15/11/2016 11:58 GMT+7

Mùa cóc chín tháng 11 ê hề đại tiệc miền Tây

NGA BÍCH
NGA BÍCH

TTO - Tháng 11, có dịp về Phong Điền (Cần Thơ) thăm bà con. Xung quanh khu vườn đầy những cây cóc sum sê. Và ba ngày liền cả đám khách được ăn ngất ngư đủ món... cóc.

Những xe đẩy trên đường Trương Định thường bán cóc chín - Ảnh: Nga Bích

Mùa cóc chín

Ở Sài Gòn từ cuối tháng 10, đi ngang qua mấy con đường Trương Định, Bùi Thị Xuân (TP.HCM)... là ngửi thấy mùi cóc chín thơm lừng.

Những chiếc xe đẩy bình thường bán ổi, xoài, trái cây gọt sẵn... giờ toàn cóc. Những trái cóc chín vàng tươi, những miếng cóc xắt vàng rực, bày quanh thau muối ớt hồng đỏ... hứa hẹn một vị chua cay mặn ngọt ngon lành.

Đi vòng quanh vài khu chợ lại bắt gặp những chiếc xe đạp chở đầy sọt cóc chín. Các cô hàng rau, trái cây xúm xít mời mua cóc, gọt cóc... Hương cóc chín cứ nhè nhẹ, quyến rũ đi qua từ mắt, mũi rồi tươm thành nước bọt ngập chân răng.

Mùa cóc chín rộ đang về.   

Về Phong Điền, đi giữa khu vườn mênh mông cóc và cóc. Trong nhà, những trái cóc già tròn ủm được cho vào giỏ đệm có lót rơm và lá chuối khô chờ giao cho thương lái.

Chủ vườn là bác út Ngọc (năm nay 78 tuổi), quanh năm áo sơmi cũ quần tây đi lội vườn, nói "cây cóc là truyền đời, cha ông từng trồng, giờ mình tiếp tục trồng".

Khác nhiều nhà vườn xung quanh, gia chủ chỉ tập trung vào cây cóc, cóc ta và cóc Thái. Cóc Thái bán quanh năm, trái non dùng ngâm chua, làm gỏi.

Còn cóc ta bán theo mùa. Trái căng vỏ xanh cứng chắc nụi, từ cây xuống giỏ lên tới vựa, hai ba ngày vẫn xanh tươi. Đến khi ra tới sạp bày bán mới vừa ửng chín. Vừa đủ để người mua mang về rửa sạch, gọt vỏ, xắt miếng.

Miếng cóc còn nguyên vị chua thanh, giòn rụm, cắn nhai nghe rau ráu.

Cây cóc ra hoa từ tháng 4 hằng năm - Ảnh: Nga Bích

Cóc chẳng bao giờ ế

"Sống vừa đủ ăn, không nghèo cũng chẳng giàu. Trái cóc đi xa mấy ngày không giập. Người Việt ai cũng thích ăn. Có cung có cầu, trái cóc tuy là thứ trái ăn chơi nhưng chẳng bao giờ ế”, bác Ngọc tâm sự.

Bữa cơm vui chuyện, chủ nhà kể thêm: “Cóc ta xứ mình xưa thông dụng nhất là giống cóc cầy. Miền Tây, miền Đông đều có. Xưa ông bà mình trồng cây gì đều tính chuyện để lại cho con cháu".

Cây cóc thì trồng vừa ăn chơi vừa lấy bóng mát. Cóc xanh thì hái xuống gọt ăn chấm muối ớt, ít để già vì sợ chín bỏ thúi. Nhưng giờ có giống cóc Thái nhỏ xíu đã cho trái nên nhiều nhà trồng giống mới xen lẫn giống cũ.

Trái non bán cho lái mua về làm cóc chua, cóc già bán cho người ta gọt ăn sống, làm gỏi. Cóc Thái có ưu thế là mau trái nhưng trái xốp, vị ngọt ngay nên ăn không hợp khẩu vị.

Giờ có cóc lai giữa cóc Thái với cóc ta, trái to, ngọt pha chua, khi chín chỉ cần dùng dao bén lột vỏ rồi gọt miếng, chấm với muối ớt ăn hoài không ngán nên bán chạy.

Mâm cóc xanh vừa hái trong vườn nhà ở Phong Điền - Ảnh: Nga Bích

Gỏi cóc, nấu bún cóc

Phong Điền thuộc Cần Thơ, xứ đầy vườn cây trái. Cây gì cũng có thể ra trái quanh năm nếu biết chăm sóc. Nhưng đúng mùa của cóc thì phải từ tháng 5 đến tháng 10. Cứ cóc non (cóc bao tử), cóc già rồi cóc chín. Ăn tươi chán thì làm gỏi, nấu bún...

Chỉ có năm nay hạn rồi mưa về muộn nên tháng 11 vẫn còn trái. Mưa đầu mùa, khoảng tháng 6, cây cóc ra lá non xanh mướt.

Lá cóc non chua chua làm rau, trộn theo cóc non dầm muối ớt, xắt sợi, ăn với tép hay thịt luộc ngon khỏi chê. Rồi còn gỏi cóc, cóc ngâm muối...

"Để bác nói mấy chị làm món bún cóc. Cứ nước xương hầm trụng bún, bỏ cóc chín vô. Ăn vừa ngọt vừa thanh. Tụi con vừa miệng vừa bụng thì lấy công thức về thành phố đưa lên cái gì đó, in là "dutút" (YouTube) hén”, bác Ngọc đưa chuyện này sang chuyện khác.

Bác nói ưu điểm vượt trội của cóc miền Tây là không lạm dụng thuốc. Cây cóc thân cao, chống được nhiều loại sâu bệnh nên chỉ cần bón phân. Mà phân là đất phù sa ngoài sông. Bác cứ dọn vườn vun gốc, cây cứ thế mà lớn, ra hoa kết trái.

Cóc là loại trái cây dân dã, rẻ tiền nhưng là thứ trái có vị chua, giòn, càng ăn vào lõi càng ngon. Giống mới sau này hột nhỏ, ít xơ nên nhiều nhà giờ lại bỏ dâu, cam, bưởi chuyển sang trồng cóc.

Bác Ngọc cho hay đầu hè bán cóc con, tới tháng 7 âm lịch bán cóc xanh. Sau đó là mùa của cóc chín. Còn cuối tháng 11, 12 thì lo dưỡng cây.

Cóc chín cây không cần gọt vỏ, cứ lột ra và cắn ăn. Vị ngọt dịu, hơi chua thanh - Ảnh: Nga Bích

Ba ngày ở Phong Điền, đám khách chúng tôi được ăn ngất ngư cóc già chấm muối ớt và mắm đường. Rồi cóc xanh giòn rụm trộn nước đường, nước mắm, ăn với tôm sông, thịt heo luộc. Không thì tôm khô, khô cá chiên xé nhuyễn…

Ngày về, các anh chị còn lưu luyến giúi theo nào cóc già hườm, cóc vừa ửng chín. Có cả hũ cóc non ngâm muối thật hấp dẫn với màu xanh dịu của cóc và màu đỏ tươi của ớt.

Đâu đó trong vườn, trên những cành cao ướt đẫm nước mưa là từng chùm lủng lẳng những trái cóc xanh đang lớn.

NGA BÍCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên