Du khách nước ngoài bơi thuyền kayak trên sông Chày, đoạn trước cửa hang Tối ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) - Ảnh: LAM GIANG |
Từng nhiều năm làm chuyên gia tư vấn về khách nước ngoài cho một khu du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), tôi rất tâm đắc với ý định kiểm tra doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên du lịch của Tổng cục Du lịch.
Ngoài ra, việc Tổng cục Du lịch xây dựng bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch và sắp áp dụng thí điểm tại nhiều địa phương (trong đó có Phong Nha - Kẻ Bàng) cũng là điều cần thiết. Điều đó sẽ đem lại cho du lịch Việt Nam cái mới và nhìn nhận lại cái cũ để từ đó phát triển tốt hơn.
Du khách bây giờ khó tính hơn, họ cần dịch vụ tốt và cách thức phục vụ chuyên nghiệp vì khi chịu bỏ tiền ra, họ có quyền yêu cầu, lựa chọn sản phẩm và dịch vụ tốt |
Thiếu thương hiệu riêng
Theo tôi, hiện nay các doanh nghiệp lữ hành và người dân ở các địa phương đang cố gắng tạo ra nhiều hoạt động và sản phẩm hơn.
Đó là tổ chức các tour du lịch sinh thái, mạo hiểm, xây dựng các cáp treo, mở ra các tour tuyến đi xe đạp ở vùng đồng quê, đi thuyền kayak và đi xe máy ở cả vùng đồng quê lẫn đô thị... nhằm lôi cuốn khách du lịch tới Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn chung tôi nhận thấy hiện nay giữa các doanh nghiệp lữ hành nội địa với nhau và giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp quốc tế chưa gắn kết toàn diện và rộng khắp thành một mạng lưới chặt chẽ để hỗ trợ lẫn nhau.
Trong khi đó, các doanh nghiệp này là cầu nối giữa các quốc gia, châu lục để đưa du khách đến với Việt Nam.
Có một thực tế là các doanh nghiệp lớn ở vùng trung tâm và doanh nghiệp địa phương thiếu sự kết hợp để cung cấp thông tin, chỗ ở, dịch vụ đầy đủ và hoàn hảo cho khách. Vì vậy nhiều khi các doanh nghiệp phải chạy chỗ ở cho khách vào những lúc cao điểm rất chật vật...
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn bán phá giá các tour du lịch và dịch vụ để lôi kéo khách cho riêng mình, chưa thật sự tạo được sự thống nhất của một khối du lịch ở Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng.
Bên cạnh các doanh nghiệp này, có nhiều doanh nghiệp du lịch đã cố gắng tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch tốt, nhưng đáng tiếc là họ chưa thật sự đẩy sản phẩm tốt đó đi xa hơn để trở thành thương hiệu riêng.
Theo tôi, một số doanh nghiệp cần phải cải thiện dịch vụ của họ và trở nên chuyên nghiệp hơn để tạo ra thương hiệu và chất lượng của mỗi cơ sở.
Ông Anthony Agnew - Ảnh: L.G. |
Chú trọng chất lượng dịch vụ đón tiếp
Theo tôi, việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch của Việt Nam nên bắt đầu từ việc xây dựng một điểm đến an toàn bao gồm: chỗ ở, dịch vụ và phương tiện vận chuyển hành khách.
Bản thân tôi và nhiều du khách thật sự thấy bị làm phiền nếu cứ bị chèo kéo mua cái này cái nọ, hay bị “bắt” vào các quán ăn cho bằng được ở một điểm du lịch nào đó...
Thậm chí nếu thực phẩm là đặc sản ngon mà không an toàn cũng không thu hút được khách. Hay khi du khách đến một nơi nào đó mà kêu xe không có để đi lại thăm thú, hoặc kêu xe rồi bị “chém tiền” thì thật là chán...
Tại nhiều điểm đến du lịch, tôi nghĩ chính quyền và người quản lý du lịch phải nhắc nhở người dân không xả rác, phải thu gom rác tốt hơn.
Điều thu hút du khách đến Việt Nam chính là môi trường và đa dạng sinh học, nhưng thực tế có rác rải khắp nơi.
Điều này đang ngày càng phá hủy môi trường du lịch. Bạn có bao giờ thích bước chân mình gặp phải rác thải không? Vậy thì nên đưa tiêu chí “không rác” vào làm một tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch.
Đánh giá về sự chuyên nghiệp của hoạt động du lịch và xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên tốt cũng nên là một tiêu chí trong bộ tiêu chí đánh giá điểm đến mà Việt Nam đang hướng tới. Trong đó sự thiếu vắng hướng dẫn viên giỏi tiếng Anh và dịch vụ chưa thật sự chuyên nghiệp cần được xem xét sớm và hoàn thiện sớm.
Đặc biệt, điều cần thiết nhất là cần kiểm tra chất lượng dịch vụ đón tiếp khách hàng, chất lượng nhà ở, cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch và môi trường du lịch.
Đây hầu như là điều bao quát nhất về vấn đề của du lịch. Vì chất lượng dịch vụ đón tiếp khách quyết định họ có muốn trở lại với nơi họ vừa đến hay không.
Nếu chất lượng dịch vụ đón tiếp khách tốt thì ngoài lượng khách đông sẽ có thêm khách mới đến. Còn không tốt thì người ta đến một lần và sẽ nói điều đó với người khác...
Thiếu hụt nhân viên nói tiếng Anh tốt Từ thực tế công việc của mình, điều tôi cảm nhận đầu tiên là hầu hết hướng dẫn viên du lịch và người dân địa phương làm hướng dẫn viên đều thân thiện và chăm sóc khách du lịch rất tốt. Họ có kiến thức phong phú về lịch sử đất nước, lịch sử về khu vực và con người địa phương. Họ rất quan tâm để truyền tải những điều này cho khách du lịch. Tuy nhiên, điểm trừ cho nhiều hướng dẫn viên du lịch là nói tiếng Anh không tốt. Điển hình như các hướng dẫn viên ở Quảng Bình đa số tự học tiếng Anh và không được đào tạo bài bản. Vì vậy khi có vấn đề xảy ra hoặc theo yêu cầu của khách, họ thấy khó khăn để giải thích cho khách hiểu. Với một điểm đến đang ngày càng thu hút nhiều du khách quốc tế như Phong Nha - Kẻ Bàng, hướng dẫn viên càng cần có kỹ năng tốt về tiếng Anh và kiến thức rộng về xã hội, về toàn cầu hóa. Họ phải được đào tạo chuẩn về giao tiếp tiếng Anh và chuyên nghiệp về nghề hướng dẫn viên. Như tôi đã nói, khách bây giờ khó tính hơn, nên nếu hướng dẫn viên không trả lời được hoặc không biết để trả lời thì làm giảm đáng kể sự hứng thú của du khách. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận