23/07/2016 08:30 GMT+7

Xử phạt cứng nhắc vụ dẫn khách vãn cảnh chùa Thiên Mụ?

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG

TTO - Trường hợp dẫn người nhà, bạn bè đi tham quan du lịch, giới thiệu danh lam thắng cảnh có bị cho là hướng dẫn “chui”? 

Ông Nguyễn Thanh Hòa - phó thanh tra du lịch Thừa Thiên - Huế nói ông Mẫn bị phạt vì hành vi hướng dẫn “chui”

Ngày 18-7, ông Trần Văn Mẫn, phó tổng giám đốc một công ty ở Bình Dương dẫn ba khách Nhật là đối tác của công ty đi chơi tại chùa Thiên Mụ. Sau đó, ông bị thanh tra du lịch Huế phạt 5 triệu đồng vì cho rằng ông này hướng dẫn “chui”.

Liệu cách xử phạt hành vi dẫn khách du lịch của ông Mẫn có cứng nhắc? Bộ phận quản lý du lịch tại các địa phương nên có cách xử lý thế nào để hạn chế tình trạng hướng dẫn viên “chui” một cách hiệu quả?

Không nên xử phạt khi chưa có bằng chứng thuyết phục

Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng), việc cơ quan có thẩm quyền chưa chuẩn bị được chứng cứ, cơ sở để chứng minh ông Trần Văn Mẫn thực sự hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép mà đã xử phạt thì chưa chính đáng.

“Hơn nữa, người có thẩm quyền xử phạt phải có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm của người bị xử phạt, không thể đẩy trách nhiệm chứng minh cho người vi phạm. Việc này dễ dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật” - LS Lê Cao phân tích.

Cơ quan thực thi pháp luật cần cẩn trọng để pháp luật được thực thi nghiêm minh, tránh trường hợp các đối tượng lợi dụng khe hở pháp luật để hoạt động hướng dẫn “chui” như các hướng dẫn viên Trung Quốc chui vừa qua.

Theo LS Lê Cao, nếu muốn áp dụng pháp luật một cách nghiêm minh và cẩn trọng thì nên có những giải pháp khác về mặt quản lý hành chính, không thể áp dụng quy định pháp luật cứng nhắc.

Ông Đống Lương Sơn, tổng giám đốc Công ty du lịch Yasaka - Sai Gon - Nha Trang cho rằng để xem xét liệu ông Trần Văn Mẫn có phải là hướng dẫn viên du lịch “chui” hay chỉ dẫn bạn bè đi tham quan thì cần chú ý đến tính chất thường xuyên của vụ việc.

“Phải xem ông Văn Mẫn có thường xuyên dẫn dắt khách đi tham quan không, có tổ chức tour, có bị nhắc nhở bao giờ chưa, sau đó mới có thể có quyết định xử phạt chính xác, đúng người đúng tội”, ông Đống Lương Sơn nhận định.

Theo ông Đống Lương Sơn, việc xử phạt chưa thuyết phục sẽ tạo tâm lý lo lắng cho du khách. Đặc biệt là những du khách người nước ngoài thường rất dễ hoang mang khi đụng chạm đến các vấn đề pháp luật của nước sở tại.

Do vậy, nên cân nhắc xử phạt sao cho khéo, tránh tạo cái nhìn phản cảm cho du khách.

Phạt đúng, phạt nghiêm để bảo vệ hình ảnh du lịch

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch công ty Lửa Việt Tour, nên xử phạt nghiêm những người có hành vi hướng dẫn khách du lịch mà không có giấy phép.

Không nên “du di” cho bất kỳ trường hợp nào vì rất dễ khiến người dân coi thường luật pháp, tạo kẽ hở cho hoạt động hướng dẫn “chui”.

“Trên nguyên tắc, ngoài hướng dẫn viên du lịch đã được cấp phép hoạt động thì không ai khác được phép thuyết minh về các địa điểm du lịch nổi tiếng vì có thể họ không có kiến thức đầy đủ, dẫn đến nói sai, cung cấp thông tin và hình ảnh không chính xác cho khách du lịch” - ông Nguyễn Văn Mỹ nói.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, có rất nhiều công ty du lịch lợi dụng dẫn những nhóm du khách nhỏ đi tham quan trái phép, khi gặp sự cố thì nói dối là người nhà, là đối tác, là bạn bè. Cơ quan quản lý rất khó để chứng minh những trường hợp này.             

Vì thế, nếu luật pháp cấm hoạt động thuyết minh ở các địa điểm du lịch khi không có giấy phép hướng dẫn thì hành vi vi phạm với bất kỳ lý do nào, dù là lần đầu hay đã tái phạm nhiều lần cũng nên bị xử phạt.

Quan trọng là cách xử phạt như thế nào để thuyết phục và hợp tình hợp lý.

“Nếu cơ quan chức năng muốn xử phạt thì phải tìm cách thuyết phục để người bị xử phạt tâm phục khẩu phục, phải có chứng cứ rõ ràng, phải chỉ được cho người dân thấy cái sai.

Ngoài ra, chỉ nên phạt những trường hợp cố tình, còn trường hợp người dân không hiểu biết pháp luật mà vô tình vi phạm thì chỉ nên nhắc nhở. Nếu nhắc nhở nhiều lần mà vẫn vi phạm thì mới xử phạt” - ông Nguyễn Văn Mỹ nêu.

Quản lý hoạt động du lịch thế nào?

Theo LS Lê Cao, việc quản lý và giám sát hoạt động du lịch nên được thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau, không nên chỉ xử phạt một cách cứng nhắc.

Cơ quan quản lý phải có đầy đủ đội ngũ để thường xuyên kiểm soát hoạt động du lịch, có thể sử dụng hệ thống camera để phát hiện kịp thời những hành vi hướng dẫn trái phép.

Ngoài ra cũng nên có sự liên hệ thông tin giữa các địa phương, các đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch nhằm có sự kiểm soát sâu rộng đội ngũ nhân sự du lịch.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, các địa điểm du lịch nên có biển báo ghi rõ việc cấm hoạt động thuyết minh khi không có giấy phép hướng dẫn, hoặc có bộ phận nhắc nhở để người dân biết mà không vi phạm.

“Các điểm du lịch hiện nay hầu hết chưa có biển báo, chưa đề nội quy tham quan cụ thể. Phải phạt đúng, phạt nghiêm để tạo hình ảnh du lịch minh bạch trong mắt bạn bè quốc tế” - ông Nguyễn Văn Mỹ nói.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, du lịch ở VN kém phát triển vì nhiều lý do. Mỗi người đều có thể là nguyên nhân làm cho du lịch yếu kém, từ người dân không hiểu biết và tôn trọng pháp luật đến cấp quản lý lỏng lẻo, xử lý không chuyên nghiệp.

Sao không xử phạt HDV Trung Quốc nghiêm như vậy?

Nhiều bạn đọc cho rằng nếu cơ quan quản lý theo dõi và bắt phạt những hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc nghiêm khắc như vậy thì tình trạng này đã chấm dứt từ lâu.

“Sao không tìm hướng dẫn viên “chui” của Trung Quốc xử phạt mà lại để cho họ lộng hành biết bao nhiêu năm nay? Họ thường dẫn khách đi thành đoàn, khi đến địa điểm tham quan thì thuyết minh, cũng dễ phát hiện chứ đâu có khó?” - bạn đọc Đình Cầm nói.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Ông Nguyễn Văn Mỹ:

>> LS Lê Cao:    

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên