Công nhân Tập đoàn Nam Việt, An Giang chế biến cá tra phi lê để xuất khẩu - Ảnh: MINH KHANG
Lý do là nhiều nước châu Âu rơi vào lạm phát kỷ lục, việc tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm có giá cao bị hạn chế cộng với việc đứt nguồn cung thủy sản từ Nga. Doanh nghiệp Việt tận dụng thời cơ này như thế nào?
Đơn hàng cá liên tiếp tăng
Ông Trần Văn Lật, đại diện Công ty TNHH Lộc Kim Chi (Vĩnh Long), cho biết đơn vị đang đẩy mạnh xuất khẩu cá tra phi lê sang thị trường nước Anh, dao động 200 - 240 tấn/tháng, tương đương 10 - 12 container. Sắp tới đơn hàng sẽ còn tiếp tục tăng.
Doanh nghiệp này đã xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh hơn bốn tháng qua. Ngoài ra, doanh nghiệp còn xuất khẩu sang nhiều nước như Đức, Pháp, Canada..., không còn tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc như trước đây. "Lúc trước tập trung xuất khẩu vào Trung Quốc nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi họ kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt" - ông Lật kể.
Ông Lật chia sẻ rằng nhiều doanh nghiệp chế biến cá cũng đang mong cá thịt trắng, cá tra, cá ba sa sẽ được nhiều nước ưa chuộng xuất khẩu, để giúp người nuôi và nhà máy chế biến cá tra bớt thua lỗ do thời gian qua, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc nên khi bị ách tắc, tồn kho khiến cả doanh nghiệp chế biến và người nuôi đều gặp khó khăn.
"Nguồn nguyên liệu công ty sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nên cố gắng tìm kiếm thị trường để xuất khẩu khoảng 200 - 250 tấn/ngày là được. Tôi xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh có giá 2,8 - 2,85 USD/kg (tương đương 66.000 - 68.000 đồng/kg)" - ông Lật cho hay.
Tương tự, đại diện một công ty có xuất khẩu cá tra nhất nhì Việt Nam cho hay vì thị trường Anh là thị trường cá tra lâu năm nên việc tăng lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường này không phải là chuyện chưa xảy ra.
"Nhưng chúng tôi bất ngờ vì trong tháng 8, lượng xuất gấp 4 - 5 lần các tháng trước, thậm chí hơn các năm về trước. Trong tháng 9, chúng tôi sẽ xuất đơn hàng rất lớn và tập trung hết vào đây vì đây là thời cơ cần phải tận dụng", vị này cho hay.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại An Giang - Ảnh: MINH KHANG
Dự báo cá tra còn "đổ" mạnh sang châu Âu
Đại diện Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho biết hiện nay xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh và các nước châu Âu tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái rất nhiều. Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường này ổn định và tăng mạnh hơn nữa vì từ thời điểm này đến cuối năm là giai đoạn xuất khẩu mạnh của ngành hàng cá tra của Việt Nam hằng năm.
"Ngành cá tra Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng mạnh vào quý 3 và quý 4 do các nước chuẩn bị các ngày lễ cuối năm và đầu năm mới. Mạnh nhất từ tháng 9, 10, 11 hằng năm. Việc chúng tôi đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất và sẵn sàng đáp ứng đầy đủ mà không cần lo lắng. Chúng tôi có hai nguồn là vùng tự nuôi cá và kho chứa. Do đó, chúng tôi sẽ đáp ứng đủ nguyên liệu xuất khẩu từ nay đến cuối năm cho các thị trường" - đại diện Công ty Vĩnh Hoàn tự tin.
Ông Lê Chí Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang (AFA) - cho biết trước đây thị trường Anh mua cá tra của Việt Nam thông qua một công ty trung gian của nước khác. Họ mua cá tra của Việt Nam rồi đóng gói xuất khẩu sang Anh nên không biết sản lượng ra sao. Sau này mối bang giao giữa Việt Nam - Anh được thiết lập tốt, họ sang Việt Nam mua trực tiếp cá tra nhiều hơn. Do đó, cá tra xuất khẩu sang Anh ngày càng nhiều hơn trước.
"Sở dĩ có tình trạng bán hàng cho bên đóng gói trước đây là do doanh nghiệp chúng ta không chào hàng trực tiếp mà cứ lo bán, ai mua thì bán. Chính vì vậy, doanh nghiệp khác họ đến mua cá tra rồi đóng bao bì tên công ty của họ rồi xuất khẩu, dù có để xuất xứ Việt Nam nhưng chữ rất nhỏ. Tôi nghĩ thời điểm này doanh nghiệp nên chủ động hơn nữa" - ông Bình nói.
Công nhân đóng thùng cá tra phi lê để xuất khẩu tại An Giang - Ảnh: MINH KHANG
Trao đổi với Tuổi Trẻ về dự báo sắp tới, ông Dương Nghĩa Quốc - chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho biết vài tuần gần đây, thị trường Anh và các nước châu Âu đang tăng cường nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Ngoài chuyện lạm phát cao, người dân cần nguồn thực phẩm có giá phù hợp thì việc "đứt nguồn" cá thịt trắng đến từ Nga cũng là lý do dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ này. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang Anh vào tháng 8-2022 đã tăng gấp ba lần cùng kỳ 2021.
Ông Quốc cũng chia sẻ thị trường châu Âu là thị trường khó tính, nhiều sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cá tra, đã thâm nhập từ lâu nhưng gần đây do nhu cầu tiêu dùng nên số lượng cần nhập khẩu đã tăng mạnh. Vì thế, bên cạnh việc các doanh nghiệp phải chuẩn bị được nguồn hàng ổn định, cung ứng hàng hóa kịp thời thì phải cố gắng đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng theo yêu cầu của khách hàng để giữ uy tín.
"Thị trường Anh và châu Âu đang rất cần cá thịt trắng, Việt Nam đang đáp ứng rất tốt trong việc xuất khẩu thủy sản vào các thị trường này. Theo đánh giá của các doanh nghiệp và thông tin chúng tôi nắm được, có thể từ đây đến cuối năm việc xuất khẩu thủy sản vào Anh và các nước châu Âu sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa" - ông Dương Nghĩa Quốc nói.
Theo các chuyên gia thủy sản, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8-2020 đã mang lại nhiều ưu đãi, tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng thủy sản của Việt Nam và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, nhất là trong bối cảnh hiện tại.
Còn nỗi lo tỉ giá euro "yếu" hơn USD
Ông Phan Hoàng Duy - phó giám đốc Công ty Xuất khẩu thủy sản Cần Thơ - cho hay biết thị trường Anh, châu Âu thời gian gần đây có nhu cầu thủy sản tăng, đặc biệt là cá tra và tôm của Việt Nam.
Tuy nhiên, tỉ giá đồng euro "yếu" hơn USD nên người dân khối EU muốn mua cá tra, tôm cũng phải tốn tiền hơn trước. "Đây là rào cản lớn đối với việc nhập khẩu tôm, cá tại thị trường này, còn lại việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường này có nhiều thuận lợi rất lớn" - ông Duy khẳng định.
Hiện nay, Công ty Xuất khẩu thủy sản Cần Thơ xuất khẩu trên 30 nước, chủ yếu là các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Mexico, Canada, Brazil và một số thị trường châu Á khác... Tuy nhiên ông Duy cũng khẳng định từ đây đến cuối năm 2022, thị trường Mỹ và các thị trường khác sẽ không tăng cao nên kỳ vọng xuất khẩu cá tra và thủy sản sang thị trường châu Âu vẫn tăng mạnh như hiện nay.
Hiệp định thương mại cũng "mở đường" cho gạo
Công nhân đưa gạo lên tàu xuất khẩu gạo tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Không chỉ cá tra, thủy sản được lựa chọn nhiều ở thị trường Anh mà gạo Việt Nam xuất khẩu sang Anh cũng được người tiêu dùng nước này chú ý và lựa chọn nhiều hơn.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết trước đây Anh có nhập khẩu gạo của Lộc Trời nhưng lượng nhập khẩu gạo Việt Nam chưa nhiều. Tuy nhiên, "nếu không có gì thay đổi thì trong tháng 10 tới đây, Lộc Trời sẽ xuất khẩu trên 6.000 tấn gạo đi Anh, có thể là chuyến hàng gạo đầu tiên xuất khẩu với số lượng lớn sang thị trường nước Anh vì hiện tại chúng tôi vẫn đang xuất khẩu sang Anh nhưng chỉ số lượng nhỏ dao động 200 - 300 tấn/tháng" - đại diện Lộc Trời hồ hởi nói.
Thị trường nước Anh có nhu cầu tăng mạnh khi họ tìm hiểu được gạo của Lộc Trời đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu. Hiện nay giá gạo xuất khẩu sang thị trường này dao động 600 - 800 USD/tấn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường Anh hút hàng gạo, trong đó đáng chú ý nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và một số hiệp định thương mại khác mà hàng hóa Việt Nam (trong đó có gạo) vào Anh được miễn giảm thuế, người dân Anh muốn nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhiều hơn. Không chỉ vậy, việc giảm thuế cũng khiến các doanh nghiệp Anh bắt đầu quan tâm đến chất lượng của gạo Việt Nam.
"Trước đây Lộc Trời xuất khẩu sang Anh phải chịu thuế 175 USD/tấn thì hiện nay không còn. Do đó người dân Anh đã muốn nhập khẩu gạo Lộc Trời nhiều hơn nhờ các hiệp định giảm thuế. Gạo Lộc Trời vào thị trường Anh sẽ có giá rẻ hơn so với trước đây. Thêm vào đó, thị trường châu Âu và nước Anh nhận thấy gạo Việt Nam đã đạt chuẩn theo yêu cầu của họ và nhập khẩu gạo vào rất nhiều" - đại diện Tập đoàn Lộc Trời phân tích.
Tuy nhiên, hiện nước Anh và châu Âu chỉ chấp nhận một số doanh nghiệp Việt Nam, chứ không hoàn toàn mua tất cả các loại gạo từ Việt Nam. Để xuất khẩu sang thị trường Anh, ngoài chứng nhận chất lượng gạo đạt chuẩn theo tiêu chuẩn thế giới, phía Anh còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải xuất trình thêm chứng nhận doanh nghiệp đạo đức trong kinh doanh (SMETA - Sedex Members Ethical Trade Audit).
Đây là tiêu chuẩn nhân văn cao nhất ở thị trường châu Âu, là tiêu chuẩn được đánh giá cao nhất của thị trường cao cấp này. Doanh nghiệp ở Anh tìm đến Lộc Trời cũng vì họ là thành viên của tổ chức này. Lộc Trời đã lấy được chứng nhận SMETA cách đây hai năm.
Gạo đáp ứng được thị trường cao cấp gồm ba tiêu chí: gạo ngon - phù hợp với thị trường; tin tưởng sản phẩm của doanh nghiệp được quản lý bởi hệ thống chứng nhận chất lượng và thứ ba là an toàn thực phẩm phải được kiểm soát theo quy trình đảm bảo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Muốn xuất khẩu gạo, phải tính trước khi... trồng
"Đặc thù đối với việc xuất khẩu gạo vào các thị trường cao cấp là phải bán trước khi trồng, khác với tâm lý của nông dân Việt Nam là trồng rồi mới tìm người bán" - đại diện Lộc Trời nói.
Theo đó, cách đây hai năm Lộc Trời đã xây dựng các tiêu chí và ký kết với nông dân là giống nào đi Nhật, giống nào đi châu Âu, giống nào đi Mỹ… rõ ràng ngay từ đầu mới phân lập và lên tiêu chuẩn để sản xuất. "Nay thị trường Anh bỗng hút hàng thì cũng phải tính lại việc trồng, không thể tự nhiên ra đồng mua lúa của nông dân rồi xuất đi nước này, nước kia là được" - vị này giải thích.
B.ĐẤU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận