Phóng to |
Các bạn trẻ "săn" học bổng ở các trung tâm tư vấn |
Từ “scholarship” không còn hiệu quả
“Mình có đi làm thêm ở cửa hàng, nhà hàng, rạp hát…, làm tình nguyện ở trường trẻ em khuyết tật nữa. Rất chuyên nghiệp trong làm thêm để đủ tiền vé máy bay về VN hằng năm chứ!” - Lê Sương Mai đang học ĐH năm đầu tiên tại Trường Brandeis, Mỹ, với suất học bổng Wien Scholarship toàn phần 40.702 USD/năm, lém lỉnh giải thích tại sao mình bận rộn thế!
Mai cũng đã từng học hai năm A level ở Anh (cũng học bổng toàn phần, học phí của New College Nottingham), và hai suất học bổng này đều do bạn tự săn được. Cô tin mình là một trong những người biết cách khai thác mạng và “hội thảo du học”! “Đi các triển lãm du học cũng phải chọn lọc thông tin vì trường nào cũng tìm cách quảng cáo, chào mời nhiều học bổng, nhưng thật ra mỗi trường chỉ cho được một “kẽ hở” mà thôi.”
Khi chộp được cơ hội Mai chủ động gửi một bức thư trao đổi thẳng thắn tới trường New College Nottingham, tự giới thiệu mình và xin học bổng. Với học bổng ở Mỹ, ngoài việc chủ động tìm tới họ, Mai đã phải trải qua nhiều cuộc thi tuyển gắt gao hơn trước đó.
Cũng có một anh chàng từ khi quan tâm tới chuyện du học miễn phí (free), từ tối đến khuya là sống với mạng. Ban đầu phát “oải” vì đòi hỏi của những suất học bổng toàn phần luôn cao chót vót (điểm TOEFL trên 650, hoặc IELTS tối thiểu 6…). Đừng dừng lại những trang web thông tin rộng rãi này nhưng muốn đột nhập vào một trường chuyên ngành thì sao? Anh chàng nhận ra rằng luôn có những trường cần SV nước ngoài và có những tiêu chuẩn dễ thở hơn cho nhiều đối tượng. Cứ như thế, Nguyễn Phước Tất Đạt đã “tóm” được một trường kỹ thuật và đang chuẩn bị du học ở Nhật.
Kiểu lên Yahoo, Google… nhấp chuột vào tìm bằng một từ khóa “scholarship” (học bổng) để cho ra gần… 1.000 website, rồi dò từng suất học bổng, bây giờ với người đi săn chỉ là viễn cảnh. Bất cứ ai khi săn được một suất học “free” cũng khẳng định: đừng tìm vội, hãy tự định hướng cụ thể lĩnh vực chuyên môn mà mình muốn theo học!
Là dân cựu ĐH, Đào Minh Sơn đang du học bằng học bổng toàn phần tại Trường ĐH Trento (Ý) có một công thức: xác định trường mình thích, đột nhập rồi “bắt cóc” một giáo sư phù hợp với hướng nghiên cứu mình đã vạch sẵn. Theo anh, các giáo sư cũng có quyền hoặc ảnh hưởng trong việc cấp học bổng cho sinh viên…
Bằng cấp khá vẫn… du học !
Trong sự bùng nổ đủ hướng săn học bổng, dân “săn” thật sự giỏi chuyên môn mà bằng cấp chỉ đạt mức khá hoặc ngoại ngữ ở mức trung bình (nghĩa là viết tốt, đọc tốt nhưng giao tiếp không khá lắm) thường tìm học bổng ở các nước ít người “săn” như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các nước Nam Mỹ.
|
Với giới trẻ VN, các phương tiện săn, điển hình như Internet đã khác trước, nhanh, rẻ và phổ cập hơn. Kinh nghiệm tìm học bổng của người đi trước cũng được “truyền tai” rộng rãi trên các trang thảo luận, diễn đàn, các phương tiện truyền thông chính thức như: www.ttvnol.com, www.truongthi.com.vn, www.duhoc.com, vnexpress.net…
Thông tin du học rộng rãi cũng là hình thức cạnh tranh của các “đại gia”. Trung tâm tư vấn miễn phí về du học Úc (IDP) tại TP.HCM vừa “tung” ra Hệ thống đăng ký nhập học trực tuyến (website: http://www.idp.com ) - bạn trẻ vừa đăng ký nhập học qua Internet đến tất cả trường ĐH ở Úc, vừa theo dõi được tiến triển hồ sơ nộp tới các trường của mình.
Đa số website thông tin về du học lại cung cấp thêm vô số website khác để bạn tham khảo thêm, hay chỉ cần đăng ký một mẫu khai báo về mình (tên, tuổi, địa chỉ, email), bạn sẽ thường xuyên nhận được danh sách các học bổng do website đó gửi tới. Cũng có rất nhiều chương trình học bổng các nước dành riêng cho HSSV VN mà không phải người đi săn nào cũng biết…
Trước nguồn tin quá khổng lồ như hiện nay, cách khai thác và đọc thông tin từ chỗ “phổ thông” (đọc, biết…) đã nâng dần lên thành… cao cấp (tìm, tổng hợp, so sánh, phân tích, tự thể hiện…).
Họ, những người đi du học bằng học bổng tự mình săn được, hầu hết đều vì một lý do rất “đẹp”: muốn nâng cao kiến thức! Mai đi du học nhưng luôn mong học xong sẽ được về VN thật nhanh. Bạn hi vọng sẽ mở được một công ty hoặc nếu có tiền sẽ tổ chức các hoạt động từ thiện ở quê hương, và ước mơ lớn nhất: trở thành bộ trưởng Bộ Giáo dục. Sơn giản dị hơn: chỉ muốn có nơi sẵn sàng tài trợ tiền cho mình nghiên cứu những ý tưởng của mình…
Mỗi người khi vạch sẵn cho mình một kế hoạch săn học bổng đều bay bổng những tham vọng riêng. Đơn giản họ là người trẻ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận