Tình cô trò - Ảnh tư liệu TT. |
Thế là chỉ sau bốn lần cô giáo dùng “một nắm thước kẻ” (4-9 chiếc) đánh vào mông, nữ sinh này sợ hãi đến ngất xỉu, rồi tử vong ngay sau đó.
Sự việc đau lòng trên đã diễn ra từ ngày 6-1 nhưng đến nay nhiều phụ huynh, học trò và giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu vẫn chưa hết bàng hoàng, thương cảm.
Để biết nguyên nhân vì sao nữ sinh tử vong, cơ quan y tế cho rằng chỉ có thể kết luận khi mổ tử thi, nhưng gia đình muốn con cháu họ được “ra đi nhẹ nhàng”, cũng không muốn bắt tội cô giáo, nhà trường vì “cô giáo còn quá trẻ”.
Ai cũng thương nữ sinh, chia sẻ với gia đình, còn với cô giáo thì không ít người bênh nhưng cũng nhiều người lên án.
Phía bênh vực cô giáo cho rằng “thương cho roi cho vọt”, học sinh Việt Nam từ xưa đến nay vẫn “ăn roi ầm ầm” có sao đâu, hay “đánh vào mông thì không hề hấn gì cả. Tất cả chỉ vì cô giáo này xui, dạy học sinh bị động kinh mà không biết”.
Nhưng phía ngược lại cũng đầy lý lẽ: rằng dạy học trò mà dùng roi là bất lực, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được dùng “bạo lực”.
Đã là giáo viên thì phải nắm tâm sinh lý lứa tuổi, tâm sinh lý học sinh, không thể nào biện minh cho việc dùng bạo lực dù là đánh vào mông trẻ.
Theo thạc sĩ Lê Minh Công, phó trưởng khoa tâm lý học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM), việc đánh người khác (hay gọi là bạo lực/bạo hành) là một chuyện không nên, nhất là với con trẻ.
Trẻ con, nhất là ở lứa tuổi THCS, lứa tuổi đang định hình và phát triển nhân cách, các em phát triển rất mạnh lòng tự trọng và tự đánh giá bản thân. Việc bị đánh không chỉ mang lại sự đau đớn về thể xác, mà hơn hết là sự xúc phạm về tinh thần.
Và vì thế, không nên và không bao giờ đánh trẻ con, nhất là lứa tuổi từ THCS trở đi.
Nhiều nhà giáo dục nói rằng khi bắt đầu đánh trẻ con là khi chúng ta đã thất bại trong giáo dục.
Đánh trẻ trước mặt người khác và trước mặt bạn bè lại càng không nên vì nó nhân sự đau đớn và tủi hổ về mặt tinh thần, khiến trẻ cảm thấy bị giảm giá trị cá nhân nghiêm trọng.
Nắm thước kẻ đánh vào mông học sinh, rồi khiến em tử vong, điều đó không ai ngờ nhưng đã xảy ra.
Cô giáo chỉ muốn phạt, muốn em tiến bộ trong học tập nhưng sự việc chắc sẽ trở thành nỗi ám ảnh suốt đời của người giáo viên ấy.
Sự việc chắc hẳn cũng là ám ảnh, là nỗi đau của ngành giáo dục quận Tân Phú, nhưng hơn hết là bài học cho những giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ: cần am hiểu tâm lý học trò, tâm lý lứa tuổi, từng cá nhân khi quyết định dùng hình phạt. Hãy cẩn trọng, cân nhắc khi mượn hình phạt là đòn roi.
Có thể do bệnh rối loạn lo âu Theo thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Triết, trưởng khoa tâm lý (Bệnh viện Nhi Đồng 1), mỗi người sẽ tiếp nhận sự việc một cách khác nhau nên cũng tiếp nhận đòn roi theo cách không giống nhau. Trong các bệnh về tâm lý, có nhóm bệnh thuộc về rối loạn lo âu, cơn cấp tính của nó được gọi là rối loạn hoảng loạn. Rối loạn lo âu chung là khuynh hướng sợ đủ thứ chuyện, rối loạn lo âu chuyên biệt là “nỗi sợ riêng”, ví dụ có người sợ chó, có người khiếp đảm vì gián, có người chỉ cần ai đó đánh vào mình là “lăn đùng ra”. Tuy nhiên, bệnh tâm lý rối loạn lo âu được chẩn đoán nhưng không tìm thấy nguyên nhân. Với một đứa trẻ lên cơn hoảng loạn lo âu thì có thể dẫn đến ngất xỉu, nhưng để dẫn đến tử vong sẽ còn cả bệnh liên quan về thực thể (như tim mạch...). Tuy nhiên, theo tâm lý học thì không dùng hình phạt là đòn roi, xâm phạm đến thân thể trẻ. Vì đòn roi sẽ khiến trẻ sợ hãi nhiều hơn là mang lại động lực cố gắng, hữu ích đối với trẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận