19/12/2006 04:31 GMT+7

Đưa tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" vào công cuộc đổi mới

Đ.B. - L.A.Đ. - T.H.
Đ.B. - L.A.Đ. - T.H.

TT (Hà Nội, TP.HCM) - Sáng qua 18-12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến - Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.

* Tuổi trẻ TP.HCM tự hào kế tục cha anh

46GKwCpd.jpgPhóng to
Ông Võ Trần Chí - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - phát biểu tại buổi tọa đàm khoa học về Ngày toàn quốc kháng chiến - Ảnh: L.A.Đ.
TT (Hà Nội, TP.HCM) - Sáng qua 18-12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến - Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng hơn 260 nhân chứng là những chiến sĩ quyết tử trong những ngày mùa đông năm 1946... đã tham dự lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã ôn lại những thời khắc lịch sử của 60 năm về trước, Hà Nội và cả nước hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch ngày 19-12-1946, đứng lên chống lại thực dân Pháp với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định ngày 19-12-1946 mở đầu cho cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân, đế quốc. Ngày này đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước quật khởi của quân và dân thủ đô, của dân tộc VN. Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến là dịp khơi dậy tinh thần yêu nước, bồi đắp lý tưởng. Những bài học sâu sắc của những ngày 60 năm trước phải được vận dụng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với tinh thần này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng Hà Nội cũng như cả nước sẽ giành những thắng lợi to lớn trong công cuộc đổi mới. “Chúng ta không cam chịu đói nghèo, đảng bộ và nhân dân thủ đô quyết tâm xây dựng thủ đô ngày càng giàu mạnh” - ông nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, đại diện các “chiến sĩ quyết tử” năm xưa, đại diện thế hệ trẻ thủ đô đã cùng nhau nêu quyết tâm xây dựng thủ đô Hà Nội, đất nước VN ngày càng phát triển, ngày một giàu mạnh...

c3UnVFJA.jpgPhóng to

Trung đoàn Thủ đô trong Đại đoàn Quân tiên phong 308 về lại thủ đô (10-10-1954) - Ảnh trích trong tập sách ảnh Thủ đô huyết lệ

* Cũng sáng 18-12, Ban tư tưởng - văn hóa Thành ủy TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Kỷ niệm 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến”. Đến dự có lãnh đạo TP, các vị lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu lịch sử... cùng đại diện tuổi trẻ TP.

Theo PGS Huỳnh Lứa (chủ tịch Hội Sử học TP.HCM), cuộc kháng chiến của quân và dân Nam bộ đã có những ý nghĩa và tác dụng rất to lớn đối với cuộc kháng chiến của cả nước. Cuộc kháng chiến của Nam bộ đã làm thất bại chiến lược bình định cấp tốc và đánh nhanh thắng nhanh của quân xâm lược, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian cần thiết để chuẩn bị bước vào kháng chiến toàn quốc.

Ông Nguyễn Trọng Xuất (Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến, tổng thư ký bộ phận biên tập Lịch sử Nam bộ kháng chiến) nêu rõ: “Nam bộ khẳng định lòng trung thành và niềm tin tuyệt đối với Tổ quốc, với “Chính phủ Cụ Hồ”. Nam bộ vừa có vinh dự là “Thành đồng Tổ quốc”, vừa là nơi hun đúc các thế hệ trong cuộc chiến đấu lâu dài, suốt 30 năm kháng chiến chống xâm lược Pháp rồi chống xâm lược Mỹ, đi đến thắng lợi 30-4-1975”.

Ông Trần Trọng Tân, nguyên trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa trung ương, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nói: “Lòng tự hào dân tộc là một động lực tinh thần có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện công cuộc đổi mới vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Trong phần phát biểu của mình, ông Võ Trần Chí - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - đặc biệt tâm đắc và kính phục tài năng của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong lãnh đạo, chỉ đạo... và nhất là xử lý các tình huống khó khăn tưởng chừng khó vượt qua.

Bà Phạm Phương Thảo - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP - khẳng định bài học lịch sử của Ngày toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay. Đó là tinh thần đoàn kết yêu nước, nhất định không chịu mất nước, đó là sự tài tình của lãnh đạo, đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Hôm nay, đứng trước vận hội mới, thách thức mới, phát huy những truyền thống quí báu đó, Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân, nhân dân cùng với Đảng nhất định sẽ viết nên một trang sử mới, để đất nước anh hùng mai này sẽ giàu mạnh.

Anh Nguyễn Minh Nhựt, trưởng Ban tư tưởng - văn hóa Thành đoàn TP, nói: “Xin cho tuổi trẻ hôm nay mãi khắc sâu lòng tri ân sâu sắc và rực cháy trong tim niềm tự hào, nỗi khát vọng được kế tục cha anh, xung kích vì Tổ quốc, vì nhân dân”.

KUiRdToL.jpgPhóng to
Nhạc sĩ quyết tử quân Lương Ngọc Trác với các em Vệ út Trang Công Lũy (phải), 10 tuổi và Phạm Đình Luận (trái), 9 tuổi - những chú bé liên lạc gan dạ trên chiến lũy Liên khu 1 - Ảnh trích trong tập sách ảnh Thủ đô huyết lệ
* Cùng ngày 18-12, các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô đã gặp nhau tại Nhà hát lớn (Hà Nội). Tại cuộc gặp mặt cảm động này, Ban liên lạc chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô và Hội Khoa học lịch sử VN đã cho ra mắt tập sách ảnh Thủ đô huyết lệ - với hơn 150 bức ảnh tư liệu quí giá về cuộc chiến trong lòng thủ đô 60 năm trước, trong đó có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố.

Cùng với bà quả phụ Dương Trung Hậu - vợ một liệt sĩ của Trung đoàn Thủ đô - và một số doanh nghiệp, báo Tuổi Trẻ TP.HCM cũng góp phần tài trợ để cuốn sách Thủ đô huyết lệ được in ấn và ra mắt kịp thời nhân kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến.

Đ.B. - L.A.Đ. - T.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên