12/02/2017 15:18 GMT+7

Đóng sách: chạm tay đến nghệ thuật công phu

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Buổi nói chuyện về Nghệ thuật đóng sách của chuyên gia, nhà sưu tập Dư Thanh Khiêm tại Đường sách TP.HCM sáng 12-2 thu hút rất đông công chúng muốn tìm hiểu một nghệ thuật công phu dường như đã mai một.

Ông Dư Thanh Khiêm (trái) đang giới thiệu quyển Kinh Thánh đầu tiên của Hà Lan đang trưng bày tại Đường sách TPHCM - Ảnh: L.Điền
Ông Dư Thanh Khiêm (trái) đang giới thiệu quyển Kinh Thánh đầu tiên của Hà Lan - Ảnh: L.Điền

Bắt đầu từ niềm đam mê sưu tập sách cổ khi định cư ở Bỉ, ông Dư Thanh Khiêm học đóng sách từ 6 năm qua, tại một học viện ở Bruxelles. Ông cho biết tại châu Âu, quan niệm đóng sách khác với phục chế sách.

Đóng sách (gồm cả làm bìa và kết các tay sách thành quyển) được hiểu là công việc như một nghệ thuật, có tác dụng làm đẹp, bền, tạo thêm giá trị cho quyển sách; còn phục chế sách là công việc khôi phục các bản sách cũ/ cổ bị hư hỏng, hoặc gia cố để bảo quản các bản sách quý đang trên đường hư hoại.

Ở châu Âu, nghệ thuật phục chế sách dạy chi tiết từng nội dung kỹ thuật, chẳng hạn như học phục chế da mất 7 năm, phục chế nhũ mạ: 6 năm. “Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay dường như không còn ai có kỹ thuật đóng sách như người châu Âu, và trong dân chúng còn có những kiểu bảo quản cầm bằng như phá sách”, ông Khiêm nhận định.

Ông Khiêm cũng dẫn chứng một trường hợp “phá sách” cụ thể, đó là một người chủ sách dùng băng keo dán các trang sách rách và cả bìa sách, “khiến tôi phải mất hai ngày mới lột hết các băng keo và phục chế quyển sách này cho một người quen”.

Khoảng không gian trước cửa hàng quán Sách Mùa Thu - nơi diễn ra cuộc tọa đàm đặc biệt đã nhanh chóng chật kín người, do lẽ công chúng bị cuốn hút bởi những thông tin thú vị về lịch sử ra đời của sách, kỹ thuật làm giấy từ da thú, những bản sách cực quý hiếm và cực đắt hiện đang được biết đến...

Quyển Kinh Thánh đầu tiên của Hà Lan con nguyên khóa đồng - Ảnh: L.Điền
Quyển Kinh Thánh đầu tiên của Hà Lan còn nguyên khóa đồng - Ảnh: L.Điền

Để minh họa cho nghệ thuật đóng sách, ngoài rất nhiều dụng cụ bao gồm dao, kéo, thước, da, vải, keo dán... ông Dư Thanh Khiêm còn mang về nước một số bản sách cổ, quý hiếm để công chúng Việt Nam có dịp tận mắt chứng kiến nghệ thuật đóng sách của người châu Âu xưa.

Đó là quyển Kinh Thánh đầu tiên của Hà Lan, có niên đại khoảng năm 1501 đến 1550, một trong những cuốn ít gặp còn nguyên bìa da, bốn góc bìa có bốn khuy (cabochon) để bảo vệ da bìa khi mở sách, đặc biệt là còn nguyên hai khóa đồng - chi tiết theo ông Khiêm là thường bị mất ở các sách cổ do người ta lật giở nhiều, khóa là bộ phận bị hư trước nhất.

Trang giấy bằng da bê có niên đại 1450 - Ảnh: L.Điền
Trang giấy bằng da bê có niên đại 1450 - Ảnh: L.Điền

Đặc biệt hơn là một trang “giấy” bằng da bê, là một trang của quyển sách thủ bản (sách chép tay) có niên đại 1450. Ông Khiêm giới thiệu: vào thời trung cổ, người da dùng da bê lúc mới lọt lòng để làm giấy bởi nó bảo đảm ba yếu tố: trắng, trong và có thể lạng mỏng. Trang sách này có 16 dòng, viết bằng kiểu chữ gothique, có các hình màu chen vào giữa dòng, và chữ hoa đầu dòng.

Có ba màu sử dụng cho loại giấy da này: màu vàng làm từ vàng thật, màu xanh từ đá quý xay mịn, và màu đỏ từ một loại sâu trong rừng. Và để thực hiện một quyển thủ bản giấy da như vậy, cần có ba chuyên gia: một tu sĩ chuyên viết chữ gothique, một người vẽ các chữ cái đầu dòng (lettrine), và một họa sĩ chuyên vẽ tranh tí hon.

Những quyển thủ bản thường là Kinh của Do Thái giáo và hiện nay là những quốc bảo.

Trong khi đó, ông Khiêm ghi nhận hiện nay nghệ thuật đóng sách tại Việt Nam dường như không còn. Quyển sách tại Việt Nam được đóng bìa theo trường phái nghệ thuật châu Âu mà ông Khiêm ghi nhận được và giới thiệu trong dịp này là quyển Essais franco annamites, do nghệ nhân Nguyễn Văn Châu ở Sài Gòn thực hiện từ cuối thập niên 1940.

Rất đông người đến cuộc tọa đàm để nghe về lịch sử ra đời nghệ thuật đóng sách - Ảnh: L.Điền
Công chúng đến cuộc tọa đàm để nghe về lịch sử ra đời nghệ thuật đóng sách - Ảnh: L.Điền

Buổi tọa đàm còn đặc biệt hấp dẫn khi chuyên gia Dư Thanh Khiêm giới thiệu các loại dao để lạng da, rọc giấy, cả nghệ thuật mài dao, cách sử dụng các loại keo, hồ dán như thế nào... Ông Khiêm cũng thị phạm vá một trang sách rách bằng keo dán đặc biệt (không dùng giấy), và thị phạm phục chế - vá một trang sách bị rách khuyết.

Không đơn thuần giới thiệu nghệ thuật đóng sách và phục chế sách, buổi tọa đàm kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ mang lại cho những người quan tâm đến sách vở những quan niệm bổ ích. Chia sẻ với Ban tổ chức, một nhà sưu tập có tuổi nhận định rằng: Trình độ và nghệ thuật ứng xử với sách, bảo quản, gìn giữ và lưu truyền sách phản ánh tầm mức văn hóa của cộng đồng quốc gia dân tộc.

Do vậy, việc quan tâm trở lại với nghệ thuật đóng sách của công chúng hôm nay mang tín hiệu đáng mừng cho ý thức về việc lưu giữ di sản sách vở của người dân nước ta.

Tại sao phải đóng sách?

Đóng sách có hai mục đích: Giữ gìn kéo dài tuổi thọ, một cuốn sách không đóng dễ bị rách, cong góc, các tập (tay) tách khỏi sách...; mục đích thứ nhì là làm đẹp và tăng giá trị của sách.

Hiện tại châu Âu giá đóng một cuốn sách in khổ folio bằng da nhũ mạ có tầm giá 250€, khoảng hơn 7 triệu VNĐ. Giá còn cao hơn tùy thuộc loại da, có thể lên đến 1000€/ quyển, chưa kể tiền công.

(Dư Thanh Khiêm)

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên