Tâm chấn nằm ở độ sâu 49km dưới mặt biển và ở ngoài khơi tỉnh Miyagi. Nhà chức trách đã lập tức phát cảnh báo sóng thần dự kiến cao 1m tại tỉnh Miyagi và đưa ra khuyến cáo sóng thần ở Iwate, Fukushima và Ibaraki, bờ biển Thái Bình Dương của tỉnh Aomori. Sau đó, cảnh báo sóng thần đã được gỡ bỏ.
![]() |
Nhật Bản đã cảnh báo sóng thần ở nhiều bờ biển phía đông bắc sau trận động đất 7,4 độ Richter tối 7-4 |
Các nhân viên đang cứu chữa Nhà máy điện hạt nhân Fukushima vốn bị hư hỏng nặng sau hôm 11-3 đã được lệnh sơ tán khẩn cấp. Đại diện Công ty Điện lực Tokyo đã họp báo ngay lập tức và thông báo không có thiệt hại về người, và nhà máy cũng không chịu thêm thiệt hại nào, độ phóng xạ vẫn không thay đổi.
Đài NHK liên tục phát tin cảnh báo người dân sơ tán đến các khu vực cao hơn. Rò rỉ khí và nước diễn ra ở một số nơi tại Sendai.Điện bị ngắt, các tàu cao tốc tạm ngưng hoạt động. Dù tâm chấn cách xa Tokyo 333km, một số tòa nhà nơi đây vẫn rung chuyển.
Tỉnh Miyagi và khu vực phụ cận là nơi bị tàn phá nặng nề nhất bởi trận siêu động đất 9 độ Richter hôm 11-3.
Ngày 7-4, gần 300 cảnh sát trong trang phục bảo vệ tiếp tục tìm kiếm những người mất tích sau thảm họa ngày 11-3 trong vòng bán kính 20km tính từ Nhà máy Fukushima. Khoảng 240 cảnh sát từ Tokyo kết hợp với 50 cảnh sát Fukushima đã cùng tìm kiếm sau khi nỗ lực của họ bị ngăn cản do các lo ngại phóng xạ trước đó. Cảnh sát đã đào các đống đổ nát bằng các loại máy móc chuyên dụng lần đầu tiên kể từ khi thảm họa xảy ra. Tại tỉnh Fukushima vẫn còn khoảng 3.900 người mất tích.
Cảnh sát cho biết tổng số hơn 27.600 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, trong đó 12.690 người được khẳng định đã chết và 14.736 người vẫn trong danh sách mất tích. Tại Miyagi, 7.743 người được khẳng định đã chết, Iwate có 3.709 người chết và 1.177 người thiệt mạng ở Fukushima.
Khoảng 82% số thi thể được tìm thấy đã được nhận diện và giao lại cho gia đình nạn nhân để chôn cất. Số nạn nhân sẽ còn tiếp tục tăng do một số khu vực bờ biển vẫn chưa xác định được bao nhiêu người mất tích.
Chính phủ Nhật Bản cũng bắt đầu theo dõi mức phóng xạ ở cá tại tỉnh Ibaraki, phía nam Nhà máy Fukushima. Việc kiểm tra này được thực hiện hằng ngày để theo dõi lượng phóng xạ có trên mức cho phép hay không.
Cho tới nay mới phát hiện nồng độ phóng xạ nhiều hơn mức bình thường ở một loại cá nhỏ gần nhà máy, chưa tìm thấy ở các loại cá khác. Việc đánh bắt cá ở bờ biển Ibaraki đã phải tạm dừng. Lãnh đạo hợp tác xã đánh bắt hải sản Nakaminato, Kazumi Nemoto, cho biết việc kiểm tra là cần thiết để xác nhận xem cá có an toàn tại Ibaraki hay không để người tiêu dùng có thể sử dụng mà không lo lắng.
Ông Wolfgang Weiss, chủ tịch Ủy ban Khoa học của Liên Hiệp Quốc về tác động của phóng xạ nguyên tử, đã xếp sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản đứng giữa thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 của Liên Xô và Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island của Mỹ năm 1979.
Theo AFP, ông Weiss cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ do cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1 vẫn đang tiếp diễn. Phóng xạ hạt nhân từ thảm họa Three Mile Island của Mỹ năm 1979 phần lớn được kiềm chế trong khi dấu vết phóng xạ hạt nhân từ Fukushima số 1 được phát hiện trên khắp thế giới. Tuy nhiên, mức độ phóng xạ từ Nhà máy Fukushima số 1 thấp hơn rất nhiều so với dấu vết phóng xạ được phát hiện trong cùng một khoảng cách sau thảm họa Chernobyl.
* Tại Mexico cũng xảy ra động đất mạnh 6,5 độ Richter ở miền nam và miền trung ngày 7-4. Chưa có thông tin về thiệt hại. Trận động đất mạnh tới mức ở Mexico City cũng có thể cảm nhận được. Đây là trận động đất mạnh nhất ở Mexico từ đầu năm tới nay. Năm 2010 diễn ra hai trận động đất: 6,9 độ Richter gây thiệt hại tương đối nhỏ và 7,2 độ Richter làm hai người thiệt mạng và hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy. Ngày 19-9-1985, Mexico từng hứng chịu một trận động đất mạnh tới 8,5 độ Richter làm gần 30.000 người thiệt mạng.
Theo Kyodo, Chính phủ Nhật và Đảng Dân chủ cầm quyền loan báo kế hoạch cắt giảm 20% vốn viện trợ phát triển (ODA) trong năm 2011, tương đương 570 tỉ yen, để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ và tái thiết tại nước nhà. Được coi là ngân sách bổ sung đầu tiên cho Quỹ tái thiết Nhật Bản, động thái này là một trong các bước đi nhằm tìm kiếm khoản tiền hơn 3.000 tỉ yen cho các hoạt động tái thiết sau thảm họa. Ngân sách tăng thêm từ việc cắt giảm ODA sẽ được dành cho các hạng mục mà chính sách của Đảng Dân chủ cầm quyền ưu tiên, như chương trình trợ cấp hằng tháng cho trẻ em, hiện chiếm hơn 500 tỉ yen, sẽ là hơn 600 tỉ yen. Tổng thư ký Đảng Dân chủ Katsuya Okada đã có cuộc gặp riêng với các nhân vật chủ chốt hai đảng đối lập chính để tìm kiếm sự đồng thuận nhằm nhanh chóng thông qua ngân sách bổ sung. Thông tin chi tiết sẽ được tiết lộ sớm nhất là ngày 14-4. Theo Kyodo, Chính phủ Nhật hiện cần 4.000 tỉ yen cho khoản tăng ngân sách đợt 1 trong năm tài khóa 2011 sau trận động đất. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã lên tiếng bày tỏ mong muốn giữ nguyên ngân sách ODA trong tài khóa 2011, dù phải đảm bảo ngân sách cho tái thiết đất nước. Thứ trưởng ngoại giao Takahashi Chiaki cho biết ông không đồng tình với việc cắt giảm ODA vì việc hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đề nghị trợ giúp Nhật Bản sau thảm họa động đất vừa qua chính là một thành quả của nguồn vốn ODA. Ông cho rằng Nhật Bản nên tiếp tục thực hiện hợp tác quốc tế thông qua viện trợ ODA, duy trì vai trò là nhà tài trợ lớn thứ 5 thế giới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận