01/01/2010 09:29 GMT+7

Dự cảm 10 năm

CẦM VĂN KÌNH ghi
CẦM VĂN KÌNH ghi

TT - Hôm nay (1-1-2010), ngày đầu tiên của năm mới 2010 cũng là cột mốc sang trang từ thập niên đầu tiên đầy biến động của thế kỷ 21 sang thập niên thứ hai còn đang ở phía trước. Vậy trong tầm nhìn 10 năm, chúng ta nghĩ gì về năm 2020? Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của các chuyên gia ở nhiều góc nhìn khác nhau.

Chúng tôi trẻ và chúng tôi ước mơ...

* PGS.TS Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN):

hD1SvuEg.jpgPhóng to
Ảnh: X.TR.
VN đang đà tăng trưởng nhanh và trong 10 năm tới, mức thu nhập bình quân đầu người từ khoảng 1.000 USD hiện nay tăng đến khoảng 3.000 USD theo tôi là không quá khó khăn. Thậm chí, nếu chúng ta biết nắm thời cơ tốt, có những bước chuyển quyết định thì 10 năm sau, thu nhập trung bình của người VN còn có thể cao hơn mức 3.000 USD khá nhiều. Tuy nhiên, để người dân khi có thu nhập bình quân khoảng 3.000 USD/người/năm, chất lượng cuộc sống cũng cao theo không phải đơn giản.

Ba vấn đề quan trọng, đáng quan tâm nhất với người dân hiện nay ngoài an ninh chính trị ổn định là ăn, ở, đi lại. Ba vấn đề trên là nhu cầu tối thiểu của con người mà Nhà nước cần chăm lo cho tốt để đảm bảo một cuộc sống chất lượng cao theo đúng nghĩa “văn minh” cho dân.

Để đạt được điều này cần sự chuẩn bị, vào cuộc bài bản, chu đáo và đầy trách nhiệm, nếu không thu nhập 3.000 USD chưa hẳn người dân đã đạt được chất lượng cuộc sống tương ứng. Nếu thu nhập cao mà hằng ngày vẫn phải lo ngộ độc thức ăn, đi lại thì đường sá thường xuyên kẹt cứng, chỗ ở thiếu... sẽ nảy sinh các vấn đề xã hội khó giải quyết, cản trở sự phát triển của xã hội nói chung và hạ thấp chất lượng cuộc sống của người dân.

VN là một quốc gia đang trong giai đoạn đầu của phát triển. Vì vậy, dễ hiểu chúng ta thường quan tâm hơn đến thu nhập, đến tiền, đến số lượng và bề nổi, những con số thành tích của sự phát triển. Tuy nhiên, đến một giai đoạn phát triển tiếp theo, không sớm thì muộn, chúng ta phải tập trung vào chăm lo cho chất lượng của tăng trưởng, mà chất lượng tốt nhất là phản ánh qua đời sống của người dân, những nhu cầu của họ được đáp ứng như thế nào.

VN vừa vượt qua ngưỡng nước có thu nhập thấp để thành nước có thu nhập trung bình. Quá trình xóa đói giảm nghèo cũng đã được thực thi tích cực. Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, chênh lệch thu nhập, phân biệt giàu nghèo sẽ ngày càng rõ hơn. Nhà nước cần là một bàn tay tích cực phân phối lại thu nhập, tăng cơ hội tiếp cận và vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo, người bị mất đất sản xuất... nhằm giảm bất bình đẳng xã hội, đồng thời ngăn chặn hiệu quả những người làm giàu bất chính.

wU01JaKw.jpgPhóng to
Ảnh: Đ.T.DUY
Ước vọng của tôi cho nhiều năm tới chỉ gói trong chữ AN bởi chữ AN luôn là chữ tốt nhất, thể hiện sự không xô lệch, không xáo trộn. Chữ AN cho đất nước, cho thành phố và cho từng gia đình, từng người dân. Với đất nước, đó là an bình, an ninh; với thành phố là an toàn và mỗi gia đình, mỗi người dân là an khang.

Và để có được chữ AN, hi vọng mỗi cá nhân luôn làm tròn bổn phận, trách nhiệm bằng đúng vị trí xã hội của mình với tinh thần đạo đức đặt lên hàng đầu. Với đất nước, việc quan trọng nhất và lớn nhất là việc “chọn bạn” trong xu hướng liên kết giữa các nước, các khu vực.

Cùng với đó, về lĩnh vực ngoại giao, cần có những quyết định “cương - nhu” đúng lúc để đem đến chữ AN trước những thế lực mạnh mẽ, trước những nguy cơ từ bên ngoài. Đây có thể là tiền đề để đem đến sự an dân, an vui.

Với xã hội, tôi ước mong mọi người sẽ làm tròn bổn phận của mình để đem lại chữ AN. Anh công nhân đào đường phải làm tròn bổn phận của mình để đảm bảo an toàn cho người đi đường, các cơ sở sản xuất thực phẩm làm đúng lương tâm để đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm an toàn. Cũng vậy, dù ai ở vị trí xã hội nào, đảm nhận công việc gì (giáo viên, công chức, công nhân, nông dân...) cũng có thể làm hết trách nhiệm của mình dựa trên tinh thần đạo đức vì chữ AN chung.

M7v64gZs.jpgPhóng to
Ảnh: V.V.T

Có thể lạc quan rằng 10 năm tới thu nhập của đa số người dân sẽ cao hơn hiện nay, tỉ lệ người nghèo đói sẽ giảm nhưng chất lượng sống của chúng ta được cải thiện đến đâu là một điều mà có lẽ nhiều người không dám chắc. Xin lấy một ví dụ về giáo dục, vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm, thậm chí có đại biểu Quốc hội còn đề nghị lấy năm 2010 làm năm khởi đầu một cuộc vận động lớn đổi mới toàn diện nền giáo dục VN.

Trường học bây giờ khác trường học 10 năm trước, nhưng chất lượng rõ ràng không thể đo đếm một cách đơn giản bằng số lượng vật dụng. Học sinh có thể có nhiều sách giáo khoa hơn, bữa trưa khá hơn nhưng chất lượng học và đạo đức xã hội thì ngay cả những người lạc quan nhất cũng phần nào cảm thấy lo lắng. Đó là chưa kể đến vô vàn những bài toán khác của xã hội, mà cùng với sự gia tăng dân số, nhất là ở thành thị hiện nay, không hiểu 10 năm tới chúng ta sẽ giải quyết thế nào.

Thu nhập của người dân là mục tiêu phải theo đuổi, vì nó là thước đo thống kê, nhưng nó cần được gia tăng tỉ lệ thuận cùng các lợi ích khác mà chúng ta có thể gọi là “nền móng xã hội” của nền kinh tế. Lâu nay, ít nhiều có xu hướng hiểu cận thị nền móng của kinh tế là số máy cày, số thửa ruộng, số tiền FDI... Nhưng những cái thật sự là nền móng lại là khoa học, dân chủ, quyền tự do sinh sống, quyền hưởng giáo dục công bằng, quyền có cơ hội cạnh tranh...

Những nền móng đó sẽ tự động sáng tạo ra nhiều lời giải căn bản cho sự vận động xã hội. Lâu nay sự tăng trưởng kinh tế của chúng ta dựa chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên, tăng đầu tư, nhất là đầu tư nhà nước..., nhưng mọi thứ đều có giới hạn của nó, nguồn vốn cho tăng trưởng tiếp theo chắc chắn phải là vốn xã hội, nền móng xã hội, dân trí và “nền kinh tế khởi nghiệp - sáng tạo”.

Iyr890O1.jpgPhóng to
Ảnh: T.T.D
Thế kỷ 21 mở đầu bằng một loạt sự cố báo trước một loạt khủng hoảng: Y2K, 11-9, bong bóng chứng khoán, bong bóng dot.com..., và năm cuối cùng của thập niên đầu tiên là đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng bong bóng văn hóa, bong bóng trong tâm hồn con người mới thật sự là một khoảng trống nặng nề: đầu thế kỷ mới, người ta đã nghĩ Internet có thể san phẳng thế giới, xóa mọi khoảng cách giúp con người gần nhau hơn. Hóa ra không phải thế. Con người càng gần nhau trên mạng thì càng xa cách người bên cạnh hơn. Các diễn đàn trên mạng tưởng giúp con người đoàn kết được thì lại càng làm chia rẽ hơn.

Ở VN có một chút khác hơn: dân số trẻ hơn, hăm hở sống hơn, nhiều khát vọng hơn. Nhưng hành động chuyển từ những khát vọng thành hiện thực không phải lúc nào cũng như mình mong muốn. Về sáng tạo và hưởng thụ văn hóa lại càng như vậy: thế kỷ trước, người ta “nhâm nhi” văn hóa hơn, sáng tạo và hưởng thụ như quá trình làm ra và nâng lên nhấp một ly rượu: quan trọng, tâm huyết, chậm rãi. Còn 10 năm qua? Chúng ta làm ra văn hóa và hưởng thụ văn hóa như sản xuất và nốc một chai nước ngọt: lạnh, hàng loạt. Có vẻ thỏa cơn khát rất nhanh nhưng chỉ đáp ứng những giá trị nhất thời.

Văn hóa sẽ ngày càng trở thành hàng hóa, sẽ được sản xuất và sử dụng như hàng tiêu dùng, sản xuất hàng loạt, rất nhanh và quẳng đi cũng rất nhanh. Đừng vội hi vọng và cũng đừng thất vọng nếu chưa có tác phẩm văn học ứng cử giải Nobel, phim đoạt Oscar hay những tác phẩm âm nhạc, hội họa, sân khấu được cả thế giới trầm trồ. Nhưng cũng sẽ có chút gì đó lắng lại. Những em nhỏ hôm nay mới bước vào tiểu học sẽ là tác giả và đồng thời là người hưởng thụ của những thành quả văn hóa đó, tất nhiên với điều kiện các em được hưởng một nền giáo dục khuyến khích sáng tạo và nhân bản.

ZsuozsTl.jpgPhóng to

Một thập niên đã trôi qua cùng với tuổi thơ của một con người luôn bị căng thẳng vì việc học của mình. Đó là những chấn thương đầu tiên, theo tôi, làm ảnh hưởng đến kỹ năng và văn hóa sống của người đó dù ít dù nhiều. Vì vậy, không dưng mà tôi - và có lẽ rất nhiều người trong chúng ta - hi vọng một sự bứt phá tốt đẹp trong văn hóa bắt đầu bằng sự học cho con người, cho những đời người.

Sao cho những công dân tương lai này rành rẽ và yêu mến tiếng Việt như nó vốn phải như vậy vì đó là tiếng mẹ đẻ của chính mình; sao cho những trang sử của chúng ta khiến lòng yêu nước của người Việt được đánh thức và được bộc lộ.

Và nhiều nữa, sao cho môi trường luật pháp được minh bạch để có công bằng; sao cho tình trạng hỗn loạn giao thông được chấn chỉnh để con người thấy an vui; sao cho “ai cũng có quyền được chữa bệnh, được học hành và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa cho một cộng đồng, một gia đình hay một cá nhân. Lý luận đã nhiều nhưng thực tế lại làm chúng ta có cùng một tâm trạng chưa vui. Văn hóa của thế hệ chúng tôi, lứa ông bà của đứa cháu tôi đây là gì? Là sống có lý tưởng, sống can cường và tới đích.

Văn hóa của những người như ba mẹ của cháu tôi, những người đành “hi sinh đời bố củng cố đời con” là gì? Là bon chen, cam chịu và chống đỡ để tồn tại trong bầu không khí ô nhiễm. Dù vậy, trẻ con vẫn phải lớn lên, người Việt vẫn phải trường tồn và văn hóa Việt vẫn cứ phải được giữ gìn từ đời này sang đời khác, đương nhiên là vậy.

Thập niên mới đã bắt đầu, một lộ trình lớn nữa đã mở ra và nếu chúng ta thực tâm bằng những chấn chỉnh nghiêm ngắn từng bước một, từng năm một cho luật pháp, giáo dục, giao thông và y tế, chỉ riêng đối với những lĩnh vực thiết yếu làm nền cho tinh thần của một cộng đồng ấy, tôi tin người VN sẽ làm nên một dấu ấn khác về cốt cách để khi bước ra với năm châu bốn bể, chúng ta có đôi chân lành mạnh, nhịp nhàng và vững chắc.

* Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch HĐQT Saigon Co-op:

Tôi tin 10 năm tới chúng ta sẽ đi xa hơn nữa bởi chúng ta đang đi trên nền xuất phát điểm cao hơn sau hơn 20 năm mở cửa, đổi mới phát triển kinh tế. Bắt đầu đổi mới từ năm 1986 với bộn bề khó khăn, chúng ta làm nên những thay đổi lớn, đạt được những thành tựu trong mọi lĩnh vực.

Đó là một bước tạo đà rất tốt để kỳ vọng một vị thế cao hơn, cuộc sống vật chất sung túc hơn cho đất nước, người dân trong tương lai. Tâm lý chung của người dân đang kỳ vọng vào những tín hiệu lạc quan trong năm tới. Để làm được điều đó, chúng ta phải làm việc, suy nghĩ và hành động nhanh hơn, xa hơn 20 năm qua. Người dân cũng đòi hỏi các chính sách, chủ trương của nhà nước phải kịp thời hơn, linh động, sát thực tiễn hơn, mở hơn theo xu hướng hội nhập.

Sau khủng hoảng kinh tế, các nước đều tái cơ cấu và thay đổi, vấn đề đặt ra cho VN phải thay đổi được và nhanh hơn các nước, nếu chúng ta đổi chậm có nghĩa thụt lùi. Điều chỉnh nhanh và thực thi nhanh thì sẽ thoát ra khủng hoảng nhanh, có thể tạo được sự bứt phá so với các nước khác trong khu vực.

Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên theo sự điều tiết của chính sách vĩ mô. Nhà nước luôn quan tâm đến an sinh xã hội để giảm bớt các khoảng cách về giàu nghèo, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân.

* Lê Thanh Hùng, Giám đốc công ty ATL:

Khủng hoảng cũng là dịp để doanh nghiệp ngẫm lại việc quản lý doanh nghiệp của mình. Qua nói chuyện, tư vấn tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu quan tâm đến xây dựng hệ thống quản trị, ứng dụng công nghệ vào… Chủ một nhà máy xay xát gạo xuất khẩu ở Long Xuyên có 20 công nhân thôi nhưng vì nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững và xa hơn nên đã chấp nhận bỏ tiền đầu tư cho hệ thống quản lý của mình. Bây giờ người chủ này có thể yên tâm khi đi công tác xa mà vẫn quản lý được hoạt động của cơ sở mình.

Việc chuẩn hóa hệ thống quản trị cho chuỗi cung ứng, chẳng hạn, không phải là việc làm trong ngày một ngày hai. Tôi tiếp xúc với nhiều đại lý, nhà phân phối và họ thường kêu rằng cứ hai, ba tháng họ phải đổ bỏ hàng đống hàng quá hạn sử dụng. Đó là hậu quả của khâu quản lý. Với quyết tâm chuẩn hóa của hệ thống phân phối, tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ bớt gặp phải chuyện mua trúng hàng chất lượng thấp.

CẦM VĂN KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên