Sơ đồ quy hoạch “Chuỗi ngọc trai” dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Ảnh: Tiến Long chụp lại |
Nghe đọc bài báo này |
Ông Huỳnh Dư An, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ phát biểu như vậy trong buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và các sở, ban ngành ngày 7-11.
Ông An nhắc lại mục tiêu dự án là xây dựng Cần Giờ thành khu đô thị tầm cỡ khu vực và thế giới, nơi tập trung nhiều công trình khách sạn và resort cao cấp, trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm thương mại, bến du thuyền, bến thủy phi cơ, công trình thủy cung lớn...
“Khu du lịch tầm cỡ Miami”
Về tiến độ thực hiện dự án, theo ông An, hiện công ty đã làm việc với Sở Kế hoạch - đầu tư để lập dự án đầu tư khu 480ha mở rộng, đồng thời hoàn thiện quy hoạch 1/2.000 cho toàn khu 1.080ha, đang lấy ý kiến cộng đồng để hoàn thành hồ sơ nộp Sở Quy hoạch - kiến trúc thẩm định.
Để chứng minh năng lực đầu tư, ông An nói công ty đã tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỉ đồng và có cam kết cung cấp tín dụng 4.964 tỉ đồng từ ngân hàng.
Về giao thông, công ty đã làm việc với đơn vị tư vấn để đưa ra một số phương án xây dựng cầu Cần Giờ làm sao vừa phục vụ dự án vừa không ảnh hưởng đến rừng sinh quyển Cần Giờ.
Riêng nguồn cát san lấp thực hiện dự án, chủ đầu tư đã xin Sở Tài nguyên - môi trường được khai thác mỏ cát Long Hòa 1, Long Hòa 2 (huyện Cần Giờ).
“Với quyết tâm của công ty và sự hỗ trợ của các ban ngành, chúng tôi hi vọng Cần Giờ trở thành một khu du lịch tầm Miami (Mỹ) của Việt Nam trong thời gian sớm nhất” - ông An nhấn mạnh.
Để dự án có thể tái khởi động cuối năm nay, ông An kiến nghị UBND TP cho phép chủ đầu tư gộp dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ đã được duyệt trước đây với diện tích mở rộng sau này trở thành một dự án.
Đoàn công tác khảo sát dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ ngày 7-11 - Ảnh: Tiến Long |
15 năm chưa làm gì
Năm 2000, dự án hệ thống công trình lấn biển và khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được UBND TP.HCM giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), cụ thể là Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ, làm chủ đầu tư. Dự án có tổng kinh phí đầu tư dự kiến 2.600 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2007 dự án này mới được khởi động, nhưng mãi đến nay hầu như chưa thực hiện được hạng mục nào.
Tháng 10-2015, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ được nghiên cứu lập phương án đầu tư dự án lấn biển Cần Giờ với diện tích mở rộng thêm 480ha so với dự án cũ, lên 1.080ha.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Tín nhắc đi nhắc lại dự án là tâm huyết của các lãnh đạo tiền nhiệm ở trung ương lẫn TP.HCM nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.
Ông Tín cho biết cách đây khoảng 20 năm, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu những tác động về việc lấn biển thực hiện dự án khu du lịch tại Cần Giờ, đến nay đã 15 năm mà vẫn chưa thực hiện được.
Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu do năng lực vốn của doanh nghiệp và cơ chế tài chính doanh nghiệp khó có khả năng kết hợp, huy động tổ chức thực hiện.
Ông Tín đồng ý đề xuất ý tưởng quy hoạch khu đô thị du lịch của chủ đầu tư. Tuy nhiên theo ông Tín, chủ đầu tư phải bổ sung quy mô nghiên cứu tác động dự án.
Để dự án nhanh thực hiện, ông Tín yêu cầu chủ đầu tư ứng kinh phí thuê đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 toàn bộ diện tích dự án.
Theo trình tự, chủ đầu tư phải trình Sở Quy hoạch - kiến trúc trước ngày 15-11, để ngày 20-11 UBND TP.HCM sẽ duyệt nhiệm vụ của đồ án này.
Nếu được, Sở Quy hoạch - kiến trúc sau khi duyệt nhiệm vụ đồ án 1/2.000 thì duyệt luôn phần nhiệm vụ, thẩm định đồ án 1/500 để tiến hành giai đoạn quy hoạch cho nhanh. Tuy nhiên, đồ án 1/500 phải thể hiện rõ kết cấu hạ tầng chính nối vào khu hiện hữu 210ha.
“Một cái nôi thu hút du khách trong nước và quốc tế mà không lo làm để khai thác” - ông Tín nhắc chủ đầu tư.
Mở rộng dự án thêm 480ha Theo đề xuất, với quy mô hơn 1.000ha, khu du lịch có những công trình khách sạn và resort cao cấp, sân golf, nhà hát lớn, công trình thủy cung lớn, trung tâm du lịch chăm sóc sức khỏe, trung tâm thương mại, bến du thuyền, bến thủy phi cơ... Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ xây dựng môi trường làm việc để các công ty sáng tạo phần mềm, phim trường tổ chức tại đây. Thông tin từ UBND huyện Cần Giờ cho biết với quy mô 600ha của dự án cũ đã ảnh hưởng đến khoảng 450 hộ dân nuôi nghêu trên địa bàn. Nếu mở rộng lấn thêm ra biển 480ha sẽ ảnh hưởng khá nhiều hộ dân đang nuôi nghêu trên mặt nước. Thời gian tới, UBND huyện Cần Giờ cùng với chủ đầu tư sẽ thống kê để có phương án bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. |
Phải lấy ý kiến người dân rất kỹ Góp ý cho đồ án, ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc, nói rằng đây là khu vực cửa ngõ của sông, chủ đầu tư cần có báo cáo tác động môi trường rất kỹ ở cửa sông Soài Rạp; nhiệm vụ quy hoạch bổ sung, mở rộng phạm vi nghiên cứu, cơ sở khoa học để đánh giá. Đặc biệt, dự án làm xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sinh hoạt của người dân nên chủ đầu tư phải lấy ý kiến người dân rất kỹ. Đồng thời trong quá trình lập dự án phải có ứng xử hợp lý với dân. “Chủ đầu tư phải làm rõ những gì đã yêu cầu thì sở mới tiếp nhận hồ sơ. Còn với thành phần hồ sơ hiện nay mà trình UBND TP.HCM phê duyệt thì quá gấp và không đủ điều kiện” - ông Nam nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận