16/06/2015 06:00 GMT+7

​Dông lốc làm chết người, ai chịu trách nhiệm?

ĐẶNG TƯƠI - MINH MẪN - TRÀ MY
ĐẶNG TƯƠI - MINH MẪN - TRÀ MY

TTO - 1.300 cây xanh bị bật gốc, hàng trăm ngôi nhà, xe cộ bị hư hại, đổ sập, nhiều người chết và bị thương.

Hàng loạt xe hơi ở Hà Nội bị cây xanh đè bẹp trong cơn dông lốc tối 13-6 - Ảnh: TTO

Hậu quả nghiêm trọng sau trận dông lốc cấp 9, cấp 10 ở Hà Nội vào chiều tối 13-6 khiến nhiều người lo lắng: Sao không có những thông báo khẩn trên diện rộng để người dân được biết? Tài sản, con người thiệt hại như vậy ai sẽ chịu trách nhiệm?

Có cách nào người dân được biết tin kịp thời hơn?

Một bạn đọc ở Hà Nội cho biết: "Chưa bao giờ mình thấy Hà Nội tan hoang đáng thương thế này, hàng ngàn cây xanh ngã đổ. Cạnh nhà mình, nguyên chiếc xe hơi bẹp dí dưới thân cây to, may mà không có ai bên trong".

Chị Hương Thủy (Đồng Nai) lo lắng: "Thiên nhiên đang trả lại những gì con người gây ra. Bây giờ ra đường mình luôn có cảm giác bất an mỗi khi mưa tới".

Một cột đèn chiếu sáng bị đổ gãy - Ảnh: Nguyễn Khánh

Một bạn đọc khác cũng đặt câu hỏi tương tự: Ai cũng bận rộn, có phải lúc nào cũng mở tivi để xem đâu mà biết, sao cục dự báo khí tượng thủy văn không phối hợp với các nhà mạng gửi tin nhắn đến người dân để kịp thời cập nhật thông tin?

“Bây giờ hầu như mọi người đều xài di động. Tin nhắn rác thì mỗi ngày cả chục tin rất nhanh, nhưng những tin quan trọng liên quan đến tính mạng thì không bao giờ thấy nhắn”, một bạn sinh viên than thở.

Một bạn đọc khác bày tỏ: "Hiện tượng thời tiết cực đoan này đồng ý là chỉ có thể dự báo trước 1-3 tiếng nhưng làm ơn đừng chỉ đăng tải lên các trang web của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn thôi, hãy phát qua phương tiện đại chúng như radio hoặc thông báo khẩn trên truyền hình trung uơng, hoặc truyền khẩn về từng địa phương để thông báo người dân". 

Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho biết: Đối với trận mưa dông lốc ở Hà Nội ngày 13-6 dẫn đến việc cây cối đổ ngã đè xuống người đi đường và xe cộ, đây có thể coi là trường hợp bất khả kháng do thiên tai vì hiện tượng thời tiết cực đoan này đã được đài khí tượng thủy văn dự báo từ trước.

Một cây xà cừ bật gốc đổ lên khu vui chơi giành cho trẻ em trên ở Công viên Thống Nhất - Ảnh: Quang Thế

Tuy nhiên, để xem xét đến việc miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Công ty quản lý cây xanh thì phải xem xét rằng công ty này trong nhiệm vụ quyền hạn của mình đã sử dụng hết mọi biện pháp cần thiết và đã làm hết khả năng cho phép để khắc phục hay chưa. 

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2010 về quản lý cây xanh đô thị thì “Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây”. 

Như vậy, chỉ trong trường hợp đơn vị quản lý cây xanh đã làm hết trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, kiểm tra để tiến hành chặt, tỉa bớt những cây có khả năng gãy đổ nhưng vẫn không thể ngăn nổi cây đổ trong thời tiết mưa, dông, lốc thì đơn vị quản lý cây xanh được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Xe hơi bị cây xanh đè bẹp trong cơn dông lốc chiều 13-6 - Ảnh: TTO

Đối với những phương tiện giao thông bị cây ngã đè gây thiệt hại mà được chủ phương tiện mua bảo hiểm thì các chủ phương tiện có thể xem lại trong hợp đồng bảo hiểm xem có điều khoản nào ràng buộc trách nhiệm chi trả của đơn vị bảo hiểm đối với những trường hợp bất khả kháng hay không, để từ đó có thể yêu cầu đơn vị bảo hiểm thực hiện việc bồi thường.

Đồng tình với nhận định trên, luật sư Huỳnh Phước Hiệp cũng cho biết: Theo điều 161 của Bộ luật dân sự thì giông lốc là sự kiện bất khả kháng xảy ra do khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được.

Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng do sự cố bất khả kháng xảy ra, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Tuy nhiên luật sư Hiệp cũng phân tích, đó là trường hợp dông lốc mạnh đến mức được coi là thiên tai, nếu không, những thiệt hại cần phải được xem xét kĩ từng khả năng.

Nếu địa điểm xảy ra dông lốc không nằm trong tâm chấn mà chỉ chịu ảnh hưởng thì trong trường hợp cây xanh ngã đổ làm hư hại nhà cửa, xe cộ là do lỗi của cơ quan quản lý cây xanh thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm đền bù.

Ngược lại, nếu chủ sở hữu lưu thông xe hoặc đổ xe ở khu vực đường một chiều, khu vực cấm dừng đổ… thì chủ sở hữu phải tự chịu rủi ro, luật sư Hiệp cho biết thêm.

Chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho biết đối với những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông lốc, vòi rồng, mưa đá… thì không chỉ nước ta mà cả những nước phát triển cũng khó lòng dự báo chính xác thời gian, địa điểm diễn ra.

Với kỹ thuật rada thì chúng ta có thể phát hiện ra các ổ mây dông. Tuy nhiên từ lúc phát hiện cho đến lúc dự báo thì có khả năng mây dông đã diễn ra.

Vì thời gian để mây dông hình thành và phát triển thành lốc xoáy dữ dội có khi chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Và với những cơn dông lốc diễn ra trong thời gian ngắn như vậy, bà Xuân Lan cũng chia sẻ: Tin tức được gửi đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vì thời gian gấp rút, người dân chưa kịp xem hoặc nghe thì dông bảo, lốc xoáy đã diễn ra, dẫn đến việc ứng phó bị động.

Mời bạn đọc nghe phát biểu qua audio:

>> Chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan

>>  Luật sư Huỳnh Phước Hiệp

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

ĐẶNG TƯƠI - MINH MẪN - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên