15/07/2014 19:33 GMT+7

Đột phá công nghệ màn hình: uốn dẻo, Nanopixel

PHONG VÂN
PHONG VÂN

TTO - Sự phổ biến của giấy điện tử không còn xa khi LG vừa giới thiệu loại màn hình OLED uốn dẻo 18-inch.

Trong khi đó, nanopixel là một nghiên cứu mang tính đột phá về hiển thị từ các nhà nghiên cứu Anh quốc.

QMRgZIuA.jpg
Màn hình OLED uốn dẻo vừa được LG giới thiệu - Ảnh: ExtremeTech

Năm 2012, màn hình mực điện tử (e-ink) uốn dẻo ra mắt. Một năm sau đó, màn hình OLED uốn dẻo bắt đầu có mặt trên các dòng thiết bị như smartphone LG G Flex hay tivi màn hình cong. Và giờ đây, LG bắt đầu sản xuất màn hình OLED 18-inch có thể cuộn lại thành một hình trụ với bán kính chỉ tầm 3cm (1,2-inch).

Theo LG, công ty dự kiến kết hợp giữa các mẫu thử nghiệm hiện tại và tạo ra một màn hình trong suốt và uốn dẻo linh hoạt có kích cỡ lớn 60-inch đạt chuẩn 4K (UHD, 3840×2160 pixel) vào năm 2017. Đây là "hồi chuông báo tử" cho loại giấy in hiện nay, và thể hiện mục tiêu chiếm lĩnh thị trường màn hình hiển thị trong tương lai của LG.

LG không công bố nhiều về công nghệ phía sau loại màn hình OLED 18-inch uốn dẻo. Nó có độ phân giải 1280 x 810 pixel. Giới công nghệ cho rằng LG đã dùng loại vật liệu polyimide dùng phổ biến trong công nghiệp điện tử hiện nay làm bảng mạch nối màn hình hiển thị. Polyimide bền và dẻo, bạn có thể bắt gặp loại vật liệu này ở các dải kết nối màn hình laptop với bo mạch chủ (motherboard).

xkWOkL9D.jpg
Màn hình hiển thị trong suốt, uốn dẻo của LG- Ảnh: ExtremeTech

LG cho biết đã đạt được mức "bán kính cong tối đa" cho loại màn hình uốn dẻo này, vì polyimide cho phép một bảng nối đa năng mỏng hơn nhiều (và theo đó linh hoạt hơn) so với "nhựa thông thường". Ngoài ra, LG cho biết đã dùng công nghệ "thiết kế điểm ảnh trong suốt" nhưng không cho biết thêm chi tiết. Tuy nhiên, về cơ bản, các điểm ảnh (pixel) OLED nếu được dựng trên một bề mặt trong suốt, nó cũng tự nhiên trong suốt.

Nanopixel: tăng độ phân giải gấp 150 lần

Bên cạnh màn hình OLED uốn dẻo 18-inch, một đột phá mới trong tuần qua là nanopixel (tạm gọi điểm ảnh siêu nhỏ). Các nhà nghiên cứu tại ĐH Oxford và ĐH Exeter tại Anh đã tạo ra những nanopixel với kích cỡ 300x300 nanometer (nm). So với một smartphone cao cấp hiện nay như Galaxy S5 hay HTC One M8 có màn hình hiển thị mật độ điểm ảnh 400 ppi (tức 400 điểm ảnh trên một inch, hoặc mỗi điểm ảnh/0,06 milimet), theo đó, mỗi điểm ảnh (pixel) lớn hơn khoảng 150 lần (khoảng 50 micron) so với nanopixel.

Một màn hình hiển thị độ phân giải Full-HD 1920 x 1080 có tổng cộng 2,07 triệu điểm ảnh. Trong khi đó, Nanopixel tăng 150 lần, tương đương màn hình hiển thị có tổng cộng 311 triệu điểm ảnh.

Màn hình nanopixel ít tốn điện năng, mỏng và uốn dẻo. Nanopixel có thể dùng trong các màn hình độ phản giải rất cao, với hàng tỉ điểm ảnh. Tuy nhiên, hiện chưa thể có loại CPU hay card đồ họa (GPU) kham nổi độ phân giải màn hình 198.000 x 120.000.

PHONG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên