11/09/2015 09:17 GMT+7

TP.HCM phát triển du lịch dọc sông Mekong

LÊ NAM , LENAM@TUOITRE.COM.VN
LÊ NAM , LENAM@TUOITRE.COM.VN

TT - Ngày 10-9, đại diện cơ quan quản lý du lịch VN, Lào và Campuchia đã tham gia chương trình tour đường sông đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng (bìa trái) hướng dẫn đại diện các cơ quan du lịch của Lào và Campuchia tham quan rừng khu Đầm Dơi, Cần Giờ - Ảnh: L.Nam

Đây là một phần trong chương trình giới thiệu những sản phẩm du lịch mới đặc trưng của TP.HCM với các quốc gia trong khu vực nhằm tăng cường khả năng kết nối, đa dạng sản phẩm du lịch cho TP.HCM nói riêng và VN nói chung.

Hào hứng với du lịch đường sông

Ngay sau buổi khai mạc Hội chợ quốc tế du lịch TP.HCM 2015 (ITE 2015), các đại biểu di chuyển đến bến phà Bình Khánh, nơi có du thuyền bằng gỗ Hòn Ngọc Viễn Đông của Công ty thuyền buồm Đông Dương chờ sẵn.

Thuyền lướt sóng nhẹ nhàng hướng về phía Cần Giờ, gió thổi mơn man qua các cửa sổ, du khách đến từ Lào, Campuchia giơ máy ảnh lên chụp. Vừa ngồi ngắm cảnh vật hai bên bờ sông, du khách còn được thưởng thức các chương trình ca nhạc dân tộc do nhiều nghệ sĩ trình diễn. Bà Mak Vansitha, phó đô trưởng Phnom Penh, đã lên múa và hát cùng các nghệ sĩ.

Bước xuống thuyền vào khu du lịch Vàm Sát, bà Vansitha nhận định đây là tour rất hấp dẫn, rất lạ với du khách nước ngoài, đặc biệt là khách đến từ châu Âu. Ngồi ngay trên hàng đầu chiếc thuyền hướng vào khu rừng đước, khu du lịch Đầm Dơi (Cần Giờ), Thứ trưởng Du lịch Lào Chaleune Warinthrasak khá thích thú khi liên tục dùng điện thoại chụp ảnh. Các vị khách đến từ Campuchia hướng ống nhòm về khu rừng đước tìm dơi to đang treo trên cây ngủ.

Cùng tham gia chuyến tham quan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng giới thiệu với các đại biểu rằng TP đang tập trung nâng cấp chất lượng dịch vụ các sản phẩm tour, trong đó có du lịch đường sông.

“Đây là sản phẩm đặc trưng riêng của du lịch TP.HCM. Tour hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng trải nghiệm một loại hình sản phẩm tour mới, từ đó sẽ xây dựng khả năng kết nối tour đường thủy giữa VN với các quốc gia trên khu vực sông Mekong” - bà Hồng nói.

Theo bà Hồng, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Du lịch nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, phối hợp khảo sát tuyến du lịch đường sông từ TP.HCM đi dọc sông Mekong qua đến Lào, Campuchia. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh tour đường thủy hiện có nhiều loại thuyền có thể chở từ vài khách đến cả trăm khách, có thể hợp tác để phát triển du lịch đường sông.

“Đây là tuyến du lịch được TP định hướng để phát triển trong thời gian tới, chúng tôi cố gắng đến đầu năm 2016 có thể xây dựng và kết nối các tour này đưa khách qua lại dọc sông Mekong” - bà Hồng nói.

Bà Mak Vansitha - phó đô trưởng TP Phnom Penh (trái) và Thứ trưởng Du lịch Lào Chaleune Warinthrasak (bìa phải) tham quan nhà trưng bày hiện vật Trung tâm ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ - Ảnh: L.Nam

Lập cơ chế cùng quảng bá du lịch

Bên trong chòi nghỉ chân, vừa uống nước dừa tươi nhìn ra bên ngoài mọi người đang câu cua biển, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch Lào Khon Douangchantha cho rằng những sản phẩm đặc biệt như tour này cần được giới thiệu nhiều hơn cho du khách quốc tế.

Theo ông Douangchantha, du khách quốc tế đến Lào chủ yếu từ các nước châu Âu và Úc nhưng nếu chỉ dành hết thời gian ở Lào sẽ không hấp dẫn bằng mở thêm tour sang VN để tắm biển, trải nghiệm văn hóa và đi tour đường sông ở TP.HCM chẳng hạn.

“Doanh nghiệp lữ hành các nước nên tham gia những tour mới, độc đáo như tour này rồi kết hợp thêm các sản phẩm khác để hình thành nhiều tour đa dạng, hấp dẫn du khách hơn nữa” - ông Douangchantha nói.

Theo ông Douangchantha, việc các bộ trưởng VN, Lào, Campuchia và Myanmar ký thỏa thuận hợp tác du lịch song phương tại ITE 2015 sẽ tạo điều kiện, là nền tảng tốt để Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch, lữ hành, doanh nghiệp... cùng ngồi lại với nhau để bàn kế hoạch xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.

“Các bên cần ngồi lại bàn xem có thể cùng tham gia xúc tiến quảng bá cho các sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực ở những thị trường, hội chợ quốc tế nào thì phù hợp. Cần bàn cụ thể cơ chế hợp tác, đóng góp tài chính, nhân lực ra sao, nội dung cùng quảng bá là gì”.

Theo ông Douangchantha, việc Campuchia, Thái Lan thực hiện một visa cho du khách từ nước thứ ba đến du lịch ở hai quốc gia này cũng cần được nghiên cứu và học tập kinh nghiệm để có thể áp dụng cho các quốc gia còn lại, tạo điều kiện cho du khách được hưởng lợi nhiều nhất từ khẩu hiệu “Năm quốc gia - một điểm đến”, biến khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách.

Cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng cho liên kết

Theo thông tin tại ITE 2015, khách quốc tế đến khu vực VN, Lào, Campuchia và Myanmar trong năm 2014 đạt 19,6 triệu lượt, tăng 11,4% so với năm 2013, trong đó trao đổi khách nội vùng chiếm 10% lượng khách.

Trong ba quốc gia (VN, Lào, Campuchia), VN là thị trường gửi khách tới quan trọng của Campuchia và Lào. Hệ thống giao thông, đi lại bằng đường hàng không, đường bộ và cả đường thủy đã rất thuận lợi cho việc đi lại, phát triển sản phẩm du lịch cho du khách quốc tế.

“Cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng, nay tìm cơ hội để các nước cùng hợp tác khuếch trương, giới thiệu điểm đến VN, Lào, Campuchia và Myanmar tới những thị trường du lịch tiềm năng” - Thứ trưởng Du lịch Lào Chaleune Warinthrasak chia sẻ.

Gần 100 đơn vị tham gia kích cầu du lịch

Đó là số đơn vị trong lĩnh vực khách sạn, lữ hành, điểm du lịch, vận chuyển khách, nhà hàng, điểm mua sắm... tham gia chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng 2015 được Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng công bố ngày 10-9.

Chương trình diễn ra từ nay đến ngày 31-3-2016 với hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 3-9 đến 31-12 với chủ đề “Nắng thu Đà Nẵng”, giai đoạn 2 từ ngày 1-1 đến 31-3-2016 với chủ đề “Du xuân Đà Nẵng” và tháng cao điểm bán hàng khuyến mãi và kích cầu du lịch tháng 12.

Theo đó, các gói sản phẩm kích cầu du lịch gồm các khách sạn giảm giá phòng 10-60%, kéo dài thời gian lưu trú để thu hút khách công vụ, có quà tặng cho khách... Đối với các công ty lữ hành, mức giảm giá phòng từ 40-65%. Các công ty lữ hành tập trung vào những gói sản phẩm tour khu vực Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam với mức giảm từ 7-25% giá tour niêm yết. Các khu điểm du lịch giảm từ 10-50% giá vé tham quan.

Chương trình kích cầu du lịch 2015 tập trung vào ba nhóm thị trường chính là khách nội địa (từ Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc, TP.HCM, ĐBSCL), khách quốc tế (các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia...; phát triển thị trường truyền thống như Úc, Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Thái Lan, các nước nói tiếng Hoa) và thị trường khách MICE.

Chương trình đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phục vụ chuyên nghiệp, giảm giá nhưng không giảm chất lượng, không cắt bớt dịch vụ, mang lại lợi ích cho du khách. Các đơn vị tham gia phải niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, thực hiện đúng các gói ưu đãi, hình thức khuyến mãi đã đăng ký.

VIỆT HÙNG

LÊ NAM , LENAM@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên