Hội thảo du lịch đón hè ngày 14-5
Toàn cảnh hội thảo du lịch hè ngày 14-5-2022
Chương trình hội thảo Du lịch Việt Nam - Cơ hội và thách thức hè 2022 nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2020 nhằm kích cầu, phục hồi ngành du lịch Việt Nam trước những tổn thất nặng nề của đại dịch.
Hơn 150 khách mời gồm đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, UBND TP.HCM và lãnh đạo các tỉnh/thành phố: Thanh Hóa, Cần Thơ, Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Hà Giang, Mù Cang Chải,… cùng sở du lịch các tỉnh/thành, doanh nghiệp ngành du lịch, hàng không, lữ hành, lưu trú,… đã tới dự hội thảo.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát dịch vụ du lịch tại các địa phương (giao thông, ăn uống, lưu trú,…); những chuẩn bị để đón khách trong mùa cao điểm hè; sản phẩm, dịch vụ du lịch mới của các đơn vị để thu hút du khách.
Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM - Video: HỮU HẠNH
Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hội thảo là cơ hội để lắng nghe ý kiến về những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, từ đó cơ quan quản lý nhà nước nhận diện những cơ hội và thách thức, đánh giá lại thực trạng của ngành du lịch sau dịch COVID-19, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động và giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần phục hồi ngành du lịch.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nhận định với những gì chúng ta đã thấy ở dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua, hoàn toàn có cơ sở để dự báo rằng: dịp hè năm nay hứa hẹn là một vụ mùa bội thu cho ngành công nghiệp không khói, n hưng bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức. Thách thức ở đây mà cuộc hội thảo hôm nay muốn đề cập là việc xây dựng điểm đến thân thiện - an toàn - tin cậy cho du khách.
Vậy các địa phương làm gì để xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện và tin cậy?
Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (phải), trao đổi cùng ông Tôn Thiện San, chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, tại hội thảo
Bà Nguyễn Thu Phương, phó tổng giám đốc Vinpearl, trình bày những cơ hội du lịch hấp dẫn tại 45 cơ sở du lịch của Vinpearl
Cách tiếp cận khác biệt dành cho du khách quốc tế và nội địa
Bà Nguyễn Thu Phương, phó tổng giám đốc Vinpearl, cho biết, đối với du khách quốc tế, Vinpearl sẽ mang đến các dịch vụ trọn gói “All-inclusive” được thiết kế "đo ni đóng giày" cho từng du khách, với thời gian lưu trú linh hoạt từ 5 đến 10 ngày, trải nghiệm đủ các cung bậc từ nghỉ dưỡng thảnh thơi tại khu villa riêng tư, đến vui chơi giải trí tại VinWonders, Vinpearl Safari, Grand World, Corona Casino, golf, cũng như khám phá thiên nhiên qua các tour lặn biển, đạp xe…
Đối với du khách trong nước, Vinpearl có cách tiếp cận khác: nâng cấp sản phẩm đón đầu xu hướng trên thế giới, thiết kế trải nghiệm riêng biệt phù hợp nhu cầu và sở thích cho du khách. Siêu quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí Phú Quốc United Center hơn 1.044ha phát triển theo xu hướng “một điểm đến mọi nhu cầu” (one-stop-destination), mang đến những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho du khách trong và ngoài nước với vũ trụ giải trí - khám phá - mua sắm - nghỉ dưỡng - lễ hội không ngủ.
Ông Bùi Đức Tuệ, giám đốc điều hành Travelner Việt Nam
Ông Bùi Đức Tuệ, giám đốc điều hành Travelner, cho rằng hè 2022 lại là “thời điểm vàng” với nhiều cơ hội cho ngành du lịch. Ông bày tỏ quan điểm: “Việt Nam có lợi thế là chính sách thị thực (visa) đã khá thông thoáng dành cho khách du lịch; quy định y tế với người nhập cảnh đã phù hợp với bối cảnh mới, đã gỡ bỏ bớt nội dung khai báo y tế khi nhập cảnh từ ngày 27-4. Có thể nói, đến thời điểm này đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để du lịch phục hồi và tạo đà phát triển trong thời gian tới.
Sau thời gian giãn cách do dịch bệnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động trong đời sống đã trở nên vô cùng phổ biến. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành du lịch. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, vấn đề “quá tải” được xử lý nhờ vào các nền tảng booking online như Travelner.
Ông Phạm Hùng Việt - phó giám đốc thương mại Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet
Ông Phạm Hùng Việt - phó giám đốc thương mại Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet - cho biết Vietjet đã lên kế hoạch tăng thêm các chuyến bay phục vụ mùa du lịch cao điểm hè, kết nối các điểm đến du lịch hấp dẫn trong, ngoài nước như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cần Thơ…. Các mạng bay quốc tế trong khu vực, hãng đã kết nối trở lại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ…
Đẩy mạnh liên kết vùng
Ông Vũ Hải Sâm - giám đốc khối nội địa công ty lữ hành Saigontourist
Giám đốc khối nội địa công ty lữ hành Saigontourist Vũ Hải Sâm cho rằng, để xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện..., các điểm đến cần xem xét và đánh giá lại dịch vụ của các sản phẩm, điểm du lịch của mình để chuẩn bị cho lượng khách đông nhất là giai đoạn hè, kiểm soát mức giá bán, an ninh, trật tự và an toàn cho khách khi đến đia phương tham quan nghỉ dưỡng, tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở du lịch TP.HCM
Ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, tham gia tọa đàm với một lời chào mời liên kết vùng. Ông Hòa cho biết, khi làm việc với các đối tác tại châu Âu, các đối tác này nhận mạnh du lịch trong nước vẫn là xu hướng du lịch toàn cầu. Họ đánh giá cao về liên kết vùng để mang đến nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Bà Lương Thị Xuyến, phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) - Ảnh: HỮU HẠNH
Bà Lương Thị Xuyến, phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), cho biết huyện có 90% người dân là người dân tộc H’Mông và 80.000ha ruộng bậc thang. Đây là tài nguyên để phát triển du lịch của địa phương.
Huyện đã làm nhiều việc để Mù Cang Chải được chú ý đầu tư loại hình du lịch ngắm cảnh từ trên cao. Một số điểm của địa phương là điểm bay dù lượn đẹp nằm trong top 10.
Hai năm nay, địa phương đã có loại hình du lịch ngắm cảnh từ trực thăng. Để giữ khách, bà Xuyên cho biết ở các thực đơn, bảng niêm yết giá đều có tên của cơ quan chức năng để du khách khi cần có thể phản ánh. "Tuy nhiên, nhiều năm nay, chúng tôi chưa có nhận được phản ánh nào", bà cho hay.
Mù Cang Chải đang cố gắng phát triển du lịch xanh, bền vững. Liên quan tới việc giữ nếp sống của người dân địa phương, bà Xuyến nói: “Chúng tôi nhắn nhủ du khách đừng tùy tiện cho tiền, quà trẻ em, tạo tiền lệ để xuất hiện tình trạng đeo bám du khách, làm ảnh hưởng hình ảnh du lịch. Du khách đến mùa lúa chín cũng hết sức lưu ý, đừng ào vào ruộng, lăn lê chụp ảnh mà quên hỏi ý chủ ruộng”.
Ông Nguyễn Văn Lanh, phó chủ tịch UBND thành phố Hội An
Ông Nguyễn Văn Lanh, phó chủ tịch UBND TP. Hội An, cho biết địa phương có tài nguyên du lịch rất lớn, từ di sản cho đến cảnh quan, văn hóa bản địa. Nhưng Quảng Nam đang là “một cơ thể du lịch ốm yếu” sau hai năm bị ảnh hưởng với đại dịch.
"Chúng tôi đang quay trở lại thị trường du lịch với viết nối địa phương, kết nối vùng bên cạnh tour tuyến. Hè 2022 có lẽ là cơ hội để Hội An - Quảng Nam trở lại ấn tượng”, ông Lanh mong mỏi.
Ông Nguyễn Văn Thi, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa là địa phương có kết quả về du lịch đột phá trong dịp 30-4 và 1-5. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, Thanh Hóa đón 900.000 lượt khách trong dịp này, đứng đầu cả nước. Ông Nguyễn Văn Thi, phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, cho biết qua hiện tượng này, tỉnh nhìn nhận địa phương hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến uy tín, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Nói về cơ sở để hình thành một điểm đến, ông Thi nhấn mạnh: “”Với lợi thế hội tụ đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế là vùng núi trung du, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế.
Thanh Hóa còn có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, các làng nghề truyền thống và ẩm thực đặc trưng, hấp dẫn. Vì vậy, Thanh Hóa có đủ điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước”.
Ông Tôn Thiện San, chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, liệt kê những ưu thế để Đà Lạt hấp dẫn khách du lịch
Ông Tôn Thiện San, chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, cho hay trong bộ tiêu chí ứng xử mới ban hành, thành phố đã phân nhỏ, cụ thể đối với người kinh doanh, người dân, du khách..., phải làm sao để giữ ấn tượng đẹp với du khách.
"Tôi thẳng thắn rằng, 30-4 và 1-5 vắng khách là cơ hội - cơ hội để chúng tôi nhìn nhận nếu vắng khách, Đà Lạt sẽ ra sao? Và phải làm sao để Đà Lạt luôn nhiều du khách đến nghỉ dưỡng - vui chơi? Người làm du lịch và chúng tôi hiểu rõ vai trò của du lịch với thành phố khi tạo ra đến 65% doanh thu của địa phương".
Nhận thấy nhu cầu của du khách đã thay đổi, hướng về với thể thao, văn hóa nghệ thuật, Đà Lạt đang đẩy mạnh nhiều hoạt động thu hút khách như kết hợp nghệ thuật và thể thao.
Không ở đâu như ở chúng tôi, có thể chạy thể dục từ phố vào rừng, có thể ngồi nghe nhạc trong sương mù, gió lạnh, mưa phùn. Nghệ thuật hay thể thao nếu đặt vào không gian Đà Lạt đều thăng hoa thêm một tầng nấc.
Ông TÔN THIỆN SAN
Nói về du lịch có trách nhiệm, ông San cho rằng, Đà Lạt rất trăn trở về chuyện du khách quá đông, quá sức phục vụ của hạ tầng. Ông nói: "Chúng tôi đã tìm kiếm các cách khuyến cáo để du khách có thể đến Đà Lạt theo kiểu đặt trước, ít nhất là đặt phòng, đừng tự phát, để chúng tôi có thể phục vụ được thật tốt. Nếu du khách đến Đà Lạt hành xử khéo léo hơn, Đà Lạt sẽ luôn làm đẹp lòng du khách".
Hai bạn trẻ Đặng Đức Tuấn (phải) và Võ Minh Tân với những chuyến du lịch văn minh, vừa đi du lịch vừa trồng cây
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận