Phóng to |
Ông Trần Lưu Hải - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Lưu Hải (ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương) cho biết:
- Một trong những đòi hỏi cấp thiết hiện nay là quy hoạch phải có tầm nhìn xa. Bây giờ phải nhìn đến thế hệ 7X, 8X và các bạn trẻ hơn nữa, những ai có khả năng phát triển thì đưa vào quy hoạch để tạo nguồn cán bộ lâu dài hơn. Việc này nhiều tỉnh thành đang làm rồi, cụ thể như Hà Tĩnh đưa 1.000 cán bộ trẻ về cơ sở, rồi Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng... cũng có những chuyển động tương tự ở quy mô khác nhau.
“Gieo mạ trên cánh đồng”
* Như vậy việc đảm bảo cơ cấu cán bộ trẻ trong quy hoạch cán bộ được đặt ra rất quyết liệt?
- Số liệu thống kê cho thấy có một tỉ lệ khá lớn thành viên ban chấp hành, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy khóa này không đủ tuổi để tái cử khóa mới. Về độ tuổi, tính bình quân trên cả nước, quá nửa cấp ủy (ban chấp hành đảng bộ các tỉnh thành) sẽ nghỉ khi hết khóa này. Có tỉnh 80% ủy viên ban thường vụ sẽ nghỉ, có tỉnh chỉ hai người trong ban thường vụ còn tuổi để tiếp tục tham gia khóa mới.
Trong kết luận lần này, Bộ Chính trị nêu rõ đề án quy hoạch và đề án nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ các cấp ủy phải bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển số cán bộ này; cấp có thẩm quyền chỉ phê duyệt, xác nhận quy hoạch hoặc thông qua phương án nhân sự cấp ủy khi quy hoạch hoặc phương án nhân sự đáp ứng được yêu cầu này. Nghĩa là bắt buộc trong quy hoạch phải đạt được tỉ lệ nhất định cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc, cán bộ có trình độ khoa học - công nghệ. Nếu không thì quy hoạch không được phê duyệt.
* Thưa ông, nói là tạo nguồn cán bộ trẻ nhưng lấy nguồn từ đâu?
- Chúng ta đổi mới công tác tạo nguồn cán bộ theo hướng lựa chọn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học có chất lượng cử về cơ sở (những nơi khó khăn, có nhu cầu) để đào tạo trong lao động, sản xuất, từ đó chọn lọc nguồn quy hoạch cán bộ lâu dài. Vấn đề quan trọng nữa là khi đã đưa vào quy hoạch thì phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng họ. Thiếu thực tiễn thì luân chuyển đưa họ vào rèn luyện trong thực tiễn thông qua việc luân chuyển, bố trí cán bộ ở những địa bàn, lĩnh vực khó khăn để phát hiện người có phẩm chất, năng lực nhằm đào tạo, thử thách, chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý lâu dài. Thiếu kiến thức cần thiết thì đưa đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Giao chức vụ từ nhỏ đến lớn để rèn luyện, thử thách.
Nói một cách hình ảnh là đưa cán bộ trẻ về cơ sở giống như gieo mạ trên cánh đồng, sau đó chọn cây mạ tốt để ươm vào những chỗ khác bằng công tác luân chuyển. Qua thử thách thực tế, hạt giống nào vươn lên được sẽ trưởng thành rồi lại chọn lọc những cây tốt trồng vào các vùng đất khác nhau để thử thách và rèn luyện.
Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược
* Thưa ông, một điểm mới trong kết luận của Bộ Chính trị là phân cấp quản lý quy hoạch cán bộ và điều tiết quy hoạch?
- Đúng vậy. Cấp nào duyệt quy hoạch thì quản lý quy hoạch của cấp đó. Ví dụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt quy hoạch, khi duyệt rồi thì có quyền sử dụng quy hoạch này, được quyền điều động cán bộ từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ trung ương xuống địa phương và ngược lại, xem chuyện đó là bình thường. Đối với cấp tỉnh thành cũng tương tự. Sau khi có quy hoạch thì cấp phê duyệt chịu trách nhiệm bồi dưỡng, chăm lo để những người trong quy hoạch phát triển.
Ở đây, chúng ta không sợ điều cán bộ từ tỉnh này sang tỉnh khác sẽ phá vỡ quy hoạch tại chỗ, vì nếu một đồng chí được quy hoạch ở tỉnh A làm bí thư nhưng có thể không làm bí thư ở tỉnh đó mà sang làm bí thư ở tỉnh khác và ngược lại. Vấn đề là nâng cao thẩm quyền của cấp phê duyệt quy hoạch, phải nâng lên tính pháp lệnh của bản quy hoạch đó, gắn quy hoạch với luân chuyển và đào tạo, sử dụng cán bộ như vậy quy hoạch mới khả thi.
* Kết luận của Bộ Chính trị cũng có nội dung về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, ông có thể cho biết rõ hơn?
- Cán bộ cấp chiến lược là Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua chưa làm, lần này chúng ta làm cho nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
* Những người có tiêu chuẩn như thế nào sẽ được đưa vào diện quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và liệu quy hoạch này có được công khai?
- Bộ Chính trị quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh cán bộ cấp chiến lược làm cơ sở cho việc giới thiệu quy hoạch và luân chuyển, đào tạo cán bộ theo quy hoạch. Muốn làm tốt quy hoạch cán bộ cấp chiến lược thì một trong những việc quan trọng hàng đầu là phải làm tốt quy hoạch bên dưới, như vậy mới có cơ sở để chọn lựa dần lên, nghĩa là gắn quy hoạch cán bộ cấp chiến lược với quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt các địa phương, ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Thực hiện quy hoạch “động” và “mở”, mỗi chức danh quy hoạch 2-3 người và một người có thể quy hoạch 1-2 chức danh. Định kỳ đánh giá, rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện; bổ sung nhân tố mới vào quy hoạch. Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị quyết định phương pháp, cách thức xây dựng và phạm vi, hình thức công khai quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Văn bản góp ý phải ký rõ tên Ông Trần Lưu Hải cho biết: Triển khai việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ hoàn thành kiểm điểm trong tháng 7, sau đó đến các cấp dưới. Cấp cơ sở và đảng viên tiến hành kiểm điểm trong các tháng 10, 11. Trước khi kiểm điểm có tổ chức lấy ý kiến góp ý cho tập thể, cá nhân với hình thức phù hợp và bản góp ý phải ký tên. Làm như vậy vừa đề cao được trách nhiệm của người góp ý, vừa có cơ sở để sau khi kiểm điểm thông báo kết quả đến tập thể, cá nhân đã góp ý. Tuy nhiên, tên người góp ý được giữ bí mật, không để người được góp ý biết ai đã góp ý cho mình. Vừa qua, các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên ủy viên trung ương các khóa được mời góp ý kiểm điểm tập thể và cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu rất thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến và có ký tên. Bộ Chính trị đã tập hợp lại thông qua tổ công tác riêng, đảm bảo tuyệt đối bí mật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận