18/04/2014 10:30 GMT+7

Du lịch tàu biển Việt nam: Nhiều tiềm năng, thiếu đầu tư

NGUYÊN LINH thực hiện
NGUYÊN LINH thực hiện

TT - Trong hai ngày 16 và 17-4 tại TP Huế, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp tàu biển VN” nhằm tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy ngành du lịch tàu biển phát triển, trở thành một trung tâm du lịch tàu biển của khu vực.

oV72W4ZH.jpg
Du khách quốc tế đi trên tàu Diamond Princess cập cảng Chân Mây (ngày 6-4) phải trung chuyển bằng tàu nhỏ vào bờ - Ảnh: Huy Cường

VN nằm trên cung đường du lịch tàu biển quốc tế

Theo ông Kevin Leong, ở châu Á có hai trung tâm du thuyền lớn nhất đó là Singapore và Hong Kong, là điểm đến của du lịch tàu biển quốc tế. Và VN nằm giữa tuyến đường nối hai trung tâm cảng biển hiện đại này. Hai trung tâm du thuyền lớn Singapore - Hong Kong đang có sự kết nối với các nước trong khu vực trong vấn đề vận tải hành khách bằng đường biển như với Malaysia, Indonesia, Ấn Độ... và cả VN. Nằm trong tuyến hải trình du lịch hấp dẫn này nên VN có cơ hội đón khách du lịch tàu biển quốc tế quanh năm, là điều kiện rất tốt để phát triển du lịch, tiếc là VN chưa khai thác tốt tiềm năng này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tại hội thảo, ông Kevin Leong - chủ tịch Hiệp hội Du thuyền châu Á - khẳng định VN có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tàu biển nhưng chưa được đầu tư xứng đáng. Ông Kevin Leong nói:

- VN có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực, là điểm đến kết nối các trung tâm cảng biển hiện đại của thế giới từ Singapore qua Hong Kong. Với bờ biển dài hơn 3.200km, sở hữu nhiều vịnh, bãi biển đẹp cùng nhiều thắng cảnh nổi tiếng, nền văn hóa - lịch sử lâu đời, đa dạng và giàu bản sắc..., VN có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tàu biển. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến VN qua đường biển vẫn còn ít, cho thấy ngành du lịch tàu biển VN vẫn chưa phát triển xứng tầm, khoảng cách giữa VN với các trung tâm du thuyền trong khu vực còn quá xa.

* Theo ông, ngành du lịch tàu biển VN hiện đang thiếu những gì?

- Chúng ta phải có nhận thức đúng về vấn đề đầu tư, vì thực tế hạ tầng cảng ở VN vẫn còn yếu, chưa có cầu cảng riêng dành cho tàu du lịch, chưa có đội tàu vận tải hành khách quốc tế và thiếu dịch vụ, do đó cần đầu tư đúng trọng điểm. VN cũng phải chú trọng đến các dịch vụ hỗ trợ như dịch vụ mua sắm tại cảng, ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí... Nếu làm tốt những dịch vụ này mới kích thích khách đi tàu biển tiêu tiền. Đồng thời phải tăng cường liên kết, đẩy mạnh hợp tác với các trung tâm lữ hành tàu biển quốc tế, xúc tiến quảng bá du lịch tàu biển, phải xây dựng điểm đến thật ấn tượng, an toàn.

* Như vậy, một trong những việc cần làm ngay là VN cần phải đầu tư xây dựng cảng biển du thuyền đạt chuẩn?

- Tôi nghĩ việc đầu tư xây dựng cảng dành cho du thuyền là rất cần thiết. Việc này nhằm đảm bảo những điều kiện cơ sở hạ tầng, một yêu cầu cơ bản nhất để đón du thuyền có kích thước lớn. Hiện số lượng khách du lịch bằng đường biển đang tăng nhanh hằng năm, xu thế du thuyền ngày càng có kích thước lớn hơn, trên thế giới đã có nhiều du thuyền rất lớn. Nếu VN không sớm đầu tư xây dựng cầu cảng hiện đại thì không thể đón được những du thuyền cỡ lớn, sẽ mất cơ hội đón những đoàn lữ hành quốc tế với lượng khách du lịch rất lớn.

* Đâu là những địa điểm thích hợp để xây dựng cảng biển du thuyền, thưa ông?

- Theo tôi, VN cần đầu tư nâng cấp, mở rộng một số cảng trọng điểm phát triển về du lịch ở ba vùng để có thể đón du thuyền cỡ lớn, không nên đầu tư dàn trải. Cụ thể, ở phía Nam có cảng Sài Gòn, ở phía Bắc có cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), còn ở miền Trung có thể chọn cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế). Bởi những cảng này hiện đã có những điều kiện cơ bản để đón du thuyền quốc tế, đồng thời đây là những điểm đến hấp dẫn trên cung đường du lịch tàu biển quốc tế.

* Liệu số lượng khách tàu biển vào VN có tăng như kỳ vọng nếu hạ tầng cầu cảng và dịch vụ được đầu tư hoàn chỉnh, thưa ông?

- Tôi không thể dự đoán cụ thể số lượng khách đến VN là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ tăng gấp nhiều lần so với sức hút hiện tại. Lượng khách đến nhiều hay ít tùy thuộc vào chính sách quảng bá, tiếp thị của Tổng cục Du lịch, chiến lược phát triển của Nhà nước về du lịch tàu biển, và phần quan trọng là năng lực của các hãng lữ hành VN.

Có thể đón du thuyền lớn nhất thế giới vào năm 2015

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Công - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho biết lượng khách quốc tế đến VN qua đường biển giai đoạn 2009-2012 tăng hơn 19%, năm 2013 đạt 193.000 lượt khách. Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển VN đến năm 2020 và định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó năm nhóm cảng có quy hoạch bến cảng cho tàu khách quốc tế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cả nước vẫn chưa có bến cảng nào dành riêng cho tàu khách du lịch, tàu khách chủ yếu phải neo ngoài và dùng tàu nhỏ chuyển tải khách vào bờ.

Ông Công cho biết Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch cảng biển, cụ thể phân bổ tám cảng hành khách như sau: cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Đầm Môn (vịnh Vân Phong, Khánh Hòa), cảng Nha Trang (Khánh Hòa), cảng Sao Mai - Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu) xây dựng bến hành khách có khả năng tiếp nhận tàu du lịch quốc tế đến 100.000 GT (tổng dung tích của tàu); bến khách trên sông Sài Gòn - Nhà Bè xây dựng mới bến khách cho tàu 50.000 GT tại Phú Thuận; cảng Mũi Đất Đỏ (Phú Quốc, Kiên Giang) có thể tiếp nhận tàu du lịch quốc tế 80.000-100.0000 GT. Theo ông Công, nếu đầu tư các bến tàu khách đúng quy hoạch thì từ năm 2015 có thể tiếp nhận được những tàu du lịch lớn nhất thế giới.

NGUYÊN LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên