18/06/2024 16:00 GMT+7

Đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT: Vì một nền nông nghiệp bền vững

T.D.V
và 1 tác giả khác

Nhằm khuyến khích, thời tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp sau khủng hoảng kinh tế 2008 - 2013, trong Luật thuế 71/2014/QH13, Quốc hội quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT.

Từ khi không phải chịu thuế GTGT, giá phân bón tăng đáng kể so với trước đó

Từ khi không phải chịu thuế GTGT, giá phân bón tăng đáng kể so với trước đó

Theo ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên vụ trưởng Vụ quản lý thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế, người có gần 20 năm làm chính sách tài chính, khi áp dụng, quy định đã bộc lộ nhiều bất cập.

Luật thuế 71: Phân bón và máy móc nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT

Năm 2008, Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp được áp dụng mức thuế 5%.

Việc đưa phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT sẽ gián tiếp hỗ trợ nông dân được mua phân bón với giá hợp lý hơn

Việc đưa phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT sẽ gián tiếp hỗ trợ nông dân được mua phân bón với giá hợp lý hơn

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra năm 2008 đã khiến Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giai đoạn năm 2012-2013. Do đó, các nhà làm chính sách phải tính toán làm thế nào để khuyến khích, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp.

Các nhà khoa học kiến nghị vật tư nông nghiệp đầu vào, trong đó có phân bón, nên để thuế thấp hơn, tạo điều kiện cho bà con nông dân được mua giá rẻ và doanh nghiệp sản xuất được lợi. Một số hiệp hội ngành hàng kiến nghị đưa phân bón về thuế suất 0%.

"Lúc đó với tư cách cán bộ làm chính sách của Bộ Tài chính, tôi đã khuyến cáo rằng không thể đưa về 0% được vì theo thông lệ và các cam kết quốc tế, chúng ta chỉ áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, theo đúng nguyên tắc của thuế GTGT", ông Phụng nhấn mạnh.

Tại thời điểm đó, Quốc hội đã thảo luận rằng hiện có 3 mức thuế 0%, 5% và 10%. Nếu như vật tư nông nghiệp đầu vào đang ở mức 5% mà khó khăn quá thì đưa về mức không chịu thuế. "Rất tiếc tại thời điểm đó, các hiệp hội ngành hàng, các viện, cơ quan nghiên cứu… không đủ thông tin dữ liệu để chứng minh rằng 5% có lợi hay không chịu thuế có lợi hơn", ông Phụng nói.

Năm 2014, Quốc hội ban hành Luật thuế 71 quy định phân bón và máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT.

Không phải chịu thuế GTGT, nhưng giá phân bón lại tăng

TS Phùng Hà - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - chia sẻ phân bón không bị áp thuế dẫn đến việc các doanh nghiệp phân bón trong nước hạn chế đầu tư thêm cho sản xuất. Vì khi đầu tư sẽ phải nhập máy móc, thiết bị và phải nộp thuế GTGT cho đầu. Nhưng đầu vào không được khấu trừ, không được hoàn lại nên phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm.

Chuyên gia cao cấp về thuế Nguyễn Văn Phụng, nguyên cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp

Chuyên gia cao cấp về thuế Nguyễn Văn Phụng, nguyên cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, với việc hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài càng có điều kiện hạ giá bán phân bón mạnh để cạnh tranh với phân bón nội địa.

Vì vậy, nguy cơ lớn nhất cho ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản Việt Nam là phân bón nội địa "lép vế" với sản phẩm ngoại nhập giá rẻ, khiến doanh nghiệp trong nước đối mặt với nguy cơ thay đổi chiến lược kinh doanh sang lĩnh vực khác, nhường thị phần lại cho phân bón nhập khẩu.

Về lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững, gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ công nghiệp - nông nghiệp - nông dân và nông thôn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của nước nhà.

Cần sớm đưa phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, qua 10 năm thực hiện Luật thuế 71, chúng ta đã thấy nhiều bất cập. Ông Ngọc cho rằng không thể không sửa đổi luật này: "Một năm Việt Nam xuất khẩu xấp xỉ 55 tỉ USD, mà là xuất siêu. Nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế. "Trụ đỡ" này ai là người làm nên? Chính là hàng triệu hộ nông dân đang rất cần được quan tâm để họ đầu tư, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững. Vậy thì phải hỗ trợ, mà hỗ trợ hiệu quả nhất là chính sách thuế. Đó là tác động đến hàng hóa đầu vào đang chiếm đến 40-60% giá thành sản xuất".

Còn theo chuyên gia Nguyễn Văn Phụng, đối với mặt hàng phân bón (và có thể là máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi…) áp thuế 5% như trước đây là hợp lý.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cho hay chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% sẽ góp phần tăng ngân sách nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón…

Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón, ông Nguyễn Hoàng Trung, phó tổng giám đốc Công ty CP DAP - Vinachem, khẳng định nếu đưa phân bón vào danh mục hàng chịu thuế, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ có rất nhiều tác động tích cực.

"Chúng ta đã qua rất nhiều năm không đổi mới được công nghệ, do vướng các thủ tục về luật thuế. Cơ hội này chúng ta có thêm động lực để đổi mới công nghệ của ngành sản xuất trong nước. Nếu ngành sản xuất phân bón trong nước ổn định, giữ được thị trường. Và khi tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cũng sẽ tạo tiền đề, điều kiện cho người nông dân được sử dụng phân bón chất lượng, yên tâm hơn" - ông Trung khẳng định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên