29/06/2015 15:20 GMT+7

Bỏ sót nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng ĐBSCL

C.QUỐC
C.QUỐC

TTO - Tỉnh An Giang cho rằng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã “bỏ qua” tour du lịch khám phá sông Mê kông và tour mùa du lịch nước nổi chỉ có ở một số tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp.

Tại hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL năm 2015” tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 29-6, ông Hồ Việt Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã “bỏ qua” nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh này trong đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, ban hành đầu năm 2015. Đó là tour du lịch khám phá sông Mê kông và tour mùa du lịch nước nổi chỉ có ở một số tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp.

Theo đề án trên do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phê duyệt, sẽ có các tour du lịch đặc thù ở ĐBSCL ở cấp quốc gia và cấp vùng như: trải nghiệm cuộc sống cộng đồng với giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa ở Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An theo các tuyến đường sông; du lịch sinh thái tại Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu; du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc; du lịch trải nghiệm cảnh quan sông Vàm Cỏ gắn với các điểm du lịch cuối tuần và vui chơi giải trí…

Cũng tại hội thảo, ông Trương Hoàng Phương, giám đốc Công ty Exotic VN, cho biết hàng loạt chợ nổi ở ĐBSCL chỉ còn là cái tên mà sự “biến mất” của các chợ nổi vừa qua là do yếu tố quy hoạch và ông lo ngại những sản phẩm du lịch đặc trưng như vậy sẽ biến mất.

“Giá trị lớn của Phú Quốc là rừng nhưng gần đây bị phá làm các dự án nên coi chừng Phú Quốc sẽ biến mất. Có môi trường mới làm du lịch được, mất môi trường sẽ mất hết”, ông Phương cảnh báo.

Theo ông Phương, các địa phương ở ĐBSCL cần ngồi lại với nhau cùng “chia sân” để sản phẩm du lịch không bị trùng lắp và ông cho rằng “sau hội thảo thì cần phải hành động, hành động càng sớm thì hy vọng cứu vãn được và giúp cho du lịch ĐBSCL phát triển”.

Trong khi đó, ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ, cho biết sau bốn ngày tham gia đoàn đi khảo sát sản phẩm du lịch đặc trưng tại hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, ông thấy du lịch nơi đây có nhiều cải thiện nhưng cũng có nhiều khu du lịch vẫn “giậm chân tại chỗ”. Tại Mũi Cà Mau, rừng quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), hạ tầng xuống cấp trầm trọng, hàng quán lụp xụp và phục vụ kém, và địa phương vẫn than thiếu kinh phí đầu tư.

Ngoài ra, một khu du lịch khác của Kiên Giang là quần đảo Nam Du khách đến ngày một đông nhưng thiếu sự đầu tư hạ tầng tương ứng.

C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên