16/11/2005 18:23 GMT+7

Đủ điều kiện không được cấp thẻ, nhà báo có quyền kiện!

Theo Vietnamnet
Theo Vietnamnet

Thủ tục để đổi hoặc cấp mới thẻ nhà báo của Bộ VHTT lần này có gì khác biệt so với những lần trước? Nếu có chuyện người không làm nghề vẫn được cấp thẻ thì lỗi ấy thuộc về ai?

jctbawOy.jpgPhóng to

Những phóng viên không có thẻ nhà báo sẽ không có điều kiện tác nghiệp trong những sự kiện quan trọng.

Thủ tục để đổi hoặc cấp mới thẻ nhà báo của Bộ VHTT lần này có gì khác biệt so với những lần trước? Nếu có chuyện người không làm nghề vẫn được cấp thẻ thì lỗi ấy thuộc về ai?

Nếu đủ thủ tục và hồ sơ kê khai đúng mà không được cấp thẻ thì có quyền kiện? Trao đổi giữa PV và ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục quản lý báo chí và xuất bản - Bộ VHTT.

* Dư luận nói rằng việc cấp thẻ nhà báo lần này sẽ gắt gao hơn, khắt khe hơn các đợt khác...?

- Hoàn toàn không phải như thế, đợt nào thì cũng thế thôi. Đã có những tiêu chuẩn cụ thể, và cũng đã có hướng dẫn rồi. Đa số các QG trên thế giới cũng vậy, khi thực sự chấp nhận một nhà báo nào đó thì người ta cũng đòi hỏi những tiêu chí nhất định bởi làm báo là nghề được cả xã hội coi trọng và đòi hỏi cao về tính trung thực, tính khách quan, đạo đức nghề nghiệp...

* Thưa ông, tại sao lại phải quy định là 3 năm hành nghề mới được cấp thẻ mà rõ ràng là khi bắt đầu những có tác phẩm báo chí thì người ta đã trải qua những bước tác nghiệp của nghề báo rồi? Và nếu không có thẻ nhà báo thì trong ba năm đó việc hành nghề của phóng viên sẽ rất khó khăn?

- Với các nước, khi vào một cơ quan báo chí, phải sau hai năm thực tập với sự hướng dẫn của một phóng viên đi trước để làm quen với thực tế thì mới được thừa nhận. Hai năm - đó là khoảng thời gian để họ trau dồi trình độ tác nghiệp, thứ hai là để họ nhận thức sâu sắc về đạo đức nghề nghiệp thì mới chính thức trở thành nhà báo.

Ở ta, dù học ở ngành nào khi mới ra cũng phải có một thời gian tập sự nhất định. Ví dụ như ở một viện nghiên cứu, trước hết phải trải qua thời gian làm trợ lý nghiên cứu mới trở thành nghiên cứu viên, sau đó mới lên được nghiên cứu viên chính. Nghề y còn phải trải qua thời gian tập sự lâu hơn.

Vì vậy việc yêu cầu phải có đủ thời gian tập sự để thử thách bản lĩnh nghề nghiệp - trong đó có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp là điều cần thiết.

* Nếu quy định, phải làm trong một cơ quan báo chí chuyên nghiệp mới được cấp thẻ thì sẽ bỏ rơi nhiều cây viết tốt. Trong xã hội, có rất nhiều người mà số lượng bài viết còn lớn hơn cả một phóng viên thông thường?

- Nước nào cũng có những tiêu chuẩn riêng với mỗi nghành nghề và nghề báo không đứng ngoài những thông lệ đó. Và anh phải thực sự sống bằng nghề viết thì mới gọi là nhà báo chuyên nghiệp còn mọi công dân đều có quyền viết bài trên báo chí với tư cách là cộng tác viên. Nước ta cũng đang cố gắng xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp trên nền tảng những người làm nghề phải đảm bảo các tiêu chí nhất định để được cấp thẻ.

Khi những người làm nghề có đủ những tiêu chuẩn như quy định và hồ sơ kê khai đầy đủ, hợp lệ thì nghiễm nhiên được cấp thẻ. Chúng tôi đã thông báo cho tất cả các tỉnh là không việc gì phải cầm hồ sơ lên trên này mà cứ gửi theo đường công văn và nếu thực sự đủ tiêu chuẩn mà Bộ VH -TT không cấp thẻ nhà báo thì có quyền kiện. Còn nếu chưa đủ tiêu chuẩn thì chạy cũng không được.

- Nhưng trên thực tế lại có chuyện là có người làm báo đủ 3 năm nhưng lại ở nhiều tòa soạn khác nhau. Nhưng việc Bộ VHTT quy định phải có 3 năm liên tục làm việc trong một tòa soạn báo chí và phải có kèm theo hợp đồng thì sẽ khiến cho người ta rơi vào trường hợp: thời gian tác nghiệp đủ để tích hợp kinh nghiệp nghề nghiệp nhưng lại vẫn không được cấp thẻ?

- Thực ra cũng có những trường hợp thế này, có nhiều người cứ về nơi này được thời gian vài tháng lại chạy do tòa soạn không chấp nhận sau vài ba tháng thử việc. Sau đó lại chạy đi nơi khác và mọi việc lại diễn ra tương tự. Vì thế, việc cộng thời gian từ nhiều nơi lại cho đủ ba năm không thể chứng minh được là anh tích hợp đủ kinh nghiệp làm nghề. Rõ ràng cần một thời gian nhất định nào đấy trong một tòa soạn liên tục để chứng tỏ nghề nghiệp của mỗi người.

8pk1brpQ.jpgPhóng to
Cục trưởng Cục báo chí Hoàng Hữu Lượng phát biểu trong Hội thảo “Kinh nghiệm và các phương thức hiệu quả của báo chí trong việc đưa tin về QH”.
- Cộng từng vài tháng một cho đủ ba năm thì rõ ràng là khó chấp nhận, nhưng ông có thấy 3 năm liên tục thì là dài quá không? Tại sao không quy định là nếu làm ở tòa soạn nào đấy 1 năm và 3 nơi cộng lại hoặc 2 năm + 1 thì được. Sự thay đổi chỗ làm ở cơ quan báo chí như hiện nay cũng là bình thường thôi...

- Tiêu chuẩn bao giờ cũng đề ra cho số đông. Quy định như vậy là đòi hỏi một nhà báo chuyên nghiệp phải là người được đào tạo thực tế liên tục ở một nơi nào đó ba năm liên tục. Tất nhiên sau này có thể có một số trường hợp đặc biệt mà mình phải tính tới.

Ví dụ như: quy định phải tốt nghiệp ĐH thế nhưng trước kia thì đã có rất nhiều nhà báo đã trưởng thành nên từ chiến trường hoặc các nhà báo tỉnh xa có tuổi rồi nhưng họ trở thành PV từ lâu nay rồi và được cấp thẻ nhiều lần rồi thì vẫn phải coi là một ngoại lệ. Hoặc là tìm cho ra được PV có tiếng dân tộc để làm các tờ báo dân tộc thì rất khó nên các tòa soạn phải chọn những người mới tốt nghiệp phổ thông xong mà có năng khiếu rồi đào tạo sau.

- Có những người mới ra trường 2 năm thôi nhưng được học hành cơ bản và có tố chất đặc biệt, trong 2 năm làm việc ở cơ quan báo chí đã chứng tỏ được sự xuất sắc của mình thì việc không có thẻ nhà báo để hành nghề thì họ có bị thiệt thòi so với những người ở lâu trong cơ quan nhưng không còn năng lực làm việc? Việc xét theo tiêu chí thời gian như vậy liệu có đảm bảo công bằng hoàn toàn?

- Lẽ ra, các tòa soạn chỉ nhận những người có tố chất đặc biệt thích hợp với nghề báo chứ. Nếu họ đã làm được 2 năm, đợi một năm nữa để được cấp thẻ cũng có sao đâu, nhưng tòa soạn sẽ có khuyết điểm nếu không thải hồi những người không còn đủ năng lực.

- Thưa ông, để những người thực sự làm nghề được cấp thẻ, nên chăng sau này nên bổ sung thêm quy định khác ví dụ như kèm theo hồ sơ là các tác phẩm báo chí. Và đối với những ai có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc hoặc được giải thưởng thì có thể được giảm thời gian so với quy định ba năm?

- Những người xuất sắc hay không thì phải do tòa soạn đánh giá chứ trên này làm sao mà thẩm định được. Còn những người có thể mới làm việc 2 năm nhưng được giải nhất, giải nhì về giải báo chí toàn quốc chẳng hạn có thể là trường hợp đặc biệt phải tính đến để có quy định riêng.

* Nếu như một trường hợp nào đó không đủ điều kiện nhưng vẫn có thẻ nhà báo - ví dụ như là lái xe hoặc làm quản trị ở một cơ quan báo chí - thì lỗi là của phái cấp thẻ hay là do cơ quan báo chí?

- Cái đó thì thông thường là lỗi do cơ quan báo chí. Chính vì thế các cơ quan báo chí đừng có chuyện cả nể để chứng nhận cho những trường hợp không xứng đáng. Phải giới thiệu những người thực sự làm nghề. Nhà báo là nghề xứng đáng được xã hội tôn vinh. Vừa rồi rất nhiều những cơ quan báo chí đưa lên và khai trong hồ sơ những trường hợp như vậy là vì nể nhau, vì làm lâu ở cơ quan, là người có công trạng với tờ báo...

Vì thế nên chúng tôi mới có quy định là những phóng viên được cấp thẻ lần đầu là phải có hợp đồng chứng thực là đang làm việc dài hạn tại cơ quan vì nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ thì có nhiều ông tổng biên tập rất dễ "sân siu" . Mỗi lần xét như thế thì phải có đủ mấy con dấu, nào là tổng biên tập ký, chi hội nhà báo ký, tổ chức là cơ quan chủ quản ký, địa phương ký...

Nếu khi hồ sơ từ dưới chuyển lên đã sai rồi thì trên này làm sao phát hiện được bởi có đến hàng vạn nhà báođề nghị được cấp thẻ. Ngay trong đợt trước, được cấp xong rồi chính trong tòa soan lại kiện nhau. Đợt này thì kiên quyết những nơi nào làm sai nguyên tắc thì người ký ở dưới phải chịu trách nhiệm.

* Nghe nói bây giờ đang trong quá trình làm hồ sơ mà đã có những điện thoại gọi đến. Theo ông, cái cách trong nội bộ tố cáo lẫn nhau như vậy thì tốt hay xấu?

- Theo tôi, cái đó sẽ tốt cho việc giám sát của chúng tôi nhưng lẽ ra phải đấu tranh ngay từ nội bộ chứ không phải đợi sau đó mới gọi điện đến đây. Lẽ ra, ngay từ đầu, nội bộ không được nể nhau và người đứng đầu phải nghiêm. Còn để người ta phải thông báo lên trên này là người đó không đủ tiêu chuẩn đâu thì lại là một cái dở, nghĩa là từ nội bộ đã thiếu sự đấu tranh thẳng thắn rồi.

Theo Vietnamnet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên