28/05/2010 03:45 GMT+7

Dự án 35.000 tỉ đồng phải xin phép Quốc hội

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Theo ông Phùng Quốc Hiển - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội, tới đây sẽ điều chỉnh mức vốn của các dự án phải xin ý kiến Quốc hội trước khi thực hiện từ 20.000 tỉ đồng lên 35.000 tỉ đồng. Ông Hiển nói:

lnVKhznu.jpgPhóng to
Ông Phùng Quốc Hiển - Ảnh: V.Dũng

- Mức 35.000 tỉ đồng là do Chính phủ đề xuất. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét và cơ bản nhất trí với đề nghị nâng mức dự án phải xin ý kiến Quốc hội trước khi đầu tư từ 20.000 tỉ đồng như hiện nay lên 35.000 tỉ đồng. Mức điều chỉnh này đã tính cả trượt giá. Việc này sẽ được đưa ra để Quốc hội thảo luận và quyết định, dự kiến vào ngày 19-6.

Đất nước ta ngày một phát triển, số công trình ngày càng tăng. Trước ngân sách ít ỏi, bây giờ quy mô lớn hơn. Có công trình đầu tư bằng nhiều nguồn vốn. Vì thế phải phân cấp. Quốc hội chỉ xem xét ở một mức độ nhất định chứ những công trình lớn bé cũng đưa ra thì Quốc hội khó lòng làm hết.

Ngoài ra còn có những công trình có tính chất đặc biệt, liên quan đến môi trường, đất đai ở một mức độ nhất định, có tính chất quan trọng thì dù từ nguồn vốn nào, dù không đến 35.000 tỉ đồng cũng sẽ phải xin ý kiến Quốc hội trước khi đầu tư.

* Việc quyết toán ngân sách nhà nước 2008 tại sao đến 2010 mới đưa ra? Có nên làm sớm hơn, vì không quyết toán ngay, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dễ thành việc đã rồi?

- Cũng có ý kiến đề nghị nên quyết toán ngân sách sớm hơn, sau 12 tháng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang theo khoảng thời gian 18 tháng vì đặc thù của VN là ngân sách kép, nghĩa là Quốc hội phân bổ quyết toán cả ngân sách trung ương và địa phương. Việc tổng hợp vì thế phải đợi từ cấp xã lên cấp huyện, tỉnh rồi trung ương. Trong quá trình đó phải trình HĐND các cấp phê chuẩn, rồi còn có các hoạt động kiểm toán, thanh tra.

Có lúc ta muốn đẩy sớm hơn nhưng thời gian không đủ nên luật phải quy định 18 tháng.

Sắp tới hướng sẽ sửa lại, Quốc hội sẽ chỉ quyết ngân sách trung ương và tập trung giám sát ngân sách trung ương. Ngân sách địa phương sẽ do HĐND địa phương quyết. Như bây giờ Quốc hội “ôm đồm” nhiều việc quá.

* Nhưng phân cấp cũng cần phải kiểm tra, giám sát. Vai trò kiểm toán nhà nước thế nào để đảm bảo chi ngân sách đúng mục đích và hiệu quả?

- Việc quyết toán đòi hỏi trách nhiệm các cấp. Khi trình Quốc hội, việc thẩm tra đã phải tiến hành nhiều bước. Cơ quan tài chính các cấp đã phải thẩm định báo cáo quyết toán của cấp dưới xem đã đúng chưa. HĐND cũng phải tiến hành thẩm tra, đủ điều kiện mới lên Bộ Tài chính tổng hợp.

Trong quá trình đó kiểm toán cũng vào kiểm tra. Tuy nhiên, kiểm toán hiện chỉ thực hiện được khoảng 50% các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước. Các tỉnh và bộ ngành cũng mới một nửa được kiểm toán. Chúng ta đang tiến tới 100% đơn vị thụ hưởng ngân sách phải được kiểm toán.

Theo tờ trình của Chính phủ, có năm tiêu chí xác định các dự án, công trình quan trọng quốc gia bao gồm: quy mô tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỉ đồng trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư; dự án công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; dự án, công trình phải di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng và dự án; công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên