23/09/2022 11:53 GMT+7

Đồng tiền Việt Nam thuộc nhóm mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới

L.THANH
L.THANH

TTO - Đó là khẳng định của ông Phạm Chí Quang, phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước - tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3 được tổ chức sáng 23-9.

Đồng tiền Việt Nam thuộc nhóm mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới - Ảnh 1.

Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định tiếp tục điều hành tỉ giá theo hướng linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỉ giá - Ảnh: SBV

Trao đổi với báo chí, ông Quang cho biết trong 9 tháng đầu năm, đồng Việt Nam mất giá khoảng 4% so với đồng USD, thấp hơn rất nhiều so với các đồng tiền của nhiều nước khác.

Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng 0,75% lãi suất điều hành vào ngày 21-9, rất nhiều quốc gia đã đồng loạt tăng lãi suất. So với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD gồm USD Đài Loan mất giá 13,5%, đồng JPY Nhật Bản mất giá tới hơn 25%, đồng tiền Philippines mất giá 13,65%; đồng Euro giảm 13,49%...

"Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới, khoảng gần 4%" - ông Quang nhấn mạnh.

Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, đồng loạt ngân hàng trung ương của các nước như Thái Lan, Na Uy, Indonesia… cũng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Chia sẻ thêm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết việc điều hành tỉ giá trong điều kiện đồng USD lên giá rất cao. Hàng loạt các nước trên thế giới tăng lãi suất điều hành đã và đang tác động đến tỉ giá của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất tiền gửi từ một tháng đến dưới sáu tháng tăng 1%, lên 5%/năm kể từ hôm nay.

"Về điều hành tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục điều hành theo hướng linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỉ giá, đảm bảo cung ứng ngoại tệ hợp lý, hợp pháp cho các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu sử dụng ngoại tệ" - ông Tú khẳng định.

Cũng theo ông Tú, nhiệm vụ số 1 của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới trong điều hành chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế.

Bên cạnh đó hệ thống ngân hàng tiếp tục tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp để nhanh chóng khôi phục nền kinh tế sau dịch COVID-19, qua đó góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Quốc hội đặt ra là 6,5% cho cả năm nay.

Liệu chính sách tăng trần lãi suất tiền gửi có khiến lãi suất cho vay tăng? Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng tiếp tục điều hành mặt bằng lãi suất ổn định. Riêng với lãi suất cho vay, ông Tú thông tin cho biết điều hành lãi suất đảm bảo phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong, ngoài nước.

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn.

"Chúng tôi cũng kêu gọi các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng. Điều này đã được các ngân hàng thực hiện rất tốt trong 2 năm qua với số tiền giảm lãi là 25.000 tỉ đồng" - ông Tú nói.

Còn hạn mức tín dụng cả năm tiếp tục giữ 14%, đến nay đã tăng trưởng trên 10%.

Nâng trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng lên 5%/năm từ ngày mai, 23-9 Nâng trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng lên 5%/năm từ ngày mai, 23-9

TTO - Cuối ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông tin quan trọng: Trần lãi suất tiền gửi từ một tháng đến dưới sáu tháng tăng 1%, lên 5%/năm từ ngày mai, 23-9. Ngân hàng Nhà nước cũng tăng hàng loạt lãi suất điều hành.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên