03/05/2015 11:45 GMT+7

​Đà Lạt giữ giá để giữ khách

MAI VINH
MAI VINH

TT - Nhiều dịch vụ trong dịp lễ tại Đà Lạt chỉ tăng giá nhẹ hoặc giữ giá để giữ chân du khách.

Chuyện tưởng bình thường nhưng là tín hiệu tốt với du lịch Đà Lạt sau nhiều năm du khách bị nạn “cò” mứt chèo kéo đưa vào những cửa hàng bán giá trên trời, chưa kể giá nhiều loại dịch vụ cũng không còn tăng cao bất thường.

Đến chợ Đà Lạt những ngày này, mỗi khi gói mứt được bán, người bán hàng lại lấy gói mới ra trưng bày và việc đầu tiên là phải dán nhãn có in sẵn giá bán. Một đoàn khách từ Vĩnh Long bước ra khỏi chợ Đà Lạt với hàng chục giỏ đựng đủ loại mứt đặc sản.

Anh Hưng, du khách trong đoàn, kể khi đi tham quan các điểm du lịch lớn có gặp “cò” mứt đưa danh thiếp rồi dẫn tới vài cửa hàng nhưng mọi người trong đoàn thận trọng, từ chối khéo. Bữa nay ra chợ Đà Lạt gặp nhiều loại mứt giống y hệt từ nhãn mác, bao bì nhưng giá chỉ bằng một nửa.

Chị Minh Hồng (du khách Ninh Thuận) cho biết dù đã nhiều lần đặt mua mứt qua điện thoại nhưng vẫn ngạc nhiên khi so giá bán qua điện thoại vào ngày thường và giá bán in trên bao bì tại quầy vào dịp lễ không khác nhau một đồng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, tổ trưởng ngành hàng đặc sản chợ Đà Lạt, cho biết kể từ ngày cam kết ấn định giá bán mứt trên bao bì cách nay một năm, lượng hàng bán ra của nhiều quầy tăng đáng kể, có quầy bán được lượng hàng gấp đôi so với trước đó. “Phải giữ giá bán, không lăn tăn chuyện giá ăn theo lễ tết để kéo khách quay lại chợ Đà Lạt. Mình bán mứt cả đời ở chợ này, khách bỏ đi mình không đi theo kéo lại được đâu”- bà Tuyết nói.

Do lượng khách đông, dịch vụ ăn uống tại Đà Lạt trong dịp lễ lần này cũng trở nên quá tải, tuy nhiên nhìn chung giá không tăng. Bà Trần Minh Hương (Q.12, TP.HCM) cho biết từng nghe nói về hiện tượng du khách đến Đà Lạt bị “chặt chém” nên rất thận trọng.

Thế nhưng trong những ngày lễ vừa qua, đi ăn nhiều điểm từ nội thành đến ngoại thành bà Hương cũng như nhiều du khách khác đều được tính giá bình thường, không bị “chặt chém” như lo ngại ban đầu.

“Nếu tiếp tục duy trì được hoạt động kinh doanh lành mạnh, không tranh thủ mùa lễ để “chặt chém” du khách, TP Đà Lạt mới trở thành điểm đến thân thiện và chắc chắn nhiều du khách sẽ quay trở lại”- anh Minh (một du khách đến từ Bình Thạnh, TP.HCM) nói.

Ông Hoàng Ngọc Huy, trưởng phòng nghiệp vụ du lịch Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, khẳng định qua ghi nhận thực tế cho thấy không có điểm ăn uống nào nâng giá so với thực đơn đã niêm yết trước lễ.

“Các công ty lữ hành lớn làm việc nhiều năm với tỉnh Lâm Đồng  không có phản ảnh nào với chúng tôi dù năm nay khách đến Đà Lạt tăng đột biến khiến nhiều dịch vụ cơ bản quá tải”. Các khách sạn cao cấp cũng chỉ tăng giá khoảng 20% và khách sạn dưới 3 sao tăng giá khoảng 30%, mức tăng cho phép của cơ quan chức năng.

Giảm bớt gánh nặng cho khách

Trong đợt nghỉ lễ kéo dài lần này, khách sạn S (Trần Hưng Đạo, Đà Lạt) vẫn giữ giá phòng ngang với ngày thường, bình quân 100.000 đồng/ngày. Phương châm giữ giá trong ngày lễ bằng giá ngày thường đã được khách sạn này duy trì suốt năm năm qua.

Bà Nguyễn Thị Sương Mai, nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) và là chủ khách sạn này, cho biết ban đầu cũng tăng giá vào dịp lễ như nhiều khách sạn khác, nhưng sau đó thấy số tiền có được từ việc tăng giá cũng không nhiều hơn bao nhiêu so với doanh thu cả năm nên đã quyết định thay đổi.

“Tôi từng có cảm giác đắn đo khi gọi điện thoại cho các khách sạn để đặt phòng trước mỗi chuyến đi chơi xa nên hiểu cảm giác khó chịu của du khách. Cứ nghe báo giá cao gấp 3-4 lần ngày bình thường, tôi có cảm giác như sẽ phải mang theo một cục đá nặng trong hành trình nghỉ mát. Việc giữ giá phòng khách sạn do vậy cũng là cách giúp du khách trút được gánh nặng đó để chuyến đi chơi được thoải mái hơn”- bà Sương nói. 

 

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên