Bệnh nhân đăng ký khám bệnh tại BV Y học cổ truyền TP.HCM - Ảnh: L.TH.Hà |
Ông Đinh Công Bảy - Ảnh: Hữu Khoa |
Để hiểu thêm sự việc, chúng tôi đã trao đổi với lương y Đinh Công Bảy, tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM.
* Thưa ông, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực y học, nhiều phương pháp chẩn đoán mới, nhiều loại thuốc mới và nhiều phương pháp điều trị hiện đại ra đời thì việc điều trị bằng đông y có còn nhiều ý nghĩa nữa không?
- Y học hiện đại ngày nay đang phát triển như vũ bão. Tuy nhiên còn khá nhiều điều mà y học hiện đại vẫn chưa thể giải quyết được như việc điều trị các bệnh mãn tính, nâng cao thể trạng và hệ miễn dịch của cơ thể, điều trị các rối loạn về chức năng, điều trị các rối loạn về nội tiết cho những người mãn dục cả nam và nữ, điều trị nâng đỡ cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo... và còn nhiều vấn đề lắm tây y chưa thể giải quyết hết mà rất cần vai trò của đông y.
Nhiều người nghĩ rất đơn giản đông y chỉ là dùng thuốc, nhưng không phải vậy đâu. Đông y bao gồm rất nhiều lĩnh vực như dưỡng sinh, võ đông y, bấm huyệt, châm cứu, thiền, yoga, món ăn vị thuốc... Mỗi loại được áp dụng cho một loại bệnh khác nhau nhưng thường là nên phối hợp nhiều phương pháp cho một loại bệnh để nâng cao hiệu quả điều trị.
* Một số người cho rằng: hiện nay thực phẩm chức năng là một loại thuốc đông y vì nó được chiết xuất từ thảo mộc và các chất hữu cơ. Vậy theo ông, nên hiểu vấn đề này như thế nào?
- Đúng là hiện nay đang có trào lưu người người sử dụng thực phẩm chức năng, nhà nhà sử dụng thực phẩm chức năng. Ngay trên nước Mỹ có tới 14.000 loại thực phẩm chức năng đang lưu hành. Người ta mua loại này như một loại hàng hóa đơn thuần.
Nhưng theo tôi, phải nói là thực phẩm bổ sung mới đúng vì nó bổ sung những chất mà cơ thể thiếu hoặc có nguy cơ thiếu hụt trong sự phát triển. Sử dụng nó cũng tốt thôi nhưng không nên thần thánh hóa, thực phẩm chức năng chỉ có thể giúp cơ thể phòng một số bệnh và nâng cao sức đề kháng giúp cơ thể mau lành bệnh.
Thật sự cho đến ngày hôm nay thì việc sử dụng thực phẩm bổ sung không phải là điều trị đông y.
* Trở lại nội dung chính của buổi trao đổi. Tôi xin hỏi ông đánh giá thế nào về việc kết hợp đông và tây y hiện nay trong cả hai lĩnh vực chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh?
- Thật ra tuy có kết hợp nhưng rất lỏng lẻo. Chủ yếu là các thầy thuốc đông y thường khuyên bệnh nhân của mình đến khám và điều trị thêm về tây y. Còn vế ngược lại thì rất hiếm thầy thuốc tây y khuyên bệnh nhân của mình đi khám và điều trị thêm về đông y mà phần lớn là bệnh nhân thường tự đi sau khi điều trị tây y thất bại hoặc khi bị bệnh hiểm nghèo.
Trong chương trình đào tạo cũng vậy, các thầy thuốc y học cổ truyền thường được trang bị khá nhiều kiến thức về tây y, trong khi thầy thuốc tây y lại chưa tường tận về chuyện này. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong chương trình học của thầy thuốc tây y suốt 6 năm chỉ có khoảng 2 tuần cưỡi ngựa xem hoa ở khoa y học cổ truyền mà thôi.
Muốn chữa trị hoàn hảo, nhất là với những bệnh mãn tính và nan y nên phối hợp nhịp nhàng giữa đông y và tây y, các thầy thuốc của cả hai trường phái nên trao đổi thẳng thắn và có những cuộc hội chẩn về chuyên môn với nhau mới hi vọng có được những đột phá chứ không thể chỉ là lý thuyết suông như hiện nay.
Ngò om trị được sỏi thận? * Tôi 56 tuổi và bị bệnh sỏi thận 5 năm nay. Mỗi lần đi tiểu tôi thấy bị buốt, gắt và thi thoảng có máu khi tiểu gần xong. Tôi còn hay bị đi tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần nên cảm thấy bất tiện mỗi khi đi chơi xa. Tôi đã uống thuốc theo toa của bác sĩ nhưng chỉ đỡ được một thời gian rồi sỏi thận tái phát. Gần đây có người chỉ tôi mua cây ngò om về nấu nước uống sẽ hết sỏi thận. Tôi không biết thực hư thế nào. * Bác sĩ CK1 Hà Tường Phong (Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM): - Ngò om vừa là thực phẩm vừa là thuốc nam. Theo sách của GS Đỗ Tất Lợi, ngò om có thành phần gồm flavonoit, tanin, nước, protein, glucid, vitamin B, C nồng độ nhỏ. Ngò om có tác dụng lợi tiểu, giãn mạch, giãn cơ, kháng viêm. Nhờ tác dụng lợi tiểu của nó mà bệnh nhân khi uống nước ngò om có thể đi tiểu ra những viên sỏi nhỏ hơn kích thước đường tiểu của mình. Một số nghiên cứu về cây ngò om cho thấy ngò om có một số tác dụng như chống oxy hóa, chữa rối loạn mạch máu, ức chế tế bào ung thư, kháng viêm, giãn mạch giãn cơ. Một nghiên cứu năm 2005 của bác sĩ Huỳnh Thanh Hải và Nguyễn Trúc Giang (Bệnh viện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) trên 14 bệnh nhân thì thấy ngò om có tác dụng bào mòn sỏi thận. Tuy nhiên, nghiên cứu này không nói 14 bệnh nhân này có kích thước sỏi như thế nào. Do vậy, để khẳng định cây ngò om có thể chữa sỏi thận hay không thì cần phải có những tài liệu chứng minh nhiều hơn. Thân ngò om có nhiều lông và cây mọc trong môi trường nước nên có thể bị ô nhiễm, nếu người bệnh nóng lòng và sử dụng số lượng nhiều trong thời gian dài có thể bị ngộ độc. Do vậy bệnh nhân nên cẩn thận khi sử dụng. Nếu như dùng ngò om hỗ trợ điều trị trong một tuần mà triệu chứng chưa cải thiện thì nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa thận niệu để được siêu âm chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp, tránh bỏ qua thời gian vàng để điều trị sỏi thận. Để tránh sỏi thận tái phát, bệnh nhân phải uống trên hai lít nước mỗi ngày, hạn chế ăn thực phẩm có nhiều đạm như thịt đỏ, nội tạng động vật, thực phẩm giàu canxi như phômai, hải sản. Nếu bệnh nhân muốn điều trị sỏi thận bằng phương pháp y học cổ truyền thì tùy theo nguyên nhân bệnh, mhiều bệnh viện y học cổ truyền sẽ có những bài thuốc điều trị hiệu quả. LÊ THANH HÀ ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận