Một du khách Tây ăn xin trên đường phố Hong Kong tháng 12-2017 - Ảnh: Twitter
Tại đại lộ Ngôi sao chạy dọc cảng Victoria thuộc khu Tsim Sha Tsui, Hong Kong, người ta hay thấy các nhóm các thanh thiếu niên người nước ngoài, khoảng 20 tuổi và chuyên làm ăn xin.
Nhóm này được gọi chung là "begpacker" - Tây balô ăn xin, chơi chữ từ "backpacker" - Tây balô.
Những đối tượng này không chiếm nhiều không gian trên vỉa hè và được xem là không biết xấu hổ.
Họ muốn đi du lịch khắp nơi trên thế giới bằng cách xin tiền ở những nơi họ tới. Một số người thì bán những món đồ thủ công, một số chơi nhạc cụ hoặc hát, còn lại thì dựng một tấm bảng bằng bìa cứng ghi: "Tôi đang đi du lịch khắp châu Á, xin hãy ủng hộ tôi".
Du khách Tây cầm bảng ăn xin viết bằng tiếng bản địa - Ảnh: SCMP
Theo báo SCMP, Tây balô ăn xin xuất hiện khắp nơi ở Hong Kong từ 3 năm trở lại đây, ở khắp các nhà ga, vỉa hè hay cầu. Sự hiện diện của "begpacker" cũng ngày càng dày đặc ở các nước láng giềng như Singapore, Malaysia hay Indonesia, kèm theo với đó là những chỉ trích từ chính những du khách nước ngoài khác, dân bản địa và truyền thông.
Vì sao "begpacker" tràn ngập Hong Kong?
Nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hong Kong cho rằng Hong Kong trở thành điểm đến chính của những du khách ăn xin là vì vị trí địa lý đắc địa, chính sách thị thực dễ chịu với du khách và độ hào phóng của người dân.
Vinogradov, một blogger du lịch người Nga, nói với báo HongKongFP rằng có tin đồn trong cộng đồng du lịch Nga rằng chỉ cần sang Hong Kong hoặc Trung Quốc ăn xin 2 năm là đủ để quay về mua căn hộ ở Matxcơva, Nga.
Du khách trưng bảng bị cướp tất cả tiền bạc và tư trang - Ảnh: HKFP
Tuy nhiên cũng có ý kiến phản bác cho rằng Hong Kong là một trong những nơi có tỉ lệ phân hóa giàu nghèo lớn nhất trên toàn cầu, với hơn 1,3 triệu người thành phố sống dưới mức nghèo khổ. Và với chừng đó người nghèo, những người ăn xin sẽ chỉ nhận được sự thờ ơ mà thôi.
Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng du khách ăn xin đáng bị chỉ trích, nhưng cho rằng truyền thông đã chưa có cái nhìn đúng đắn về hiện tượng này.
Người trong cuộc nói gì?
Ngay cả giữa những "begpacker" cũng có quan điểm trái ngược nhau. Pawel Sochacki, du khách người Ba Lan, cho biết anh tự gọi mình là "nghệ sĩ đường phố" thay vì là ăn xin.
Nhiều Tây balô thay vì ăn xin thì lựa chọn hình thức biểu diễn - Ảnh: SCMP
"Mọi người đi ngang qua có thể quyên góp tiền nếu họ thích màn trình diễn của tôi. Tôi không bao giờ xin tiền. Tôi không thích những người lê lết ăn xin để kiếm tiền đi du lịch. Chúng ta nên làm gì đó có lợi cho cộng đồng", Sochacki cho biết.
Anh sơn xanh lên người và đứng bất động 3 tiếng mỗi ngày trên đường phố để nhận tiền quyên góp. Jane Sin Chun, người quyên góp cho Sochacki 20 đôla Hong Kong, cho biết cô "cảm mến nỗ lực của anh ta nên mới cho tiền. Nếu anh ta chỉ ngồi ăn xin thì một đồng cũng không cho."
Chỉ với hai tiếng ngồi thế này, Ryanda thu được 150 đôla Hong Kong - Ảnh: HKFP
Mark Ryanda, một "begpacker" điển hình với tấm bảng ăn xin, cho hay anh thu được 150 đôla Hong Kong chỉ trong 2 tiếng ngồi trên đường phố. Khi được hỏi liệu bản thân có thấy ngại khi ngồi ăn xin trên đường hay không, Ryanda cho biết vấn đề đó tùy thuộc vào nhận định của mỗi người.
Thời hoàng kim đã qua
"Hiện giờ tôi thấy ít Tây balô ăn xin hơn trước. Tôi nghĩ mọi người không muốn quyên góp cho họ vì nếu muốn đi du lịch thì cần phải tiết kiệm thay vì ăn xin. Tôi cũng làm thế nên tại sao tôi phải đưa tiền cho họ?", Virginia Wong, tiểu thương ở chợ Star Ferry, Hong Kong, nhận định.
Quan điểm của cô Wong có lẽ cũng là quan điểm chung của nhiều người dân Hong Kong hiện nay, dẫn đến việc nơi này đã không còn là mảnh đất màu mỡ cho Tây balô ăn xin và cả những người tự nhận là nghệ sĩ đường phố.
Người dân Hong Kong ngày càng thờ ơ với cả những nghệ sĩ đường phố như Tomoya - Ảnh: SCMP
Tomoya Nagayama, công dân Nhật Bản hành nghề hát rong ở khu Tsim Sha Tsui, nói anh cảm thấy người dân đang xa lánh những người trình diễn trên phố như anh, và anh cũng hay bị cảnh sát hỏi thăm, làm khó dễ. Thậm chí có lần anh bị người dân gọi cảnh sát bắt vì làm ồn.
Những sự thay đổi này đến từ nỗ lực từ phía cơ quan chức năng trong việc kiểm soát Tây balô ăn xin và nghệ sĩ đường phố. Theo SCMP, ăn xin đã là hành động bất hợp pháp tại Hong Kong. Bán hàng rong nếu cản trở giao thông cũng là bất hợp pháp và hát rong cũng vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận