05/06/2016 09:22 GMT+7

Diệu kỳ An Lạc

THU HƯỜNG
THU HƯỜNG

TTO - Không bị hấp dẫn bởi các bãi biển đẹp trong những ngày hè nóng nực, nhóm chúng tôi quyết định tìm đến khu rừng nguyên sinh An Lạc (Bắc Giang) để nép mình dưới những tán cây cổ thụ, ngâm mình trong dòng suối mát lạnh.

Khách đến An Lạc thích hòa mình vào dòng suối mát lạnh trong khu rừng nguyên sinh
Khách đến An Lạc thích hòa mình vào dòng suối mát lạnh trong khu rừng nguyên sinh

Ngoài những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng Kinh Bắc xưa, Bắc Giang cũng được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh sắc hữu tình, tươi đẹp. Vùng rừng núi hoang sơ, suối thác tuyệt đẹp ở vùng đất An Lạc hẻo lánh chính là một trong những nơi như thế.

Quà tặng của thiên nhiên

Khe Rỗ hoang sơ và bí hiểm - một tuyệt cảnh của vùng rừng núi Tây Yên Tử (Bắc Giang), với tiếng róc rách như tiếng đàn du dương phá tan không khí tĩnh mịch của vùng rừng núi An Lạc, từ lâu đã là địa chỉ lôi cuốn được nhiều du khách từ Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh... và cả Bắc Giang.

Buổi sáng, sau chuyến hành trình hơn 150km từ Hà Nội về, chiếc xe máy của chúng tôi đã nóng ran lên, bám đầy đất đỏ. Khi tới An Lạc, gặp một con suối chảy tràn qua đường, không gì cưỡng nổi, chúng tôi cùng nhau ào xuống đắm mình trong dòng nước mát lạnh.

Chốc chốc, từng đoàn xe vùn vụt lao qua. Người về đây tham quan, nghỉ mát còn đông hơn người bản địa. Lũ trẻ con thích thú được bố mẹ cho đi chơi xa, lại còn chuẩn bị cả áo phao để tắm suối. Còn thanh niên thích thú phân chia nhau vác đồ ăn, đồ uống để bắt đầu chuyến du lịch mạo hiểm trong rừng nguyên sinh.

Những ngôi nhà sàn bắt đầu xuất hiện bên suối giữa tán rừng um tùm xanh mát. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi được sự cho phép của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, những năm gần đây một số hộ gia đình đồng bào dân tộc người Tày, Nùng, Cao Lan và một số ít người Kinh từ dưới xuôi lên được phép kinh doanh du lịch dạng homestay, bán hàng ăn uống phục vụ du khách.

Anh Dương Văn Thông, một chủ nhà sàn ở đây, cho biết An Lạc từng rất hoang sơ, hầu như không có ai biết tới ngoài mấy anh kiểm lâm. Nhưng khoảng năm năm trước, một số khách Tây đi du lịch mạo hiểm từ vùng Yên Tử, Quảng Ninh sang đây dừng chân và đã khám phá khu rừng này.

Sau khi thông tin về vùng đất này xuất hiện trên các mạng, ngày càng nhiều khách du lịch ở các nơi từ trong và ngoài tỉnh kéo đến.

Do cách xa trung tâm thị trấn, thị tứ của huyện Sơn Động nên mọi dịch vụ thức ăn, đồ uống, dép đi bộ, lội suối... cho đến nhà nghỉ tại chỗ đều rất cần thiết cho du khách.

Gia đình anh Thông và một số bà con khác đã đứng ra làm dịch vụ cho du khách. Có nhà kiêm trông giữ xe, bán nước, có nhà nuôi gà, heo thả rông để bán cho du khách. Một số khác dựng nhà sàn hoặc tận dụng nhà mình đang ở cho khách ngủ qua đêm.

Các thôn, bản tại An Lạc chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người Tày chiếm gần 80%, tiếp đến là Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ và một số ít người Kinh.

Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đây là những nếp nhà sàn, nhà đất ngả màu nâu được đồng bào “trang điểm” thêm những hàng rào bằng tre nứa khá đặc trưng, thân thiện. Mặc dù phía trong bản chỉ toàn đường đất nhưng người dân ý thức chăm chút, dọn dẹp khá sạch sẽ, phong quang.

Khám phá và trải nghiệm

Sau khi gửi xe, ngồi nghỉ vài phút và có những kiến thức cần thiết từ dân bản địa, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ trên con đường bêtông nhỏ men theo suối đá.

Theo bản đồ địa giới của kiểm lâm huyện Sơn Động, toàn tuyến mà du khách đi trải nghiệm khám phá dài 5-6km tính từ điểm gửi xe. Thiên nhiên ở An Lạc hiền hòa vì xung quanh được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh và dòng suối nằm lẫn những khu vườn cây trái và nếp nhà đất đơn sơ.

Thi thoảng, chúng tôi lại bắt gặp một nếp nhà sàn nằm lọt thỏm giữa cánh rừng nguyên sinh Khe Rỗ, sương mù giăng từng khoảng lơ lửng ngay phía sau. Sự yên ắng, lặng lẽ đến mức khiến ta chỉ cảm nhận được tiếng chim hót, gà gáy và nước suối rì rầm, một miền thiên nhiên xanh mướt.

Cứ đi một đoạn lại có một đoạn suối trũng lại thành cái hồ nhỏ. Nước suối trong vắt, nhìn thấy tận đáy, trẻ con và nam thanh nữ tú đều thích thú chuẩn bị đồ bơi để xuống tắm.

Cái cảm giác “mây bay trên đầu... và suối nước reo” luôn xuất hiện trong mỗi du khách. Quả thực dòng nước mát lạnh, đầy sảng khoái ở những hồ bơi thiên nhiên ban tặng rất tuyệt diệu. Hòa mình xuống dòng nước ấy giữa tiết trời oi nóng, bao cảm giác mệt mỏi, chán nản đều sẽ tan biến.

Một người dân địa phương cho biết dù số du khách ngày càng tăng nhưng An Lạc vẫn sạch sẽ nhờ những đoàn thanh niên tình nguyện địa phương cứ cuối tuần lại vào đây thu gom rác thải, ngoài ra còn giúp đồng bào trồng rừng, thu hoạch rau màu...

Men theo các lối mòn vào tận sâu khu rừng nguyên sinh, thả bộ, luồn lách dưới những tán cây cổ thụ, khi đi được một quãng đường khá xa, chúng tôi bỗng nhìn thấy phía trước có một ngôi nhà sàn rất lớn với tiếng ồn ào của vài nhóm du khách. Đây là điểm dừng chân nghỉ ăn trưa do kiểm lâm và cơ quan chức năng bố trí cho du khách.

Theo ông Minh, một người bản địa, nhà sàn này được làm để cho du khách tập trung ăn uống, nghỉ trưa, tránh việc du khách tự phát vào rừng đốt lửa, xả rác bừa bãi. Nhà sàn được dựng ở gần lõi của khu rừng nguyên sinh với cảnh sắc tuyệt vời.

Trước nhà sàn có một hồ nước lớn trong xanh phẳng lặng, xung quanh cây cối um tùm. Du khách đến đây có thể nghỉ chân, bày đồ ăn sẵn mang theo hoặc nếu có nhu cầu sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống của người Tày, Nùng bản địa như lợn cắp nách, gà quay, gà nướng bọc đất, rau sắng xào...

Buổi chiều, khi bước chân đã thấm mệt, chúng tôi tìm đến nhà dân bản ăn, nghỉ qua đêm. Những ai ở xa đến An Lạc đã từng ngủ qua một đêm trong bản mới cảm nhận được vẻ đẹp bình yên nơi đây.

Buổi sớm, khi tiếng chim hay tiếng gà đua nhau gọi bầy, du khách được đánh thức sau một giấc ngủ sâu và bắt đầu tận hưởng buổi sáng An Lạc thật an lành, không khí trong mát, ngắm những luống rau xanh mướt đọng những hạt sương long lanh quanh vườn...

Khu rừng nguyên sinh ở xã An Lạc rộng hàng nghìn hecta, với nhiều loại gỗ quý như lim, táu, sến, thông làng, trám, bách diệp... Đặc biệt, rừng nguyên sinh pơmu, loại cây thường chỉ mọc ở độ cao 1.200 - 1.400m nhưng vẫn tồn tại ở Khe Rỗ với độ cao chỉ 600 - 700m và bạt ngàn tre trúc...

Sau khi trải nghiệm chuyến đi sâu vào khu rừng, rồi được thăm các bản làng, sống và nghỉ ngơi cùng dân bản địa, nhiều du khách cho rằng An Lạc có đầy đủ điều kiện tự nhiên, văn hóa và địa lý để xây dựng thành khu du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn.

Đặc biệt ở đây tiếp giáp với vùng Đông Triều, Hạ Long (Quảng Ninh) nên có thể hình thành trục du lịch kết hợp giữa khám phá rừng và biển để thu hút thêm nhiều du khách.

THU HƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên