26/07/2011 07:37 GMT+7

Đồng Tháp: sẽ công nhận giấy khai sinh mới

NGUYỄN THANH XUÂN (Phòng tư pháp huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)
NGUYỄN THANH XUÂN (Phòng tư pháp huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)

TT - Báo Tuổi Trẻ ngày 19-7-2011 có bài viết “Mất việc vì mượn khai sinh đi học”, nêu trường hợp anh Võ Văn Điền, ngày còn bé được cha mẹ anh mượn khai sinh của người khác để cho anh đi học, nên bằng tốt nghiệp và giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu của anh mang hai tên khác nhau.

Sau khi anh Điền đến Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre xin điều chỉnh hộ tịch không được, báo Đồng Khởi, nơi anh công tác, đã cắt hợp đồng với anh.

Chúng tôi xin giới thiệu một trường hợp tương tự anh Điền ở tỉnh Đồng Tháp nhưng đã được nơi đây giải quyết tốt đẹp.

Việc mượn giấy khai sinh của người khác để đi học không phải là chuyện hiếm thấy. Hiện nay pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn giải quyết việc mượn giấy khai sinh như thế nào, chỉ có quy định khi cá nhân mượn giấy khai sinh của người khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 200.000-500.000 đồng (điểm c, khoản 3, điều 10 nghị định 60/2009/NĐ-CP).

Do không quy định cụ thể nên các cơ quan có thẩm quyền lúng túng trong việc xử lý các trường hợp mượn giấy khai sinh.

Tuy nhiên để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời có căn cứ cho các ngành có liên quan điều chỉnh các giấy tờ nhân thân, phòng tư pháp thường tham mưu UBND cùng cấp ban hành quyết định giữ nguyên giấy khai sinh đã mượn và trả lại người cho mượn. Đồng thời công nhận giấy khai sinh mới được đăng ký quá hạn hoặc giấy khai sinh đã đăng ký hợp lệ trước đây của chính người mượn.

Ở tỉnh Đồng Tháp, ngày 2-7-2010 Sở Tư pháp đã có công văn hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch gửi các phòng tư pháp hướng dẫn giải quyết các trường hợp mượn khai sinh theo cách như trên.

Xin nêu một trường hợp cụ thể là chị Phan Thị Kim Dung, sinh ngày 8-12-1973 (xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Gia đình chị Dung đã lấy giấy khai sinh của chị ruột chị Dung mang tên Phan Thị Thu Vân, sinh ngày 31-12-1969, để cho chị Dung đi học từ năm 1976. Sau đó chị Vân nghỉ học, còn chị Dung học tiếp đến năm 2005, tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Đồng Tháp và trở thành cô giáo mầm non ở Trường mẫu giáo xã Tân Phước.

Trước đó năm 1984, cha của chị Dung đã đăng ký khai sinh cho chị với tên thật là Phan Thị Kim Dung, chứng minh nhân dân cùng hộ khẩu đều mang tên này. Trong khi hồ sơ học tập, bằng cấp tốt nghiệp cùng các giấy tờ liên quan khác như quyết định tuyển dụng, nâng lương... đều mang tên Phan Thị Thu Vân. Năm 2009, khi nhà trường thực hiện hồ sơ thuế thu nhập cá nhân cho giáo viên thì phát hiện điều này.

Nhận được hồ sơ yêu cầu chỉnh sửa của chị Dung, Sở Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn chị về Phòng tư pháp huyện Lai Vung để được giải quyết. Sau khi kiểm tra, xác minh, phòng tư pháp đã tham mưu UBND huyện ban hành quyết định cho phép chị Dung thay đổi họ tên trong giấy tờ học tập. Tiếp đó, Sở GD-ĐT, Trường đại học Sư phạm Đồng Tháp đã ra quyết định điều chỉnh các văn bằng tốt nghiệp cho chị Kim Dung để thống nhất với các giấy tờ nhân thân khác.

Một trường hợp nữa là em T.A.T. (xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), sinh ngày 30-3-1993. Muốn cho T. được đi học sớm nên cha của T. mượn khai sinh của người cháu là T.V.K., sinh năm 1989, cho T. làm thủ tục nhập học. Tháng 3-2010 khi T. chuẩn bị thi tốt nghiệp, hồ sơ học tập của T. đều mang tên K. nhưng hộ khẩu gia đình và chứng minh nhân dân lại mang tên của bản thân T..

Nhà trường đã yêu cầu gia đình T. phải chỉnh sửa các hồ sơ cho thống nhất thì T. mới có thể tiếp tục chương trình học. Sau khi Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp có văn bản hướng dẫn, trường hợp mượn khai sinh của T. được giải quyết. Tuy nhiên theo Luật giáo dục, do T. không đủ tuổi nên đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 T. mới được thi.

NGUYỄN THANH XUÂN (Phòng tư pháp huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên