộ có những chuyển biến tích cực, nổi bật là đổi mới cách thức lựa chọn, chuẩn bị nguồn cán bộ mang tính chủ động.
Đề án số 11-ĐA/TU ngày 8-8-2018 của Tỉnh ủy Yên Bái về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035" có thể coi là một chiến lược cán bộ rường cột trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh.
Số cán bộ này được lựa chọn kỹ càng, đào tạo bồi dưỡng bài bản, có môi trường làm việc tốt, tạo bệ phóng thể hiện hết năng lực, được trui rèn và trưởng thành từ thực tiễn công tác ở cơ sở.
Sau gần 3 năm triển khai, Yên Bái đã chuẩn bị được một nguồn cán bộ khá dồi dào và chất lượng, nhất là khắc phục được tình trạng bị động, từng phải "đốt đuốc đi tìm cán bộ" trước mỗi kỳ đại hội.
Nhờ cách làm chủ động, chặt chẽ và sáng tạo trên, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy các cấp của Yên Bái đều đạt, vượt chỉ tiêu.
Với quan điểm chăm lo cán bộ phải từ gốc, ngay từ đội ngũ cán bộ cơ sở - những người hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc và trực tiếp giải quyết những công việc liên quan tới lợi ích sát sườn của nhân dân, Tỉnh ủy Quảng Ninh sáng tạo, phát động từ cuối nhiệm kỳ 2010 - 2015 và tổ chức thực hiện thành công ở nhiệm kỳ 2015 - 2020 với mô hình 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố trong toàn tỉnh; lựa chọn nhân sự theo phương thức "Dân có tin rồi Đảng mới cử".
Cụ thể là chọn những đảng viên được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố trước, rồi sau đó giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ.
Sự tin cậy và hài lòng của người dân chính là hàn thử biểu đo chất lượng cán bộ, dựa vào dân để lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ; đồng thời "lòng dân" được đặt ở vị trí trước tiên, thể hiện sự tôn trọng nhân dân, xem nhân dân ở vai trò chủ thể, trung tâm của mọi quyết sách phát triển...
"Cuộc đổi mới" về tổ chức
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ XII là việc đổi mới hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị được làm rất mạnh mẽ, có thể nói như một "cuộc đổi mới" về tổ chức.
Đây là biểu hiện sinh động của việc hài hòa hóa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta, trong điều kiện đổi mới chính trị còn chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế mà trong đó có nguyên nhân từ năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm với nhiệm vụ.
Việc thực hiện nghị quyết số 18-NQ/TW - "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và nghị quyết số 19-NQ/TW - "Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" - đã giúp "6 giảm" gồm: giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng lãnh đạo, giảm biên chế, giảm thủ tục hành chính và giảm chi cho bộ máy trong hệ thống chính trị; đồng thời cũng giúp "6 tăng" gồm: tăng về tính khoa học tổ chức, tăng về chất lượng cán bộ, tăng về hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị, tăng về hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tăng chi cho đầu tư phát triển và tăng về sự đồng thuận xã hội.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ban đầu không tránh khỏi sự băn khoăn trong tâm trạng, tâm lý xã hội.
Tuy nhiên, khi thấy rõ hiệu quả của việc sắp xếp trong thực tiễn mang lại những lợi ích thiết thực cho tổ chức, đồng thời việc thực hiện chế độ, chính sách đối với những đối tượng bị ảnh hưởng hợp tình, hợp lý, nên sự đồng thuận xã hội ngày càng cao.
Đảng ủy cơ quan Thành đoàn TP.HCM trao quyết định kết nạp Đảng cho các đảng viên mới tại di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược gắn chặt với việc kiểm soát quyền lực
Công tác chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược được quan tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, được Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao.
Đồng thời tiến hành khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu; làm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.
Công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược gắn chặt với đào tạo, bồi dưỡng (Trung ương tổ chức 5 lớp cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII) và tiến hành luân chuyển (luân chuyển 27 đồng chí bí thư tỉnh ủy không là người địa phương, tăng 11 đồng chí so với nhiệm kỳ trước) để rèn luyện, chuẩn bị trước một bước nhân sự khóa XIII.
Có thể nói, sự khách quan, tư duy tầm chiến lược, mối quan hệ công tác với trung ương của các đồng chí luân chuyển góp phần bổ khuyết tốt cho những mặt nào đó còn hạn chế của tập thể lãnh đạo các địa phương.
Đồng thời, bản thân các cán bộ được luân chuyển cũng xác định đây là cơ hội để học tập, cọ xát, trui rèn qua thực tiễn để trưởng thành nên gắng sức, không quản gian khổ.
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được trẻ hóa khi có tới 28 đồng chí bí thư tỉnh ủy từ 50 tuổi trở xuống, tăng 15 đồng chí so với nhiệm kỳ trước, đem đến làn gió mới và được kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển mới, đột phá cho các tỉnh, thành và đất nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tuy nhiên, đây cũng là những đồng chí cán bộ nắm giữ các chức vụ quan trọng, nếu xảy ra những sai phạm thì hậu quả sẽ khôn lường cho tổ chức.
Do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược gắn chặt với việc kiểm soát quyền lực, chống "chạy chức", "chạy quyền", phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đồng thời cũng cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, biết làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung…
Tinh giản biên chế giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước
Tính đến hết năm 2019 đã giảm 4 đầu mối trực thuộc trung ương, 97 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 565 đơn vị hành chính cấp xã, 20.910 thôn, tổ dân phố; 6 tổng cục và tương đương, 83 cục vụ và tương đương, 119 sở ngành, 5.145 đơn vị sự nghiệp công lập, 5.889 phòng và tương đương...; tổng số người làm việc hưởng lương và phụ cấp ngân sách nhà nước giảm hơn 500.000 người (giảm gần 15%), cán bộ công chức (cấp huyện trở lên) giảm 40.000 người, số người hoạt động không chuyên trách xã, thôn, tổ dân phố giảm hơn 260.000 người (so với năm 2015)...
Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2020 dự toán ngân sách nhà nước giảm được trên 15.000 tỉ đồng so với năm 2017 từ việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy... Đây đều là những con số biết nói về tính hiệu quả của chủ trương đúng đắn trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận