17/01/2016 10:07 GMT+7

Tôi là người Palestin theo đạo Hồi mà quán cứ dọn thịt heo

QUỲNH TRUNG ghi
QUỲNH TRUNG ghi

TT - Bốn năm sinh sống và học tập tại Việt Nam, tôi rất tôn trọng và yêu mến nhiều nét văn hóa ở đây cũng như tính cách thân thiện, hiếu khách của người Việt. Tuy nhiên, có những điều khiến người nước ngoài chúng tôi cảm giác không thoải mái...

Ăn nhậu là chuyện cá nhân, tùy theo nhu cầu của mỗi người, do đó không nên ép. Trong ảnh: bạn trẻ tây, ta uống bia ở phố đi bộ (Hà Nội) - Ảnh: T.T.D.
Ăn nhậu là chuyện cá nhân, tùy theo nhu cầu của mỗi người, do đó không nên ép. Trong ảnh: bạn trẻ tây, ta uống bia ở phố đi bộ (Hà Nội) - Ảnh: T.T.D.

Chẳng hạn như nhiều người Việt không chịu tìm hiểu kỹ về văn hóa người nước khác, dẫn đến những hành vi ứng xử chưa phù hợp.

Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam du lịch có đem theo sổ tay để ghi lại cảm nhận về đất nước Việt Nam qua giao tiếp và sinh hoạt của người địa phương. Do đó, tôi nghĩ người Việt nên có những ứng xử phù hợp để lấy lòng du khách, đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh mất những cái lợi lâu dài

Ít khi lắng nghe

Anh Saleem Hammad - Ảnh: nhân vật cung cấp
Anh Saleem Hammad

Có lần tôi và một cô bạn người Việt đi ăn pizza tại một nhà hàng ở Q.Ba Đình (Hà Nội). Tôi gọi một pizza hải sản và spaghetti thịt bò.

Tôi dặn đi dặn lại nhân viên phục vụ là tôi không thể ăn được thịt heo, cô này cũng vâng vâng, dạ dạ nhưng không biết cô nói với nhà bếp thế nào mà khi đưa ra bàn ăn, tôi vẫn ngửi được mùi không quen là thịt heo trong món pizza.

Tôi bực tức quát lớn bằng tiếng Việt: “Tại sao anh dặn em nhiều lần mà em vẫn đem ra thịt heo?”. Sau đó khi bình tĩnh lại, tôi gọi quản lý nhà hàng góp ý rằng nhà hàng nên tôn trọng và lắng nghe kỹ yêu cầu của khách hàng.

Một lần khác khi tôi đi ăn với một người bạn Mỹ, bạn ấy thích ăn chay nên gọi món salad không trộn thịt nhưng cuối cùng nhân viên phục vụ vẫn đem salad trộn thịt cho chúng tôi.

Tôi đã gặp những vấn đề liên quan đến thịt heo nhiều lần và những người bạn theo đạo Hồi hiện đang sinh sống ở Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự. Bây giờ tôi hạn chế ra ngoài ăn vì cảm giác không còn tin tưởng vào thái độ phục vụ của các nhà hàng mình từng đến.

Một chuyện khác nữa là cách đây hai năm, tôi có đến một quán ăn ở Hà Nội và chọn nhiều món trong thực đơn. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau thì nhân viên phục vụ đưa cho tôi một món mà tôi không có yêu cầu.

Tôi nói mình không có chọn món này thì nhân viên phục vụ trả lời: “Món ăn anh gọi đã hết, anh ăn thử món này ngon hơn” khiến tôi cảm thấy vô cùng thất vọng. Tôi nói với nhân viên rằng: “Tại sao trong thời gian 30 phút vừa qua, em không một lần hỏi ý kiến anh?” rồi sau đó tôi kêu tính tiền và bỏ về.

Một điểm khác khiến tôi cảm thấy không thoải mái là nhiều người Việt Nam thường thích ép người nước ngoài làm những điều họ không muốn.

Dù tôi biết là nhập gia phải tùy tục, nhưng không phải tục nào người nước ngoài cũng có thể làm theo được. Chẳng hạn như có người ép tôi ăn mắm tôm với lời giới thiệu đây là món đặc sản của miền Bắc Việt Nam dù tôi nói với họ là mình không chịu nổi mùi vị món chấm này.

Hay như khi ăn uống cùng người địa phương, một số người nhiều lần ép tôi uống bia rượu dù tôi giải thích với họ là tôi theo đạo Hồi nên không uống rượu bia, từ trước đến giờ tôi chưa hề biết mùi vị bia rượu như thế nào.

Có người còn chê bai: “Đàn ông gì mà không uống rượu. Uống một chút có mất mát gì đâu”(?!).

Tôi không có ý so sánh nhưng khi cùng đi ăn với một người bạn Romania ở Hà Nội, người bạn này hỏi tôi có muốn uống bia không và khi nghe tôi trả lời không uống được, người bạn này tiếp tục hỏi liệu việc anh ấy uống bia có khiến tôi cảm thấy khó chịu không...

Không phải người nước ngoài nào cũng giàu

Tôi thấy bây giờ cuộc sống người dân Việt Nam đã khá giả hơn trước. Thương mại, kinh tế phát triển khá nhanh. Ngày càng nhiều người dân gia nhập tầng lớp trung lưu, thượng lưu.

Tuy nhiên cũng có nhiều người, đặc biệt là những người bán hàng ở các khu du lịch, vẫn tự xem mình là nghèo và mặc định bất cứ du khách người nước ngoài nào cũng giàu để họ mặc sức “chặt chém”.

Có lần tôi đóng vai một du khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam ra phố Hàng Đào (dù tôi đã ở Việt Nam bốn năm) để hỏi bằng tiếng Anh mua một cái áo có in cờ Tổ quốc Việt Nam thì người bán hàng “hét” giá 350.000 đồng.

Sau đó tôi phản ứng ngay bằng tiếng Việt: “Làm gì mà đắt dữ vậy, cái áo này chỉ có 50.000 đồng thôi!” thì người bán hàng trố mắt ngạc nhiên vì trình độ tiếng Việt của tôi và liền hỏi tôi mua bao nhiêu cái với giá 50.000 đồng.

Theo tìm hiểu của tôi, những cái áo ấy không phải do Việt Nam sản xuất. Tôi cho rằng khách nước ngoài đến Việt Nam để mua những đặc sản và mặt hàng đặc trưng của Việt Nam chứ không phải hàng Trung Quốc.

Theo tôi, giá cả không quan trọng nhưng tôi nghĩ người Việt nên chú trọng đến chất lượng hàng hóa và cái tên “Việt Nam”.

Ngoài ra, tôi có ấn tượng không tốt với hành vi chèo kéo du khách của một số nhân viên nhà hàng, quán ăn ở Việt Nam. Có lần khi tôi đi cùng một số người bạn thì một nhân viên chạy ra giật áo tôi cùng lời chào mời “hello, bia bia” khiến chúng tôi cảm thấy sợ và không thoải mái.

Tôi cũng muốn góp ý thêm với các nhân viên “chèo kéo” du khách ở các khu du lịch là họ nên học một số từ tiếng Anh cơ bản để thuyết phục khách hàng vào quán mình ăn. Đừng nên nói “hello bia” khiến người nước ngoài tưởng họ tên là “bia”.

SALEEM HAMMAD (người Palestine)

Sao lại sính ngoại?

Tôi vẫn nhớ khi vừa đặt chân đến Việt Nam thì ấn tượng đầu tiên của tôi chính là Việt Nam rất xinh đẹp, yên bình, và đó cũng là ước mơ của toàn thể người Palestine chúng tôi.

Nhưng có một số người bạn Việt sau khi đi du học nước ngoài về thì rất tự hào nói với tôi rằng: “Tôi là người Mỹ!”, “Tôi là người Anh!”, “Tôi là người Úc!”...

Tôi còn nghe một số phụ nữ Việt Nam nói đây là con trai tôi, nó đẹp như trai Hàn Quốc khiến tôi vô cùng ngạc nhiên.

QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên