Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: TỐNG DOANH
Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp - cho biết đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 đề ra 24 chỉ tiêu xây dựng chính quyền số, 14 chỉ tiêu kinh tế số và 10 chỉ tiêu xã hội số.
Đề án đặc biệt ưu tiên quan tâm ba lĩnh vực y tế, giáo dục và nông nghiệp. Trong nông nghiệp sẽ thí điểm nhân rộng mô hình làng thông minh, số hóa dữ liệu và tự động hóa quy trình sản xuất, quảng bá sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực y tế xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử... Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin ngành giáo dục kết nối dữ liệu dùng chung của bộ, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 3.081 tỉ đồng và chọn ngày 10-10 làm ngày chuyển đổi số của tỉnh.
Ông Nguyễn Phước Thiện - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết giai đoạn đầu ngành nông nghiệp sẽ triển khai ở ba lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y và thủy sản; thủy lợi.
"Đặc biệt, chú trọng các khâu quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi cá tra, quản lý cơ sở đóng gói, ghi nhật ký canh tác, ghi nhận thông tin thủy lợi trên điện thoại", ông Thiện nói.
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thúy Hà - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp - cho biết dự toán kinh phí thực hiện đề án trong lĩnh vực giáo dục hơn 147 tỉ đồng.
"Mục tiêu đến năm 2030 đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số, trong đó tích hợp kho học số hỗ trợ 100% người học và giáo viên, kết nối 100% thông suốt toàn ngành liên thông với trung tâm giám sát điều hành thông minh của tỉnh", bà Hà nói.
Kết luận tại hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết tỉnh chọn ngày 10-10 là ngày chuyển đổi số, kỳ vọng đề án chuyển đổi số mở ra sự phát triển của vùng đất sen hồng trong tương lai.
Đây là hệ thống nền tảng cốt lõi tiên tiến và kiểu mẫu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận