Đơn giản vì "dám" khác đám đông

TRÂN CHÂU
TRÂN CHÂU

Là giảng viên đại học, công việc của tôi khá lành với sự nghiệp chủ yếu là “gõ đầu trẻ thành niên”, tuy nhiên tôi chỉ dám bàn về chuyên môn với sinh viên, còn những gì thuộc phạm trù văn hóa, đạo đức, xã hội chỉ có thể tâm sự cá nhân nơi cà phê vỉa hè, không dám rao giảng bao giờ bởi tôi cũng không dám khác với đám đông vốn có siêu lực vô hình.

Trường tôi là một đại học công lập khá nghiêm túc trong đào tạo và thi cử. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có những lớp sinh viên học hành chểnh mảng, hoặc bê bối trong quá trình thực tập, cẩu thả khi viết khóa luận tốt nghiệp... nhưng giảng viên phải chùn tay khi chấm điểm thấp hàng loạt.

Một luật bất thành văn là nếu mình thẳng thắn quá, lớp mình trượt nhiều thì giảng viên sẽ bị xét lại đầu tiên, thậm chí phải giải trình nếu sinh viên đơn từ kiện cáo, và những đợt sau sẽ bị cắt lớp mà không được giải thích rõ ràng. Vậy cứ ngầm nâng điểm tập thể để “cả nhà đều vui”!

Do đó nhiều sinh viên nắm được “thóp” này cứ ung dung tự tại, chỉ sợ riêng mình học quá yếu chứ cả đám đông kém cỏi thì thầy cô và nhà trường buộc phải giải quyết thôi.

Chuyện thi cử phận ai nấy làm, không chia sẻ bài thì thôi chứ cấm bép xép việc bạn mình quay cóp, sẽ không chỉ bị đứa đó trừ khử mà còn bị cả lớp ghét bỏ vì tội “rảnh rỗi sinh nông nổi” hại người! Thế là mạnh ai chép gì cứ chép, tránh để thầy cô phát hiện chứ không lo bạn bè chỉ điểm.

Như vậy công bằng thi cử do nhà trường xác lập mà đối tượng thụ hưởng là sinh viên chẳng thiết tha gì tham gia quá trình này dù liên quan trực tiếp quyền lợi của mình.

***

Năm ngoái, một sinh viên nhặt được chiếc ví có vài triệu đồng đem nộp phòng công tác sinh viên tìm người đánh rơi trả lại, dĩ nhiên bạn được nhà trường tuyên dương; nhưng đồng thời lại nhận được bao nhiêu dè bỉu kiểu “đánh hội đồng” trên Facebook.

Nào là giả dối tạo tiếng vang, nào là chảnh chọe... khiến em muốn độn thổ, tự thề rằng từ nay không bao giờ dại dột làm việc tốt nữa, hoặc phải làm thật lặng lẽ để không bị lãnh búa rìu dư luận ngược đời như vậy.

Nói như nhiều sinh viên rằng hơi đâu bận tâm, cứ theo hùa đám đông mà sống, mình không thành người hùng cũng chẳng đến nỗi “bất khuất”, dại gì lội ngược dòng thác lũ sẽ bị nhấn chìm oan uổng.

Phải chăng sự thật là thế, đó là trào lưu mới? Phải chăng cái xấu nhiều đến mức bình thường hóa mất rồi? Điều tốt bị tuyệt chủng đến nỗi hiếm hoi xuất hiện thành xa lạ, dị biệt đến mức bị ném đá vì dám khác đám đông?

Tôi không tin mảng lớn xã hội tồi tệ nhưng tôi nghĩ phần nhiều chúng ta đang dần thỏa hiệp với cái xấu thành quen mắt, quen tai, thói quen ngại phản ứng, quên đấu tranh đã vo tròn chúng ta trong thinh lặng? Lâu dần họ không muốn bị điều khác lạ đánh thức làm phiền, thậm chí không còn nhận ra đó là điều tốt đẹp giản dị nữa, nên bổ nhào đến triệt tiêu chúng để mình được yên thân?

TRÂN CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên