06/06/2011 09:23 GMT+7

Dồn sức cứu tôm

KHẮC TÂM
KHẮC TÂM

TT - Trước tình hình tôm chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển ĐBSCL, ngày 5-6 tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị giao ban nhằm tìm giải pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Read this on Tuoitrenews.vn

AXc1ZWVr.jpgPhóng to
Nông dân Bạc Liêu cải tạo ao nuôi tôm - Anh: K.Tâm

Không chỉ tôm, một số diện tích nuôi nghêu cũng bị thiệt hại và có xu hướng lây lan.

Tăng cường kiểm soát con giống

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo - viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II - cho biết tôm chết hàng loạt từ đầu tháng 3 đến nay chủ yếu do bị bệnh hoại tử, teo gan. Bệnh này bắt đầu xảy ra từ tháng 7-2010 và phát triển trên diện rộng từ tháng 10-2010 đã gây thiệt hại đáng kể cho các tỉnh ven biển ĐBSCL, nhất là Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Đến năm 2011, bệnh này xảy ra sớm hơn (từ tháng 3 đến nay) có thể do mầm bệnh vẫn còn đang lưu hành tại các vùng nuôi bị bệnh năm trước, khi gặp thời tiết thay đổi, dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, tác nhân gây ra bệnh này bước đầu xác định là do vi khuẩn gamma - proteobacteria chứ không phải do virut. Tuy nhiên việc xác định bệnh mới, định danh tác nhân gây bệnh này còn cần phải được nghiên cứu tiếp.

Theo Tổng cục Thủy sản, tình hình dịch bệnh trên nghêu cũng phức tạp. Cuối năm 2010, hiện tượng nghêu chết đã bắt đầu xuất hiện ở một số nơi tại huyện Cần Giờ (TP.HCM), sau đó lây lan đến huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), rồi đến các huyện Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre). Gần đây nhất là huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Bến Tre là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất với 1.400ha, kế đến là Tiền Giang 361ha, Cà Mau 178ha. Diện tích nghêu bị chết ở các tỉnh nói trên chiếm khoảng 50% diện tích các bãi thả nghêu.

Trên 52.000ha tôm bị thiệt hại

Theo ông Nguyễn Công Dân - cục phó Cục Thú y, tình hình dịch bệnh trên tôm tại các tỉnh ven biển ĐBSCL năm nay diễn biến rất phức tạp. Tổng diện tích thả nuôi tôm ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang là 547.356ha. Đến ngày 2-6, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại bảy tỉnh trên là 52.470ha, chiếm hơn 98% tổng diện tích thiệt hại cả nước.

Sóc Trăng là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, hơn 19.000ha trên tổng diện tích 25.000ha đã thả giống, chiếm 76% diện tích thả nuôi; Trà Vinh 6.546/22.048ha thả giống, chiếm 30% diện tích nuôi; Tiền Giang 663/3.310ha thả giống, chiếm 20% diện tích nuôi; Bạc Liêu 8.586/112.993ha thả giống, chiếm 7,7% diện tích thả nuôi. Tuy nhiên, theo Cục Thú y, thực tế diện tích tôm bị thiệt hại còn cao hơn số liệu báo cáo do khi phát hiện dịch bệnh, người nuôi đã thu hoạch ngay để bán, không báo cơ quan quản lý. Tôm chết chủ yếu ở giai đoạn từ 20-30 ngày sau khi thả giống, tập trung ở khu vực nuôi thâm canh và bán thâm canh.

Ông Trịnh Hoài Thanh - phó giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu - cho biết bệnh trên tôm năm nay lây lan rất nhanh. Hệ thống thủy lợi mang tính độc đạo, đường lấy nước vào và xả nước ra chung một hệ thống khiến dịch bệnh diễn biến khó kiểm soát.

Đồng tình với nhận định trên, tiến sĩ Hảo cho rằng: “Đường lây bệnh trên tôm bước đầu xác định qua hệ thống nước. Nguồn lây nhiễm thứ hai là con giống qua bố mẹ”. Theo tiến sĩ Hảo, suốt thời gian dài cơ quan chuyên môn các địa phương khi xét nghiệm tôm bố mẹ không xét nghiệm tác nhân gây hoại tử gan tụy, do vậy đề nghị các địa phương phải xét nghiệm thêm loại bệnh nguy hiểm này.

Tiến sĩ Hảo cho biết đang phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur áp dụng các phương pháp nhuộm trên tiêu bản mô học, nghiên cứu dịch tễ học xác định nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ và đường truyền lan; đồng thời gửi mẫu sang Đại học Arizona (Mỹ) xác định vi bào tử trùng và mời các chuyên gia khác sang tư vấn.

Người dân cùng chống dịch

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết bệnh ở tôm không chỉ đang diễn ra mà có thể lây lan, do vậy các địa phương có nuôi tôm phải cảnh giác.

Ông Cao Đức Phát yêu cầu Cục Thú y khẩn trương phối hợp các tỉnh xây dựng bản đồ dịch tễ, trên cơ sở đó có cơ sở khoa học để chỉ đạo. Trong vòng mười ngày tới phải hoàn chỉnh hướng dẫn quy trình chống dịch, phải cụ thể. Các cơ quan trực thuộc bộ tiếp tục dốc lực nghiên cứu tìm ra tác nhân gây bệnh ở tôm, làm rõ đặc tính dịch tễ để có biện pháp điều trị.

Trong khi đợi các “bác sĩ” chẩn đoán đúng bệnh để cho toa thuốc, tiến sĩ Hảo cho biết đang phối hợp các tỉnh ven biển ĐBSCL phân vùng, xếp hạng và áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng và an toàn sinh học phù hợp. Theo đó mô hình quảng canh cải tiến phải nhanh chóng cải tạo nạo vét ao, thả giống. Mô hình tôm lúa, duy trì các khu vực tôm vẫn còn phát triển.

Riêng khu vực thiệt hại nên thả cá hoặc chuẩn bị trồng lúa. Còn mô hình thâm canh, chọn ba trang trại, mỗi trang trại ba ao để làm thực nghiệm. Liên quan đến con giống, tiến sĩ Hảo đề xuất phải thả giống sạch bệnh, thả mật độ thưa và ương giống lớn trước khi thả nuôi.

Theo Tổng cục Thủy sản, đối với vùng nuôi đã mắc bệnh phải khử trùng ao triệt để bằng chlorine, vôi, ngưng nuôi một thời gian. Còn vùng thả nuôi mới xử lý nước nghiêm ngặt, chú ý điều chỉnh độ pH của ao khi thả giống và quá trình nuôi; diệt và kiểm soát protozoa trong ao nuôi bằng chế phẩm sinh học.

Ông Phát yêu cầu Cục Thú y rà soát các điều kiện để công bố dịch. “Kinh nghiệm trong các lần chống dịch trên gia súc, gia cầm vừa qua, người dân chống dịch là chính. Vì thế phải thông báo cho dân biết điều gì đang diễn ra và chống như thế nào, không giấu giếm thông tin” - ông Phát nói.

KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên