Minh họa: BÍCH KHOA |
Đọc bài báo của tác giả Lê Ngọc Hạnh về trường hợp em học sinh T. trường X (Bình Dương), người làm tư vấn có thể nhận thấy đây là một trường hợp khủng hoảng “bản sắc” của trẻ vị thành niên.
SÓNG NGẦM
Điều trước tiên, cần định hình lại những vấn đề của bạn học sinh này:
- Tính đến thời điểm hiện tại, em học sinh này được 17 tuổi, ở vào giai đoạn sau của lứa tuổi vị thành niên. Cần nói rằng trong giai đoạn này, trẻ vị thành niên có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt: thể chất, nhận thức, cảm xúc, các mối quan hệ xã hội, hành vi ứng xử, tính trách nhiệm, sự tự đánh giá và tự nhận thức bản thân...
Đây là giai đoạn trung gian giữa giai đoạn trẻ em và giai đoạn người lớn. Trẻ vị thành niên không còn là trẻ con nhưng chưa trở thành người lớn có thể tự lo liệu cho bản thân. Các bạn trẻ vẫn còn phụ thuộc vào bố mẹ và gia đình trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là về kinh tế.
Trẻ vị thành niên sẽ gặp phải cuộc khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời: khủng hoảng “bản sắc”. Các câu hỏi định vị bản thân trong gia đình, ở nhà trường, ngoài xã hội luôn khiến các bạn trẻ bận tâm. Xu hướng tìm kiếm những điều mới lạ, cảm giác mới giúp trẻ thỏa mãn mong muốn tự khẳng định bản thân.
Tuy nhiên, những điều này diễn ra khác nhau ở những cá nhân khác nhau. Trong trường hợp của em, mọi thứ xảy ra dường như yên ả cho tới thời điểm hiện tại. Nhưng trong sự yên ả này luôn ẩn chứa những sóng ngầm mà không ai có thể lường trước được.
- Đã từng là học sinh giỏi, xuất sắc trong nhiều năm, được báo chí ca ngợi như một tấm gương tốt cho các bạn trong trường...
- Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, bố mẹ phải làm việc vất vả để kiếm tiền nuôi ba con ăn học. Em là con cả, luôn có trách nhiệm với mọi thành viên trong gia đình, luôn khiến cho gia đình tự hào. Có thể nói tính trách nhiệm của em đối với những người thân trong gia đình cao hơn so với hai em, nhất là trong hoàn cảnh gia đình như hiện tại.
Bản thân em có bệnh từ nhỏ (u phổi), nhưng vì kinh tế gia đình quá khó khăn nên căn bệnh đó không được chữa trị. Em phải chịu đựng căn bệnh này từ 10 năm nay. Mặc dù vậy, em không muốn bố mẹ cho cô giáo biết về bệnh của mình để được phép tham gia vào các hoạt động của trường.
Vậy lý do gì khiến em học sinh này muốn bỏ học, phản ứng kịch liệt với bố mẹ, không hợp tác với bất kỳ ai, rơi vào trạng thái trầm cảm và thậm chí đòi tự sát khi bố mẹ muốn đưa em đến bệnh viện?
Liệu việc em ấy có hẹn hò qua mạng với một cô gái nào đó ở Quảng Ngãi, muốn bỏ học đi tìm cô gái đó để cùng lập nghiệp, làm ăn sinh sống (theo như lời mẹ nói) là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hiện tại? Hay còn một nguyên nhân nào khác?
NHỮNG CÂU HỎI ĐẦU TIÊN
Trên thực tế, về mặt nguyên tắc, để hiểu rõ câu chuyện của em học sinh này, người tư vấn cần phải gặp trực tiếp gia đình, gặp trực tiếp em học sinh ấy để trao đổi, quan sát, hỏi chuyện và tìm hiểu nguyên nhân thật sự vấn đề của em. Tuy nhiên, trước khi thực hiện tiến trình làm việc trực tiếp với gia đình, với cá nhân em học sinh, người tư vấn đặt ra một số câu hỏi như sau:
- Thật khó để bố mẹ hiểu con muốn gì, bởi em ấy không nói bất kỳ lý do nào cho bố mẹ khi yêu cầu mẹ xin cô giáo cho thôi học và nói là muốn đi lập nghiệp, làm ăn xa.
Vì sao em ấy muốn đi lập nghiệp làm ăn xa mà không đi học nữa, trong khi con đường học tập của em rất sáng sủa, em lại được nhiều người hiểu hoàn cảnh và giúp đỡ (có những phụ huynh giúp đóng học phí, đóng bảo hiểm, em được nhận học bổng học sinh xuất sắc toàn diện năm lớp 9)? Chuyện gì xảy ra với em ấy từ năm lớp 10 đến nay?
- Vì sao em lại nói: “Ba mẹ coi như không có con đi, ba mẹ còn có hai em là đủ rồi!”? Liệu có sự so sánh nào giữa bản thân em học sinh này và hai em của em không? Vì sao em ấy tự cô lập mình với những người trong gia đình?
Phản ứng kịch liệt, sự bất hợp tác liệu có phải do bố mẹ không cho đi khỏi nhà, cấm cung em ấy không hay vì một điều gì khác nữa? Ở đây, chúng ta sẽ thấy cơ chế tự cô lập và chối bỏ các mối quan hệ với nhiều người khác, những cơ chế thường thấy khi một cá nhân ở trong tình trạng trầm cảm.
- Em học sinh này có các biểu hiện của trầm cảm nhưng chưa hẳn là trầm cảm. Đó chỉ là những phản ứng của em ấy với các quyết định của bố mẹ. Sự cấm đoán càng kéo dài, sự chống đối của em ấy đối với bố mẹ càng được đẩy lên cao. Em muốn chứng minh với bố mẹ rằng em đã là người lớn, có thể tự lập được, bố mẹ không phải lo lắng cho em nữa.
Em cần bố mẹ và những người khác hiểu mong muốn của mình. Nhưng bố mẹ của em và những người khác có hiểu được em đang muốn gì không? Có lẽ là không bởi người mẹ luôn lo lắng con sẽ gặp nhiều nguy cơ nếu không còn trong vòng tay bố mẹ nữa (bị lừa bán thận, bị lừa đi bán ma túy...) và bởi không ai có thể nói chuyện với em, đưa ra cho em những lời khuyên mà theo họ là đúng.
Cần làm gì cho em học sinh này? - Em cần được can thiệp tâm lý. Bố mẹ nên tìm những chuyên gia tâm lý tại các cơ sở tư vấn, tham vấn có uy tín để yêu cầu sự trợ giúp. - Sự can thiệp tâm lý có thể diễn ra ngay tại gia đình, trong trường hợp em học sinh này không muốn ra khỏi nhà. Chuyên gia tư vấn cần có phác đồ trị liệu cụ thể và nên tính đến trị liệu hệ thống gia đình. Có thể tồn tại giả thuyết về những vấn đề trong gia đình, những điều mà em học sinh không muốn cho ai biết, ngay cả với bố mẹ của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận