29/12/2022 18:12 GMT+7

Đưa cả người nghiện, người chết làm đại diện pháp luật công ty

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

Chiều tối 29-12, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên án các bị cáo trong đường dây buôn lậu hàng hóa có tổng trị giá hơn 71,3 tỉ đồng qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Đưa cả người nghiện, người chết làm đại diện pháp luật công ty - Ảnh 1.

Tòa xét xử các bị cáo về tội buôn lậu. Trong đó, riêng bị cáo Chính còn bị xét xử tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Theo đó, bị cáo Ngô Duy Chính (52 tuổi, trú TP.HCM) 16 năm tù về tội buôn lậu, 2 năm tù tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Lương Thị Hạnh (33 tuổi, trú Đà Nẵng), Trần Minh Huy (35 tuổi, trú TP.HCM), Phan Thị Ngọc Nhàn (30 tuổi, trú TP.HCM) cùng mức án 7 năm tù về tội buôn lậu.

Đưa người đã chết làm… đại diện pháp luật công ty

Theo hồ sơ, Chính quen biết một số người có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam để tiêu thụ. Những người này thuê Chính thực hiện các thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hóa và trả phí dịch vụ.

Để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Chính đề nghị Hạnh thành lập, cung cấp thông tin của một số doanh nghiệp tại Đà Nẵng để Chính đưa cho các chủ hàng. Mục đích để chủ hàng báo cho bên xuất khẩu hàng hóa điền thông tin các doanh nghiệp này vào vận đơn với tư cách là đơn vị nhập khẩu. Chính gửi bản chụp chứng minh nhân dân của người khác cho Hạnh để sử dụng thành lập, đăng ký chữ ký số 9 công ty tại Đà Nẵng.

Trong số các công ty, Công ty TNHH thương mại Blue Bayou, người đại diện theo pháp luật là ông P.N.D. (trú tỉnh Tiền Giang). Qua xác minh của lực lượng chức năng, ông D. đã chết năm 2017.

Tương tự, Công ty TNHH Thiên Phú Thành Phát có người đại diện theo pháp luật là ông T.H.L. (trú TP.HCM). Ông L. cũng đã mất năm 2020.

Còn Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sunset, người đại diện theo pháp luật là ông P.V.T. (trú TP.HCM). Gia đình ông T. cung cấp nội dung ông này là người nghiện ma túy, đã bỏ nhà đi lang thang.

Đưa cả người nghiện, người chết làm đại diện pháp luật công ty - Ảnh 2.

Đại diện Viện KSND TP Đà Nẵng phát biểu quan điểm luận tội - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Ngoài Công ty TNHH thương mại One Express đặt trụ sở tại nhà bà Hạnh, các công ty còn lại đều không có trụ sở làm việc, không có nhân viên, không hoạt động kinh doanh.

Lập khống chứng từ nhập khẩu

Sau khi nhận được vận đơn các chủ hàng gửi qua Viber, Chính chuyển và chỉ đạo Huy tự lập khống chứng từ nhập khẩu gồm hóa đơn, danh sách hàng hóa với thông tin hàng nhập khẩu là nước giặt, nước xả vải. Huy thực hiện bằng cách tra cứu trên mạng để chọn loại nước giặt, nước xả, thông tin trọng lượng… căn cứ vào tổng trọng lượng hàng hóa được ghi trên vận đơn để tính toán số lượng hàng cho phù hợp.

Về đơn giá, Huy tham khảo thị trường rồi lấy 1/3 giá này để ghi lên hóa đơn. Sau khi hoàn tất, Huy gửi lại cho Chính xem, xác nhận rồi gửi cho Hạnh. Hạnh đóng dấu tên, dấu chữ ký giám đốc, pháp nhân của công ty nhập khẩu lên hóa đơn, danh sách hàng hóa rồi gửi lại cho Huy. Huy dùng chữ ký số của công ty nhập khẩu, vào máy tính đăng nhập hệ thống hải quan điện tử, đăng chứng từ lên để làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu. Hạnh cho người mang bộ chứng từ bản giấy đến nộp tại hải quan để làm thủ tục thông quan, nhận hàng.

Khi có thông tin hàng về, Nhàn chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng cho Hạnh để chi trả các chi phí liên quan đến lô hàng.

Đưa cả người nghiện, người chết làm đại diện pháp luật công ty - Ảnh 3.

Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Để thực hiện việc buôn lậu, các bị cáo sử dụng pháp nhân 6/9 công ty để thực hiện việc nhập khẩu 22 lô hàng từ nước ngoài về Việt Nam qua cảng Tiên Sa.

Mặc dù hàng hóa trong các container nhập khẩu gồm nhiều mặt hàng khác nhau như sữa bột, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô… nhưng bằng thủ đoạn lập khống chứng từ nhập khẩu gồm hóa đơn, danh sách hàng hóa với thông tin hàng hóa nhập khẩu là nước giặt, nước xả vải cho phù hợp với tổng trọng lượng hàng hóa được ghi trên vận đơn.

Các bị cáo đã làm thủ tục mở tờ khai hải quan nhập khẩu 4 container hàng hóa có trị giá hơn 24,8 tỉ đồng, chênh lệch tiền thuế đã nộp và phải nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 9,9 tỉ đồng.

Ngoài ra, có 18 container chưa được các bị cáo làm thủ tục mở tờ khai do bị cơ quan điều tra phát hiện, tạm giữ có trị giá hơn 46,4 tỉ đồng.

Tổng trị giá của hàng hóa chứa trong 22 container nói trên là hơn 71,3 tỉ đồng.

Triệt xóa đường dây lập công ty ‘ma’ buôn lậu qua cảng Tiên Sa Triệt xóa đường dây lập công ty ‘ma’ buôn lậu qua cảng Tiên Sa

TTO - Ngày 10-3, ông Hồ Kỳ Minh - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đã đến động viên và khen thưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an Đà Nẵng về thành tích điều tra, khám phá chuyên án buôn lậu.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên