17/03/2010 08:46 GMT+7

"Đốt tiền" ở vũ trường

SƠN BÌNH - PHI LONG - CÔNG NHẬT
SƠN BÌNH - PHI LONG - CÔNG NHẬT

TT - Khi màn đêm buông xuống cũng là thời điểm hẹn hò, họp mặt của không ít cậu ấm, cô chiêu thế hệ 8X, 9X tại những sàn nhảy, quán bar ở Sài Gòn, bắt đầu cho một đêm ăn chơi, phung phí tiền bạc để thể hiện mình.

GoKEWejh.jpgPhóng to

Các sàn nhảy ở quán bar, vũ trường là nơi giới trẻ ăn chơi tụ tập để thể hiện mình - Ảnh: CTV

Đêm dần buông, theo chân Lâm - một dân nghiện “club đểu”, chúng tôi đến một quán cà phê trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận. Khoảng 20g, Lâm lấy điện thoại gọi “chiến hữu”. Hơn 30 phút sau, hai cô gái chưa đầy 19 tuổi, mặc áo quần ngắn cũn cỡn và một thanh niên trẻ ăn mặc khá nhí nhố tên Hoàng đi taxi đến. Thấy chúng tôi thúc giục đi “club đểu”, Lâm nói: “Chờ “hàng” đã, giờ này chưa đi đâu”. Như hiểu ý, một cô gái lấy khóa xe Dream của Lâm, rú ga chạy mất hút vào một con hẻm.

Vào “club đểu”

Giải tỏa nhu cầu tâm lý một cách lệch lạc nhất thời

Nguyên nhân khiến giới trẻ sa đà vào vũ trường “đốt tiền” xuất phát từ nhu cầu của từng nhóm, độ tuổi biểu hiện như: thích tụ tập, thích hào nhoáng, thích màu sắc nổi bật, thích hòa mình vào không gian để bộc lộ, thích hướng đến những thú vui thời thượng, thích biểu hiện cái mà người ta không mong muốn, đơn giản chỉ để được làm nổi, chú ý... Điều đặc biệt là không có người chia sẻ, quan tâm, giới trẻ phải vét tiền vào vũ trường để đổi lại một sự “ấm lòng” từ những cung cách phục vụ, từ những người bạn đồng cảnh ngộ, để rồi làm quen với bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác... Đó là một cách khẳng định mình, giải tỏa nhu cầu tâm lý một cách lệch lạc cần phê phán.

Lâm giải thích: “Có đứa nghiện “ke” (xì ke), có đứa nghiện “đá” (một thứ ma túy hỗn hợp). Đi “club đểu” mà thiếu mấy thứ này thì vật vã lắm. Một chấm “đá” cỡ nửa đầu ngón tay là 1,3 triệu đồng, “ke” thì rẻ hơn, một tép (cỡ đầu ống hút) là 200.000 đồng...”.

Khi cô nàng quay lại gửi xe, cả nhóm đón taxi chạy thẳng lên khu đường Bạch Đằng, quận Gò Vấp rồi dừng lại tại một khách sạn ngay ngã ba Bạch Đằng. Người lễ tân gặp khách quen nên chẳng cần giấy tờ và cho cả nhóm tiến thẳng lên lầu 3.

Vừa mở cửa, cô gái mang “đá” và “ke” đã đặt “hàng” lên bàn gỗ. Lâm lấy trong túi quần ra một chiếc kim tiêm và lọ nước cất. Khi cô gái dùng thanh dao cắt ra từng mảng nhỏ thì cả nhóm xúm lại, tay run run giành nhau từng mảng bột trắng đục.

Khi cơn “đá” lâng lâng, mọi người thúc giục nhau đi bar để được “phê” với âm nhạc dữ dội của sàn nhảy.

Rời khách sạn, cả nhóm tiếp tục gọi taxi chạy thẳng đến “club đểu” - quán bar M trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp. Cửa mở, có khoảng 150 người đang lắc lư điên dại theo nhạc. Những tiếp viên gợi cảm sà vào nhóm khách tiếp thị một vài loại bia và một số chai rượu ngoại có giá ở mức trung bình. Lâm và mọi người vừa nốc bia vừa nhún nhảy. Rồi cậu ta thủ thỉ với một người bạn trong sàn và đưa cho anh này 400.000 đồng để mua hai viên “kẹo” (thuốc lắc).

“Nhai đi rồi nhảy cho đừng thua kém người ta” - Lâm bảo. Cả nhóm cứ nhún nhảy và uống bia trong ánh sáng mờ ảo cùng những cơn say tình, say thuốc, say nhạc... cho đến khi tiền hóa đơn chìa ra dưới ánh đèn pin của nhân viên phục vụ là 2,3 triệu đồng thì đã 1g30 sáng.

Đến vũ trường “đẳng cấp”

Chiều cuối tuần, một chiếc xe Toyota Yaris bóng loáng lượn lờ qua các trường đại học rồi dừng hẳn trước cổng Trường ĐH KHXH&NV. Trên xe là một “cậu ấm” tuổi đời mới đôi mươi. Cậu ta đặt chiếc điện thoại đời mới lên tai... Vài phút sau, một cô sinh viên mở cửa xe bước vào. Chủ xe là Vũ “công tử”, cha làm ngân hàng, mẹ kinh doanh bất động sản ở Đồng Nai. Vũ thừa nhận: “Tôi biết đi vũ trường khi mới 15 tuổi. Đi đông mới vui, một mình chán lắm. Với lại chơi cũng phải cho chủ quán và người khác thấy chứ”.

EGlSFodn.jpgPhóng to
Những sàn nhảy ở các quán bar là nơi hẹn hò của nhiều nam nữ tuổi teen - Ảnh: CTV

Vũ và nhóm bạn rủ chúng tôi đến sàn C ở đường Phạm Ngọc Thạch. Vào các vũ trường “đẳng cấp”, chúng tôi giật mình với khả năng uống rượu của cánh “đại gia” nhí. Mỗi ly rượu ngoại có giá vài trăm ngàn đến cả triệu đồng nhưng cả nhóm uống như uống nước lã. Vũ nói trong tiếng nhạc xập xình: “Tự nhiên đi, sàn này chưa phải lớn lắm nhưng mỗi lần đến đây em tốn không dưới 15 triệu đồng. Hôm nay phải chơi đẹp, gấp đôi là ít”.

Thấy mấy cô tiếp viên phục vụ “trông rất tội nghiệp”, cậu ta móc ví phát cho mỗi người một tờ 100.000 đồng rồi tiếp tục cụng ly uống rượu theo sự kêu gọi của nhóm bạn: “Dzô đi thiếu gia, dzô đi công tử...”. Hào hứng, Vũ lắc lư cuồng nhiệt theo tiếng nhạc vũ trường ầm ĩ. Cả nhóm cứ say mê đến đờ đẫn. Gần sáng, hóa đơn tính tiền chìa ra, Vũ móc hai cọc tiền 20 triệu đồng và mấy tờ 500.000 đồng với lời nhắn: “Khỏi thối lại”.

Đi bar ngoại “đốt tiền”

Trong khi giới quý tử Sài thành đang ngấm ngầm lấy “số” bằng cách chi bạo cho những buổi đi vũ trường, đi bar “đẳng cấp” thì một bộ phận “cậu ấm, cô chiêu” khác lại chơi trội hơn bằng cách ra các vũ trường nước ngoài “đốt tiền”.

Được dân chơi gọi là “ông” nhưng khi gặp Đ. tại một quán bar trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 mới biết “thiếu gia” này chỉ mới 24 tuổi. Đ. là con của một lương y nổi tiếng ở Đồng Nai có nhiều ngôi nhà ở Sài Gòn và Đồng Nai. Khi 20 tuổi Đ. đã thông thạo các vũ trường nổi tiếng ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn.

Đ. bảo: “Em đến các vũ trường trong nước chơi hoài cũng chán nên bay sang Trung Quốc đi vũ trường ngoại với các bạn”. Nơi Đ. đến là hai sàn Haoshi và KK nổi tiếng, chuyên phục vụ giới trẻ VN học tại Trung Quốc, lân cận khu vực Trường đại học Quảng Tây.

“Mỗi lần ghé hai quán này, uống rượu, nhảy và chơi “ke tím” (loại xì ke màu tím nhạt, có tên là keteremi) cùng với nhóm bạn thân, tính ra tiền VN phải mất hơn 30 triệu đồng, rồi ăn ở bên đó cả tuần mới về nước. Em nói với gia đình là đi du học ở Học viện Y học Đông y Trung Quốc để nối nghiệp nghề y gia truyền. Mỗi khi cần tiền thì gia đình gửi 50-100 triệu đồng cho tiêu sài” - Đ. khoe.

Cái “mốt” tụ tập đi bar ngoại còn phải kể đến “cậu ấm” L.P., con của một “đại gia” ở Bình Dương, khiến giới tuổi teen ăn chơi phải kiêng nể khi quyết định xuất ngoại. “Những chuyến đi đến các quán bar, vũ trường ở Singapore hoặc Thái Lan, tính cả chi phí tiền vé máy bay, ăn ở, đi lại cũng ngốn hết của các khổ chủ thích chơi sang không dưới vài trăm triệu đồng. Nhưng thằng L.P. đã xô đổ mọi kỷ lục được lập trước đó khi tổ chức sinh nhật tại vũ trường Paradise ở Hollywood với số tiền lên đến cả triệu đô” - anh H.K., một khách mời của sinh nhật này, kể.

2J5FigrC.jpgPhóng to

Chích “ke”, chích “đá” ở khách sạn trước khi vào “club đểu” - Ảnh: S.B.

Tự khẳng định mình (?)

Tuấn, một dân nghiện đi các sàn nhảy, biện bạch: sự trống trải khi ở nhà một mình do ba mẹ quá bận rộn công việc và nhận ra ngành học không phù hợp với bản thân khiến cậu ta tìm đến bar. Và thế là Tuấn lấy tiền học phí, tiền học tiếng Anh... để đi bar. Nhưng đi “club đểu”, “sàn teen” mãi cũng chán, Tuấn bắt đầu ngắm nghía các bar sành điệu hơn ở khu vực trung tâm. Từ lúc này, những tờ giấy tính tiền không còn dừng ở con số hàng trăm, mà là hàng triệu đồng.

Tuấn cười: “Thật lạ, khi đó em không còn chặc lưỡi tiếc nuối mà ngược lại thấy rất sung sướng khi ngồi cùng và được đối xử ngang hàng với những người lái BMW, Audi, Mercedes... Những người mà ngoài xã hội ở vị thế cao hơn hẳn khiến việc phải bỏ ra tới 7 triệu đồng chỉ để đổi lấy hai giờ vui chơi cùng “em út” và ba chai rượu không còn là vấn đề nữa”.

.......................................................................................................................................

Ý kiến bạn đọc

* Một thói ăn chơi thật "khủng" của các "đại gia" tuổi teen. Điều gì đã đưa họ đi xuống con dốc cuộc đời quá sâu như thế? Tôi cảm thấy chạnh lòng khi buộc phải nghĩ rằng có lẽ nào những người cha, người mẹ vất vả kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền để chăm lo cho cuộc sống của con cái, những mong chúng sẽ nên người, nhưng thật đáng tiếc!

Chính sự lao vào kiếm tiền đó, và chính những món tiền lớn lao mà cha mẹ mang về cho con lại vô tình đưa con vào chỗ "nguy kịch" nhất của cuộc đời.

Không phải cứ cho con thật nhiều tiền thì mới là yêu thương con, chăm lo cho con cần phải nhìn thấy được những bước chúng đi. Những ông bố, bà mẹ nên chăng cần bớt chút thời gian làm ăn để sống thật sự với những đứa con của mình. Đôi khi chúng cũng chỉ muốn nhận được một sự quan tâm giản đơn đúng mực mà thôi.

* Đừng đổ cho mặt trái của cơ chế thị trường. Con của các nhà tư bản chân chính đều được học hành nghiêm chỉnh để có năng lực giữ và phát triển gia sản của cha ông. Người ta biết được giá trị đồng tiền do ông cha tích lũy. Còn các cậu ấm của ta chỉ lo chơi.

Nhà nước cần quản lý mạnh hơn các cơ sở ăn chơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử độc hại. Phải quy định tuổi được vào, giờ giấc mở cửa, nơi nào được mở.

* Vũ trường đã không còn xa lạ với giới trẻ, đặc biệt là những "cậu ấm, cô chiêu". Thế nhưng một số người đã lầm tưởng rằng đó là thế giới của tầng lớp thượng lưu. Bằng chứng là có những bạn sinh viên thậm chí là học sinh cũng đã "thử" để có cảm giác say cùng điệu nhạc. Đơn giản là do nhiều bạn trẻ nghĩ rằng đó là một nơi để giảm stress, để thể hiện mình. Chính vì thế những bậc phụ huynh hãy quan tâm, chia sẻ với con mình nhiều hơn để không phải hối hận.

* Tôi là một độc giả thế hệ 8X, đọc xong bài báo cảm giác đầu tiên của tôi là buồn. Tôi là một nhân viên văn phòng, lương 6 triệu đồng một tháng, với mức sống bình thường thì có vẻ thoải mái.

Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng vào vũ trường vui chơi với bạn bè để xả stress, chúng tôi cũng mua rượu để uống nhưng phải vài lần mới hết chai rượu và hóa đơn mỗi lần tính không trên 400.000 cho 3 người, vậy mà đôi khi tôi chạnh lòng nghĩ số tiền đó có thể giúp gia đình nghèo khổ sống được cả tháng.

Thế mà một bộ phận thanh niên thế hệ tôi trở xuống lại xài tiền một cách chóng mặt như thế, lại còn chơi ma túy, sự ăn chơi đua đòi đó khiến cho cả một thế hệ sau băng hoại vì họ không thể cống hiến sức lực cho xã hội mà còn gây ra biết bao hệ lụy đi kèm.

Theo tôi việc họ ăn chơi như thế có những lý do sau đây: Gia đình không hạnh phúc, cha mẹ mải mê lo kiếm tiền không quan tâm đến con cái; Tâm lí ham chơi của tuổi trẻ, không lo học hành, đàn đúm bạn bè, khám phá những điều xấu mà họ lại nghĩ là tốt; Tính hiếu thắng cộng với vật chất thừa mứa, dễ sinh tâm lí chứng tỏ bản thân không cần biết đúng sai...

Và có một điều quan trọng nhất theo tôi là họ chưa từng làm ra tiền nên không biết được kiếm tiền khó khăn như thế nào. Nếu có biện pháp xử lý, tôi nghĩ các bậc cha mẹ không cho họ tiền nữa, đưa họ ra đường tự kiếm ăn, xem họ còn khả năng đua đòi ăn chơi không?

* Lúc đầu khi chưa biết vũ trường là gì, tôi và một vài người bạn có thử vào một vũ trường thuộc hạng trung ở Biên Hòa. Và cảm giác sau khi đi xong là "phung phí". Một lon "ken" giá 50.000, một dĩa trái cây cóc ổi xoài giá 120.000...

Nhưng cái đáng nói chính là tâm lý đua đòi a dua của những người trẻ có mặt tại vũ trường. Họ không bao giờ uống bia (vì bia là rẻ nhất - chỉ có dân nghèo mới uống bia) mà gọi những chai rượu ngoại đắt tiền và xem đó như là một cách để khẳng định mình. Chưa kể đội ngũ tiếp viên váy ngắn chân dài luôn sẵn sàng tiếp bia rượu cho bạn, và sẵn sàng những chuyện gì nữa thì chỉ có trời biết.

Tổng "thiệt hại" hôm đó của chúng tôi là gần 600.000 uống bia và ăn dĩa trái cây nhạt nhẽo. Nếu bạn thật sự chưa biết bar hay vũ trường là gì thì cũng nên đi cho biết (lưu ý là bóp tiền cũng phải dày dày một chút), đi xong rồi "chừa". Bởi với cùng số tiền đó, bạn có thể có những lựa chọn vui chơi khác lành mạnh và đỡ tốn kém hơn nhiều!

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.

SƠN BÌNH - PHI LONG - CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên