28/02/2013 07:52 GMT+7

Dự thảo sửa đổi Luật Cư trú: Đừng chặn đường về quê hương

MaiCong
MaiCong

TT - Thông tin về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú được đông đảo bạn đọc quan tâm. Trong đó, gần 200 ý kiến phản hồi không đồng tình với quy định xóa tên đăng ký thường trú đối với người đi nước ngoài từ hai năm trở lên...

Đa số ý kiến đều đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề này mà Tuổi Trẻ đã trích đăng: “Tôi đi nước ngoài, tôi đi tù thì ông ghi chú vào đó, cái sổ của ông rất to cơ mà, làm gì ông phải xóa tên trong cái sổ đó, khi tôi về thì ông ghi lại thôi chứ cớ gì phải xóa”. Tuổi Trẻ trích đăng một số ý kiến dưới đây:

Quy định bất hợp lý

Trong lúc Nhà nước ta đang ra sức kêu gọi những người có trình độ ở nước ngoài về nước đóng góp xây dựng quê hương thì lại có những quy định làm người ra đi cảm thấy bị gạch tên, xóa sổ, khó khăn khi trở về. Theo tôi, nên làm sao để người đi học, đi làm, thậm chí là đi định cư ở nước ngoài cảm thấy quê hương, đất nước luôn mở rộng vòng tay đón họ trở về bất cứ khi nào. Trong điều kiện nước mình chưa thể thu hút người tài bằng các đãi ngộ tài chính và điều kiện làm việc như họ có thể được hưởng ở nước ngoài thì nên dùng cái tình, cái lý để mời họ trở về.

Minh Quân

Chưa phù hợp thực tế

Thực tế cho thấy hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đi du học và xuất khẩu lao động. Chúng ta phải khuyến khích điều này vì phần lớn trong số họ sẽ quay về nước làm việc và chính họ sẽ đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước. Vậy tại sao lại đưa ra quy định gây khó dễ cho họ?

Theo tôi, khi một cá nhân xuất cảnh thì cơ quan quản lý sẽ ghi chú thời gian xuất cảnh trong hồ sơ lưu trữ tại địa phương. Nếu sau thời gian đăng ký mà chưa thể về nước vì một lý do nào đó thì người đó bắt buộc phải về nước đăng ký lại thời gian xuất cảnh...

blueworld219@...

Cảm giác như bị đuổi khỏi nhà

Du học sinh đi học đại học là bốn năm, thạc sĩ là hai năm, tiến sĩ hơn bốn năm nữa. Chúng tôi, những người đi tha hương cầu kiến thức, mở mang đầu óc, mở mang tầm mắt, trau dồi học hỏi sao lại định xóa tên chúng tôi ra khỏi sổ hộ khẩu chính nhà chúng tôi?

cobekeongot1216@...

Hụt hẫng

Tôi hi vọng những điều không hợp lý trong dự luật này bị bác bỏ. Nếu không sẽ có nhiều du học sinh cảm thấy hụt hẫng khi chọn quê hương để trở về thì bị “xóa tên”. Tôi có ý định sẽ đi học thạc sĩ ở Mỹ với thời gian dự kiến từ 2 đến hai năm rưỡi. Hồ sơ của tôi được duyệt là định cư (do người thân bảo lãnh) nhưng tôi luôn xác định điểm về nên quy định này khiến tôi thấy lo lắng. Mong rằng khi quyết định ban hành những luật quan trọng liên quan đến di trú và dân số nên có tầm nhìn xa, bởi lẽ yếu tố con người ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn vong, hưng thịnh của dân tộc.

nguyenthienthanhthao@...

Không phải lúc...

Cũng may mà quy định xóa đăng ký thường trú đối với người xuất cảnh ra nước ngoài quá hai năm được lồng trong dự án đã được chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời phát hiện, chứ không thì lại giống như hoàn cảnh của quy định ghi họ và tên cha mẹ trên giấy chứng minh nhân dân vừa qua! Trong quá khứ đã có không ít nghị định, dự án luật, thông tư bị “treo” vì không khả thi. Tại sao không rút kinh nghiệm khi soạn thảo dự luật này? Hơn thế nữa, hiến pháp nước ta đang trong lúc thảo luận, sửa đổi, bổ sung theo chiều hướng mang lại dân chủ nhiều hơn cho người dân thì việc trình quy định này xem ra là không phải lúc...

vinhtai47@...

Làm luật chưa ổn

Theo tôi, xuất phát điểm là ta làm luật có gì đó chưa ổn. Dự thảo luật ở ta thường là do các bộ có chức năng quản lý xây dựng cách làm này có vấn đề là thiếu khách quan, mang ý chủ quan của từng bộ, bộ nào cũng bảo vệ quyền lợi của bộ ấy mà không suy xét kỹ xem dân có đồng tình hay không.

khacthanhaasc@...

MaiCong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên