Sinh viên Nguyễn Ngân Tuyền theo học thạc sĩ ngành kinh tế tại Trường ĐH Khoa học và công nghệ Đài Loan
Cần một cơ chế “khoán 10” trong giáo dục ĐH. Nếu các trường công lập không nhanh chân đổi mới sẽ không thu hút được nhân tài. Thay vào đó, các trường quốc tế tại Việt Nam hay các trường tư sẽ có nhiều cơ hội thu hút sinh viên quốc tế.
TS Hoàng Ngọc Vinh - phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và GS Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ với Tuổi Trẻ những nhận định xung quanh con số này.
Học tập là một cơ hội đầu tư…
* Số lượng du học sinh Việt ngày càng tăng, số tiền chi cho du học của các gia đình Việt ngày càng lớn nói lên điều gì?
- TS HOÀNG NGỌC VINH: Thực tế các quốc gia phát triển đều muốn mở rộng "thị phần" giáo dục bằng cách thu hút sinh viên ngoại quốc. Không chỉ vì mục tiêu tài chính, đó còn là cách tìm kiếm nhân tài bổ sung cho lực lượng lao động của họ.
Kết quả là quốc gia nào có nhiều sinh viên du học thì ngoại tệ bị mất đi và có thể còn mất đi những tài năng, nguồn lực đầu tư suốt 12 năm giáo dục phổ thông cho những sinh viên này.
Báo cáo nêu trên chưa tính đến số học sinh phổ thông du học sang Mỹ. Nếu gộp cả vào thì có thể vượt quá con số 880 triệu USD. Xu hướng du học nước ngoài tăng cho thấy một bộ phận các gia đình giàu nhanh hơn những bộ phận còn lại của xã hội và cũng phản ánh niềm tin vào dịch vụ giáo dục trong nước đang giảm. Niềm tin bị hao hụt chủ yếu do chất lượng giáo dục cũng như môi trường giáo dục còn nhiều hạn chế.
- GS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC: Tôi thì đánh giá đây là số liệu tích cực. Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhất là Trung Quốc, số lượng du học sinh cũng rất lớn. Chọn những nước phát triển có giáo dục ĐH chất lượng cao, người học không chỉ được tiếp cận với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến mà còn sẽ có trình độ ngoại ngữ tốt và được rèn luyện trong môi trường quốc tế. Với tấm bằng ấy, người tốt nghiệp dễ xin việc với mức thu nhập cao ở trong nước và ở nước ngoài. Đây chính là kỳ vọng và là lý do chính thúc đẩy các gia đình muốn cho con cái đi du học.
* Nhìn lại hệ thống giáo dục trong nước, theo ông, lý do nào khiến người học không mặn mà, phải tìm cách ra nước ngoài du học, chứ không chọn một trường ở Việt Nam với chi phí rẻ hơn và nhiều điều kiện khác thuận lợi hơn?
- TS HOÀNG NGỌC VINH: Việt Nam có một số trường ĐH tốt, nhưng còn số lớn các trường chưa làm tốt, ảnh hưởng đến chất lượng chung. Một khi chương trình đào tạo còn những nội dung viển vông, nặng về lý luận, cách giảng dạy thiếu sinh động... sẽ làm sinh viên nhàm chán, y như bạn bước vào quán ăn với các thực đơn nghèo nàn mà sự phục vụ lại thiếu ân cần... Rồi người ta sẽ bảo nhau và không đến quán ấy nữa.
Tất nhiên học trong nước có nhiều lợi thế như chi phí ăn ở, đi lại, học phí thấp... nhưng chỉ có vậy chưa đủ hấp dẫn người học. Bởi lẽ học tập là một sự đầu tư, mà nếu đúng hướng sẽ mang lại nhiều lợi ích không tính xuể đối với người học.
- GS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC: Phải công bằng nhìn nhận giáo dục ĐH đang ngày càng đổi mới và tiếp cận từng bước tới các chuẩn mực quốc tế. Nhiều người tốt nghiệp trong nước đã tìm được học bổng sau ĐH ở các trường danh giá của thế giới.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới chỉ có 2 ĐH quốc gia lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường ĐH theo bảng xếp hạng QS. Dù đáng mừng vì lần đầu tiên chúng ta có trường lọt vào bảng xếp hạng, song cũng thấy rõ kết quả đó còn hết sức khiêm tốn.
Trong khi cũng ở Việt Nam, nhưng các ĐH quốc tế với học phí đắt đỏ vẫn thu hút được người học. Điều này thôi thúc các trường trong nước phải đổi mới, chuyển mình mạnh mẽ hơn. Chuyên môn, ngoại ngữ tốt, kỹ năng, ý chí vươn lên cũng như khả năng thích ứng với môi trường làm việc và các môi trường văn hóa khác nhau là những yếu tố chuẩn đầu ra làm nên sự khác biệt và cạnh tranh, thu hút người học.
Sinh viên Việt Nam tại Trường ĐH West Virginia, Morgantown (Mỹ) trong một dịp sinh hoạt dã ngoại
Nước nghèo có chơi trội?
* Ở chiều hướng ngược lại, trong báo cáo của IIE cũng chỉ ra số sinh viên Mỹ đến Việt Nam đang tăng dần. Năm 2017, Việt Nam đã đón hơn 1.100 sinh viên Mỹ. Sức hút nào của Việt Nam cần phát huy để vừa hấp dẫn sinh viên quốc tế đến Việt Nam vừa giữ chân người Việt "du học tại chỗ"?
- TS HOÀNG NGỌC VINH: Sinh viên Mỹ đến Việt Nam học tập thì động cơ lớn nhất vẫn là việc làm ở các doanh nghiệp, tổ chức của Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, mục tiêu nghiên cứu chính trị, văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế... Việt Nam cũng là nguyên nhân để sinh viên Mỹ đến Việt Nam gia tăng. Hơn nữa, du học Việt Nam còn có lợi thế về chi phí ăn ở, đi lại, học phí, du lịch và an ninh tốt.
Nhưng để tăng sức hấp dẫn của giáo dục trong nước, giảng viên các trường phải giỏi chuyên môn và tiếng Anh, có nhiều dự án hợp tác với nước ngoài. Một điều không kém phần quan trọng là tạo ra được môi trường sinh thái học thuật phong phú, văn hóa chất lượng được thể hiện ở mọi cá nhân trong trường và quảng bá thật tốt.
- GS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC: Bên cạnh chương trình đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài, nhiều trường có uy tín của Việt Nam đã và đang đào tạo các chương trình tiên tiến, chuẩn quốc tế, chương trình và học liệu được chuyển giao từ các ĐH tiên tiến và được giảng dạy bằng tiếng Anh, Pháp... đã kéo sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên Mỹ, ngày càng đông đến Việt Nam học tập. Học phí ở Việt Nam rẻ, thậm chí so với Mỹ, Anh... là rất rẻ. Bên cạnh đó, truyền thống văn hóa độc đáo, hòa bình, thân thiện của Việt Nam cũng là những yếu tố rất quan trọng thu hút người học.
* Nhiều người đặt câu hỏi Việt Nam còn nghèo, tại sao việc đổ tiền cho con cái du học lại "khủng" như vậy - mỗi năm 3-4 tỉ USD và tính riêng ở Mỹ thì số sinh viên - du học sinh Việt Nam đứng thứ 6? Đây là điều bất hợp lý đối với một đất nước còn nghèo, hay là xu thế tất yếu của thời kỳ hội nhập?
- TS HOÀNG NGỌC VINH: Tâm lý "vọng ngoại" nói chung xuất hiện khá nhiều ở người Việt Nam từ hàng hóa ngoại đến phim ảnh và rất nhiều thứ khác... Các trường của ta chất lượng chưa tốt, lại thiếu tự tin nên mất các thị phần giáo dục. Chỉ có một vài trường năng động, phát huy thế mạnh của ngành đào tạo như công nghệ thông tin, Việt Nam học, kỹ thuật y khoa… có thể thu hút sinh viên quốc tế.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề tâm lý "sính ngoại", trong xã hội cũng cho thấy nền kinh tế phát triển, khoảng cách giàu nghèo gia tăng... Có người giàu lên nhanh chóng nhờ kinh doanh, nhưng cũng có không ít quan chức có quyền thế, tiền bạc giàu có do tham nhũng và do những người khác hiến tặng...
- GS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC: Vì Mỹ được đánh giá là một trong những nước có nền giáo dục ĐH tốt nhất thế giới và nhiều người muốn con cái sau khi du học sẽ tìm được việc làm ở Mỹ. Đó cũng là mong muốn chính đáng. Không chỉ Việt Nam, nhiều gia đình trung lưu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng đều mong muốn có điều kiện gửi con đi du học Mỹ.
Đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho con cái có nền học vấn tốt, có ý chí và bản lĩnh trong cuộc sống, có thể tự lập ở môi trường quốc tế là đầu tư lâu dài cho tương lai và bền vững của mỗi gia đình.
Song tôi cũng như nhiều phụ huynh đều mong mỏi Việt Nam ngày càng có nhiều trường danh giá, có xếp hạng cao, có uy tín trong nước và quốc tế để có thể gửi gắm con em mình học trong nước mà chẳng kém gì so với nước ngoài, cũng như thu hút lưu học sinh quốc tế đến học tập.
TS PHẠM TẤN HẠ (phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM):
Quan trọng nhất là chất lượng đào tạo
Lâu nay, Trường ĐH KHXH&NV đã chủ động tìm kiếm đối tác nhằm tăng cường các chương trình liên kết quốc tế. Trong đó trung tâm đào tạo quốc tế của trường đóng vai trò đầu mối của các chương trình trao đổi ngắn hạn, hoặc trao đổi học kỳ hè.
Vấn đề quan trọng đầu tiên là chất lượng đào tạo, trong đó những chương trình học được kiểm định quốc tế và được dạy bằng tiếng Anh luôn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên nước ngoài. Hiện nay, hầu hết các trường thuộc khối ĐH Quốc gia TP.HCM đều tham gia hệ thống trao đổi tín chỉ Đông Nam Á, nhờ đó sinh viên nước ngoài có thể đến trường theo học những chứng chỉ trao đổi này. Hiện nay, 3 ngành được sinh viên quốc tế theo học nhiều nhất ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM là Việt Nam học, ngôn ngữ Anh và quan hệ quốc tế.
TS LÊ TRƯỜNG TÙNG (chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT):
Cần một chiến lược của quốc gia
Việt Nam hiện tại chưa có tên trên bản đồ du học. Do đó, việc thu hút sinh viên đến Việt Nam với số lượng lớn là chiến lược của quốc gia. Các chính sách của Nhà nước đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện thứ hạng các trường ĐH, một số quy định về visa hay về việc làm cần hiệu quả hơn để phát triển bức tranh chung. Chẳng hạn, các nước lân cận như Singapore và Malaysia thậm chí đặt các văn phòng du học ở các nước nhằm thu hút sinh viên.
Tuy nhiên, bản thân các trường cũng có thể tự thân vận động theo hướng các chương trình trải nghiệm cho sinh viên quốc tế, vì Việt Nam vẫn là điểm đến tốt với những khác biệt về kinh tế, văn hóa, khí hậu... Trong năm học 2018-2019, ĐH FPT dự kiến đón 1.000 sinh viên từ các nước sang trải nghiệm. Ngoài ra, các trường cũng có thể hướng đến sinh viên các nước đang phát triển muốn tìm chương trình liên kết giữa Việt Nam và một nước phát triển, để có được tấm bằng của Anh hay Pháp với chi phí rẻ hơn rất nhiều.
PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Nâng cao chuẩn tiếng Anh
Thu hút sinh viên quốc tế mà bắt họ học chương trình tiếng Việt thì rất khó khăn, vì khi về nước họ sẽ không sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ thứ hai. Do đó, các trường phải xây dựng được những môn học bằng tiếng Anh với đội ngũ giảng viên đủ tầm giảng dạy. Về mặt nhân sự, trường có thể thu hút thêm các giảng viên nước ngoài hoặc trao cơ hội cho các giảng viên trẻ học tiến sĩ ở các nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Canada. Về lâu dài, việc làm này sẽ nâng cao chất lượng các trường lên tầm quốc tế vì có thể đem chương trình đào tạo ở nước ngoài về giảng dạy cho sinh viên trong nước, đồng thời sinh viên sẽ có thêm nhiều cơ hội trao đổi liên kết với nước ngoài.
NGUYỄN HUY HOÀNG (sinh viên Trường ĐH Minerva, California, Mỹ):
Sinh viên có nhiều cơ hội phát triển bản thân
Theo học ở Mỹ có nhiều lợi thế hơn. Thứ nhất, sinh viên có nhiều cơ hội phát triển bản thân vào mùa hè qua những chương trình trải nghiệm nghiên cứu cho sinh viên (REU), hoặc các chương trình thực tập đúng chuyên ngành ở môi trường công nghiệp hay doanh nghiệp.
Thứ hai, chương trình ở Mỹ thường đa dạng và mang tính liên ngành nên hữu ích cho sinh viên muốn học kết hợp 2-3 môn, trong khi các nước như Singapore lại chú trọng vào từng ngành nên ít có cơ hội khám phá bản thân.
Thứ ba, nước Mỹ có sự đa dạng văn hóa rất lớn, nên sinh viên sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau, hơn là đi đến các nước châu Á hay châu Âu.
Trọng Nhân ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận