Tám người con ngồi đó, mái tóc đã bạc quá nửa, gương mặt đăm chiêu theo dõi phiên tòa tranh chấp thừa kế, thi thoảng khóe môi khẽ nhếch lên hé ra nụ cười nửa miệng khi nghe lời khai từ "phía bên kia".
Tôi thấy rất xấu hổ khi đứng trong phiên tòa này. Gia đình nhỏ này lúc nào cũng muốn giành cái nhà bằng mọi cách, nhưng cha mẹ khi già bệnh thì không thấy ai... Tôi nói để mọi người cân đo đồng tiền mình nhận to nhỏ thế nào
Bà CÚC (con gái cụ Kiết)
Gia đình tan thành hai nửa
Phòng xử số 4 TAND TP.HCM chỉ tầm 30m2, lối đi ở giữa hai hàng ghế như vách ngăn tự nhiên giữa "bên này" với "bên kia", không ai nói với ai điều gì, chỉ đến khi hội đồng xét xử vào phòng xử án họ mới rục rịch đứng dậy.
Câu chuyện dần dần hiện ra qua lời khai của những người trong cuộc: cụ ông Nguyễn Quốc Kiết có 4 người vợ, thế nhưng trong đó chỉ cụ bà Võ Thị Thảo (vợ thứ 2) và cụ Võ Thị Hường (vợ sau cùng) mới thường xuyên được nhắc đến trong cuộc tranh giành gia tài của các con cụ.
Người vợ đầu tiên của cụ Kiết mất sớm, cụ Thảo là vợ thứ 2 sinh được 5 người con là ông Thuận, bà Cúc, bà Hồng, ông Sang và bà Nhung. Năm 1948, cụ Kiết lên Sài Gòn làm ăn và thuê căn nhà thuộc P.Nguyễn Thái Bình (Q.1) để ở.
Trong thời gian chung sống với cụ Thảo, cụ Kiết thường xuyên đi làm ăn và có nhiều người vợ khác, trong đó có cụ Hường. Hơn 20 năm sau, cụ Kiết cũng đón cụ Hường và 2 người con chung là ông Tuấn và bà Tú về ở căn nhà trên.
Quá đau buồn, cụ Thảo đổ bệnh, bỏ đi lang thang, con cái của cụ cũng vì thế mà tứ tán khắp nơi.
Sau giải phóng, căn nhà được hóa giá và bán cho cụ Kiết và cụ Hường. Sau một thời gian, thấy mình tuổi già sức yếu, cụ Kiết viết một bản di chúc với nội dung "nhà này ba muốn giữ lại làm nhà thờ, các con không được quyền bán hoặc cho thuê...".
Sau đó 1 năm, cụ thay đổi di chúc, để lại toàn bộ căn nhà cho vợ là cụ Hường. Tuy nhiên năm 2006, cụ Hường mất. Vì cụ Hường mất trước cụ Kiết nên bản di chúc của cụ Kiết không có hiệu lực pháp luật.
Trước khi chết, cụ Hường cũng để lại một bản di chúc để lại phần sở hữu của mình trong căn nhà trên cho con trai ruột là ông Tuấn, ngoài ra không để lại di sản cho ai khác.
Bản di chúc của cụ Hường không chỉ khiến con cháu dòng lớn nổi sóng gió mà còn làm con gái ruột của cụ bất bình. Cơm không lành, canh không ngọt, họ dắt nhau ra tòa.
Ruột rà xa nhau
Giá trị căn nhà được chia làm đôi, phần di sản của cụ Hường được chia cho cụ Kiết (người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc) và ông Tuấn con trai cụ theo di chúc. Còn phần di sản của cụ Kiết được chia làm 9 phần gồm cụ Thảo và 8 người con.
Chưa bằng lòng, họ kháng cáo.
Phiên tòa phúc thẩm bắt đầu chưa được bao lâu đã nóng ran vì tiếng cãi vã. Một trong những lý do khiến hai dòng con tranh cãi kịch liệt là giấy tờ của cụ Thảo.
Trong giấy khai sinh cho các con trước đây, tên cụ là Võ Thị Thao nhưng do sai sót khi đánh máy, CMND của cụ lại thành Võ Thị Thảo. Và sai sót này cũng khơi mào cuộc khẩu chiến kéo dài gần chục năm nay.
"Bản án sơ thẩm không thấy chứng minh bà Thảo với bà Thao là một người, không có chứng cứ nào bà Thảo là vợ của ông Kiết mà cho bà Thảo hưởng thừa kế từ ông Kiết" - người đàn bà ngoài 50 tuổi dáng người dong dỏng, mái tóc muối tiêu, cao giọng khẳng định lý do kháng cáo của mình.
"Trời, sao không phải là vợ, nói vậy cũng nghe được, con cái ngồi lù lù nguyên đám đây nè" - phía dưới, một người chị em cùng cha khác mẹ, liếc một cái sắc lẻm, bất bình.
Bỏ ngoài tai thái độ của chị, bà Tú tiếp tục: "Bà Thảo đã không sống chung với ba tui từ lâu nên bà Nhung không thể là con của ba tui".
Không còn máu mủ ruột rà, họ quyết loại nhau khỏi vòng thừa kế bằng bất cứ lý lẽ nào có được.
"Tôi không hiểu vì sao chị lại cứ nói tôi không phải là con của ông Kiết. Bà Hường mẹ chị đi làm giấy khai sinh cho tôi, tôi sống với bà từ nhỏ, ăn chung, ngủ chung mà sao chị nói tôi không phải con của ba tôi, hay vì đồng tiền mà chị nói như vậy, tôi không biết chị có bị thần kinh không" - bà Nhung đứng phắt dậy, mắng.
"Bà Tú, bà có cần xem những hình ảnh mẹ tôi chụp khi cùng sống với gia đình của ông nội từ trước tới giờ không, bà Nhung có phải là con của ba không thì bà phải biết chứ. Hồi trước tới giờ bà sống ở đâu mà bà không biết" - bà Cúc, chị hai dòng lớn, hỏi xéo xắt.
Đáp lại câu hỏi đầy mỉa mai của chị, bà Tú vẫn khăng khăng: "Bà Thảo không phải vợ của ba tui, không có chứng cứ gì xác định là vợ của ông Kiết". Phía bên dưới, các anh chị em lại được dịp nhao nhao lên "nói bậy", "bậy hết sức".
Những nụ cười khinh miệt, những câu nói mỉa mai, dè bỉu nhau liên tục tuôn ra, khắc sâu thêm sự xa lạ, hờ hững của những người trong cuộc.
Máu đào thua... nước lã
Phiên tòa đã về trưa nhưng không ai chịu nhường ai. Như để kết lại cuộc khẩu chiến giữa các em, bà Cúc xin tòa được nói.
"9 năm rồi, việc bà Thảo hay bà Thao, mối quan hệ giữa bà Thảo và ông Kiết đã được chứng minh nhiều lắm rồi. Thật sự tôi rất buồn, các em tôi chỉ vì đồng tiền, vì chia chác mà anh em không nhìn mặt nhau" - bà Cúc thở dài thườn thượt.
"Tôi thấy rất xấu hổ khi đứng trong phiên tòa này. Gia đình nhỏ này lúc nào cũng muốn giành cái nhà bằng mọi cách, nhưng cha mẹ khi già bệnh thì không thấy ai... Tôi nói để mọi người cân đo đồng tiền mình nhận to nhỏ thế nào".
Cả phòng xử lặng im.
Song không được bao lâu thì câu chuyện về giấy khai sinh, về cụ Thảo, bà Nhung, về bản di chúc lại tiếp diễn. Bên khẳng định cứ khẳng định, bên chối bỏ vẫn chối bỏ, những lời nói sát thương vẫn liên tục tuôn ra...
Tòa phúc thẩm tuyên chia căn nhà như án sơ thẩm cho 9 người. Bà Tú khua tay, bĩu môi "di chúc đó mà đúng, Thao mà là Thảo..." rồi bỏ ra ngoài khi chủ tọa chưa kịp đọc xong bản án.
Sau phiên tòa, ông Tuấn tần ngần lại nói nhỏ với chị: "Bà là nguyên đơn thì giờ bà làm đơn thi hành án luôn đi. Con Tú nói sẽ kháng cáo giám đốc thẩm đó".
"Thích thì cứ kháng đi, xới - bà Hồng nguýt dài, chép miệng ngao ngán - Từ khi tôi đâm đơn kiện đến nay, mấy người đó nói nhà 5 đứa chỉ còn 4 đứa. Nói ra thì buồn chứ mang tiếng anh em ruột nhưng chẳng thương yêu nhau, còn thua cả người ngoài…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận