01/03/2018 09:53 GMT+7

Đóng cửa cơ sở y tế nếu chưa xử lý nước thải

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Đề xuất này được đưa ra tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp ở TP.HCM ngày 1-3.

Đóng cửa cơ sở y tế nếu chưa xử lý nước thải - Ảnh 1.

Khu xử lý nước thải của một bệnh viện - Ảnh: C.Q.

Theo đề án, đối tượng các cơ sở y tế, khám chữa bệnh, đơn vị xử lý rác, hiện nay hơn 523 cơ sở với tổng lưu lượng xả hơn 30.000m3/ngày đêm không thuộc đối tượng thu phí. Vì vậy đề án đề xuất đưa đối tượng này vào diện phải thu phí. 

Cùng với việc tăng mức phí, việc bổ sung thêm đối tượng thu phí như trên dự kiến nguồn thu sẽ tăng từ 8 tỉ đồng lên 60 tỉ đồng mỗi năm.

Đại biểu Tống Hữu Châu - Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật và môi trường TP.HCM (Ủy viên UBMTTQ TP) cho rằng việc đưa đối tượng các cơ sở y tế, khám chữa bệnh vào đối tượng bị thu phí nên xem xét lại, bởi trước đây TP yêu cầu các bệnh viện lớn xây dựng hệ thống xử lý rồi. 

Cơ sở nhỏ cũng yêu cầu phải có biện pháp xử lý nước của mình. Xét cho cùng việc áp dụng mức phí cho đối tượng này thì cuối cùng người dân là người chịu mức phí nên dễ dẫn đến chuyện người dân tâm tư.

Cũng theo đại biểu Châu, mục tiêu cuối cùng của đề án vẫn nhằm làm cho môi trường tốt hơn, người dân được hưởng lợi. Vì vậy TP nên có chủ trương bắt buộc các cơ sở y tế nếu chưa có xử lý nước thải thì phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải trong quý 3 hoặc cuối năm 2018. "Trường hợp không xây dựng thì phải đóng cửa", đại biểu Châu quyết liệt.

Đóng cửa cơ sở y tế nếu chưa xử lý nước thải - Ảnh 2.

Đại biểu Tống Hữu Châu nêu ý kiến tại hội nghị - Ảnh: QUANG KHẢI

Bên cạnh đó, đại biểu Châu cũng cho rằng cần phải tăng hệ số tính ô nhiễm đối với đơn vị xả thải. Nguyên tắc xả thải ô nhiễm càng nhiều thì hệ số tính phải càng lớn; đặc biệt danh mục các chất ô nhiễm phải được tăng lên thay vì chỉ có 6 chất như trong đề án. 

"Nếu TP thông qua danh mục này, các cơ sở khác xả thải chất gây ô nhiễm ngoài danh mục thì xử lý làm sao? Thực tế hiện nay có rất nhiều các chất gây ô nhiễm", ông Châu cho hay.

Trước đó, trình bày dự thảo đề án ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên Môi trường cho hay: các đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gồm 16 nhóm cơ sở như: chế biến nông lâm thủy sản; thực phẩm; thuộc da; bột giấy; cao su; cơ khí; luyện kim; nhà máy cấp nước sạch; cơ sở sản xuất khác…

Hiện tại có 2.786 cơ sở phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn TP với tổng lưu lượng khoảng 143.431m3/ngày đêm với tổng mức thu 8 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên các cơ sở y tế không thuộc diện bị thu phí.

Đề án cũng đề xuất mức thu phí được đề xuất tính theo cách: đối với cơ sở có lưu lượng xả dưới 5m3/ngày đêm vẫn áp dụng tính mức cố định là 1,5 triệu đồng. Đối với cơ sở có tổng lưu lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm trở lên, ngoài mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm còn được tính thêm theo lưu lượng xả thải cũng như tính chất ô nhiễm của nước.

Việc tăng mức phí được cho sẽ tác động một phần đến đời sống xã hội, có thể làm gia tăng mức phí các dịch vụ liên quan đến y tế, xử lý rác (do đối tượng phát sinh phải đóng phí), từ đó tác động đến người dân.

Tuy nhiên mặt được là sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường và tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên