Ông Nguyễn Hữu Lai (An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế) kéo những lồng nuôi cá bị chết của mình lên bờ - Ảnh: Nhật Linh |
Trước hết, chính sách kinh tế của bất kỳ một quốc gia hiện đại nào cũng có mục tiêu tối thượng là giải quyết việc làm cho dân. Nhà máy thép Formosa cùng lắm giải quyết được mấy ngàn việc làm (mà chúng ta còn chưa biết chính xác trong mấy ngàn việc làm đó bao nhiêu là cho người Trung Quốc, còn bao nhiêu mới cho người Việt Nam), còn cá tôm giải quyết được hàng triệu việc làm.
Nếu biển bị ô nhiễm, cá tôm bị chết thì việc làm và nguồn sống của hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng.
Mất việc không chỉ là những ngư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Mất việc là cả những người làm dịch vụ du lịch, những người làm dịch vụ ăn theo nghề cá. Mất việc là cả những người làm nghề cá ở những nơi không chịu ảnh hưởng của nguồn nước bị ô nhiễm.
Đơn giản là vì người tiêu dùng không dám ăn cá của họ nữa. Không có một nhà máy thép chưa chắc đã ảnh hưởng gì đến chính phủ. Nhưng để hàng triệu người mất việc làm thì không có một chính phủ nào có thể đứng vững được.
Hai là, cho dù doanh thu của Nhà máy thép Formosa có lớn thế nào đi chăng nữa thì lợi ích thực tế mà nó mang lại cho người Việt không thể lớn hơn cá tôm.
Theo một số tính toán, nếu 1 tấn thép của Formosa có giá 10 triệu đồng thì lợi ích thực tế người Việt được hưởng cùng lắm chỉ là 1-2 triệu đồng (lợi ích này được thể hiện qua lương và thuế).
Và đây cũng chỉ là trong trường hợp chúng ta chưa tính đầy đủ chi phí về môi trường. Nếu tính đầy đủ chi phí về môi trường thì lợi ích người Việt có được chắc gì đã dương.
Trong lúc đó mỗi tấn cá tùy loại sẽ có giá trị 26-30 triệu đồng. Và 26-30 triệu đồng này cơ bản rơi hết vào túi người Việt. Vậy thì nên chọn Nhà máy thép Formosa hay nên chọn cá tôm?
Cuối cùng, đánh đổi cá tôm để lấy nhà máy thép chính là đánh đổi môi trường sống, đánh đổi tương lai để lấy một lợi ích kinh tế còn khá mơ hồ.
Dù nhà máy thép có đưa lại tiền của thật sự cho chúng ta, thì tiền của có được sẽ có ý nghĩa gì nếu như chúng ta không còn nơi để sống?!
1.500 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã gửi về chỉ một ngày sau trả lời gây sốc này. Phần lớn cho đây là phát biểu có tính thách thức bởi không thể đặt vấn đề chọn lựa như vậy. Bạn đọc Trần Văn khẳng định: “Không thể phát triển bằng mọi giá, không thể đánh đổi tiền thuế để lấy sự khốn đốn về cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân miền Trung, của hàng ngàn doanh nghiệp, nhà hàng, quán ăn và ngành du lịch biển. Không thể đánh đổi đồng tiền trước mắt để lấy sự lo âu, nguy cơ bệnh tật treo lơ lửng trên đầu suốt hàng chục năm”. |
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân: Không chấp nhận hi sinh môi trường Phát biểu của đại diện Formosa khiến rất nhiều người bất bình, trong đó có tôi. Chúng ta phát triển kinh tế nhưng không bao giờ chấp nhận hi sinh, đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Quan điểm của chúng ta rất rõ, đó là kinh tế - xã hội và môi trường là ba trụ cột trong phát triển bền vững. Lâu nay chúng ta thực hiện chủ trương cởi mở, ủng hộ doanh nghiệp nhưng phải rõ quan điểm là chúng ta ủng hộ cái đúng của doanh nghiệp, bảo vệ những doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật của VN. Chúng ta trải thảm đỏ, trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư nhưng phải rõ quan điểm không chấp nhận hi sinh môi trường trong thu hút đầu tư. Bộ TN-MT là đơn vị tham mưu cho Chính phủ, là đơn vị canh cổng cho Chính phủ trong bảo vệ môi trường, về phát triển bền vững. Quan điểm của bộ là không chấp nhận hi sinh môi trường lấy kinh tế, không bao giờ thừa nhận tư duy như thế. Đây là việc nhà đầu tư này phải xem lại, chứ không có chuyện nói đổi cái này bằng cái kia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận