Hương Giang ký sự (kỳ 3)
"Dòng sông hoàng gia”
![]() |
Ảnh: Trương Vững |
Kỳ 2: Huyền thoại giữa rừng già Kỳ 1: Nơi khai sinh dòng sông
Chiếc đò rừng được thay thế bằng một chiếc đò lớn hơn, có mái che, phù hợp cho việc xuôi ngược trên dòng sông thơ mộng uốn lượn quanh các đền đài, lăng tẩm.
Chứng nhân của các triều đại
Nhiều nhà nghiên cứu từng gọi sông Hương là “dòng sông lịch sử”, bởi đã có không ít biến cố, sự kiện của đất nước gắn liền với dòng sông này.
Một trong những sự kiện quan trọng hàng đầu đối với sông Hương là vào năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Thiên Mụ trên gò Hà Khê, đánh dấu cho việc xây dựng một đô thị gắn với dòng sông này.
Kể từ đó đến hết thời các triều đại nhà Nguyễn, sông Hương luôn gắn liền với đô thị trung tâm của xứ Đàng Trong. Hầu hết công trình kiến trúc lớn, đồ sộ như kinh thành, cung điện, phủ đệ đến các lăng tẩm… của hoàng tộc nhà Nguyễn đều nằm kề bên bờ sông Hương.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chính thức kết thúc triều đình phong kiến nhà Nguyễn, Bảo Đại - ông vua cuối cùng triều Nguyễn - thoái vị cũng bên bờ sông Hương vào ngày 30-8-1945.
Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịpEm qua không kịp tội lắm anh ơiMấy lâu ni mang tiếng chịu lờiCó xa nhau chăng nữa cũng tại ông trời mà ra.
Bất chợt giọng hò mái đẩy đặc trưng của cô gái Huế chèo đò đã làm chúng tôi chậm lại cuộc xuôi dòng. Bích Thủy, tên cô gái chèo đò nhà ở bên kia thôn Vỹ Dạ, từng học hết năm 3 khoa lịch sử ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhưng vì hoàn cảnh riêng nên Thủy phải dở dang việc học, về phụ việc ở tiệm may của gia đình, những lúc rảnh rỗi cô thường phụ cha đưa đò cho khách xuôi ngược sông Hương.
![]() |
Phủ đệ của Tuy Lý Vương ở Vỹ Dạ - Ảnh: Thái Lộc |
Chúng tôi theo Thủy qua cửa Thượng Tứ vào kinh thành. Ghé vào khu vực sông Ngự Hà, một chi lưu của sông Hương nằm trong kinh thành ngày trước. Câu chuyện về những chiếc thuyền chạy bằng hơi nước đầu tiên của VN dưới triều Minh Mạng được chế tạo thành công và chạy thử tại đây đến nay vẫn còn được nhiều người dân Huế kể lại.
Đó là khi vua Minh Mạng lên ngôi, cả nước có mấy chiếc tàu chạy bằng hơi nước của vua Gia Long mua của Pháp từ thời còn tranh hùng với nhà Tây Sơn để lại, nhưng kỹ thuật điều khiển tàu lại phụ thuộc hoàn toàn vào lái tàu và thợ máy Pháp.
Vua Minh Mạng đã khuyến khích các công tượng VN phải nắm được kỹ thuật, máy móc để bắt chước chế tạo một chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên. Năm 1839, với tài điều khiển của thợ rèn làng Hiền Lương tên là Huỳnh Văn Lịch, chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của VN đã được chế tạo và chạy thử thành công trên dòng Ngự Hà thuộc sông Hương.
Những phủ đệ ven sông
Chúng tôi ghé thăm những phủ đệ của hoàng tộc nhà Nguyễn ven “dòng sông hoàng gia”. Nhiều người dân xứ Huế bảo rằng đã nói đến sông Hương gắn liền với hoàng gia ngày trước thì không thể không ghé thăm các phủ đệ.
Những phủ đệ của ông hoàng, bà chúa nhà Nguyễn tồn tại theo thời gian như là những chứng nhân cho một thời kỳ vàng son của dòng họ hoàng tộc này bên dòng Hương Giang.
Phủ đệ vốn là nơi ở của các ông hoàng, bà chúa cùng với gia đình, người thân nên thường là hình ảnh thu nhỏ của các cung điện và cuộc sống hoàng gia. Theo lệ triều Nguyễn, cứ đến tuổi 18-20, các hoàng tử công chúa phải rời Tử Cấm thành ra ở tại phủ riêng.
![]() |
Bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Hồng Dinh, cháu ông hoàng Tùng Thiện Vương, bên phủ đệ im lìm của ông hoàng này - Ảnh: Thái Lộc |
Có phủ đệ bị cắt xén trong cơn sốt đất, có nơi bị lấn chiếm mặt bằng sử dụng vào việc khác. Nhiều người trong hoàng tộc nhà Nguyễn đã không khỏi xót xa khi nhìn các phủ đệ vang bóng một thời của dòng họ mình đang xuống cấp theo năm tháng.
Ghé vào bờ sông An Cựu, con sông đào nối với sông Hương, thăm phủ đệ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng. Phủ đệ ẩn mình im lìm, các gian đều cửa đóng, then cài.
Chỉ có bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Hồng Dinh, người cháu của Tùng Thiện Vương, ở gian nhà bên trông coi phủ đệ. Mái tóc người phụ nữ dòng dõi hoàng tộc này đã bạc, sức khỏe đã rất yếu, nói tiếng được, tiếng mất.
Bà chỉ im lặng, đôi mắt nhìn xa xôi về phía bờ sông trước phủ như hồi tưởng về dĩ vãng vàng son. Còn phủ Tuy Lý Vương Miên Trinh (con trai thứ 11 của vua Minh Mạng ở Vỹ Dạ) có phần được chăm chút hơn vì đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia.
Ở, trông coi phủ đệ là anh Nguyễn Phước Vĩnh Phú. Anh Phú đưa cho chúng tôi xem những mộc bản từ thời Tuy Lý Vương được lưu giữ trong tủ ở phủ và là niềm tự hào chung của con cháu trong dòng họ. Những mộc bản nhìn đã cũ, nhòe đi với thời gian.
Hằng ngày, sau thời gian dạy học, anh Phú cùng gia đình quán xuyến việc bảo quản, trông coi, thờ tự ở phủ đệ. Cũng như bao nhiêu người Huế, anh Phú nói mình rất yêu Huế, yêu sông Hương với những tình cảm thiêng liêng nhất.
Tự hào về dòng dõi hoàng tộc của mình, anh Phú nói anh luôn dạy con mình nhớ và tự hào về lịch sử dòng họ. “Nhớ không phải để luyến tiếc mà là để sống tốt hơn ở đời”, anh Phú nói vậy.
Vua Thiệu Trị đã từng làm bài thơ Thần kinh nhị thập cảnh (20 thắng cảnh của kinh đô), trong đó có nêu ít nhất bốn thắng cảnh liên quan trực tiếp đến sông Hương: cảnh đầu nguồn Tả Trạch, Hữu Trạch; cảnh Quốc Tử Giám bên bờ bắc sông Hương; cảnh chùa Thiên Mụ bên bờ sông Hương; cảnh cửa biển Thuận An - nơi sông Hương đổ ra biển. Bài thơ này được khắc vào bia đá năm 1843 và dựng bên phải Phú Văn Lâu vẫn còn đến ngày nay. |
oOo
Đó là một ngôi làng ven sông Hương với những vườn cây ăn trái trĩu quả. Ngày trước, ngôi làng từng nổi tiếng có nhiều người con gái đẹp được các vua nhà Nguyễn tuyển chọn vào cung. Vẻ đẹp nhất của họ là nét dễ thương, dịu dàng và tấm lòng chung thủy, sắt son trong tình yêu.
------------------
* Kỳ tới: Ngôi làng “tuyệt mỹ giai nhân”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận