![]() |
Không chỉ gác đèn, công việc của những người trẻ Cần Giờ aval còn phải lênh đênh sửa chữa phao dẫn đường - Ảnh: V.T.B. |
"Cây đèn chỉ có 2 người"
Nước lên mấp mé những thanh giằng bêtông khi canô cập vào. Chúng tôi leo lên ngọn hải đăng có tên Cần Giờ aval (tiếng Pháp aval có nghĩa là hạ lưu), anh Bá Anh cảnh báo ngay: “Đi cẩn thận, trơn đấy!”. Nhìn xuống, nước biển gầm gào với độ sâu chừng 12m. Chóng mặt quá. Cây đèn biển nhìn từ xa tưởng nhỏ xíu nhưng bước lên rộng thênh thang với diện tích 36m2 và cao 22,5m so với mặt biển. Ra bancông, trèo lên bậc thang trôn ốc tới đỉnh ngọn đèn, phóng tầm mắt ra xung quanh sẽ có cảm giác ngọn đèn chao đảo như đang trôi theo biển nước cuồn cuộn.
Ca trực hôm nay chỉ có hai người: Hoàng Hải và Nguyễn Văn Thuận. Canô mới ra hôm qua thôi, sáng nay lại ra tiếp, vậy mà hai người ra đón mừng rỡ như lâu lắm rồi không gặp đồng đội. Chỉ có hai người cô đơn giữa biển. Các anh tuổi đều trên 30 và chưa vợ, lính hải đăng nên suốt ngày ngoài biển, ít có dịp làm quen các cô gái.
Mười ngày canh đèn biển là mười ngày cách biệt cô độc. Mặc dù đứng ở đây thường xuyên thấy tàu bè qua lại, ban đêm đèn sáng nhìn thấy một bên là TP Vũng Tàu rực rỡ và một bên là TP.HCM nhấp nháy ánh đèn, nhưng nói như anh Hải: “Gần trung tâm thành phố đấy mà cứ phải nằm một chỗ giữa biển, quanh quẩn đi ra đi vào”. Nỗi cô đơn của các anh lại là niềm vui của những con tàu, khi mỗi đêm ngọn đèn chiếu sáng và máy bộ đàm của Cần Giờ aval luôn thường trực 24/24g.
Ông Phạm Văn Quang, giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải 202 - đơn vị quản lý đèn biển Cần Giờ aval, cho biết: “Nhờ có ngọn hải đăng này mà tàu bè đi vào sông Sài Gòn dễ dàng, nhất là tránh khỏi vướng vào bãi cạn. Không những thế Cần Giờ aval còn quản lý 23 phao dẫn đường. Hoa tiêu của các con tàu nếu thấy phao nào không sáng đèn sẽ báo về aval, từ đó gọi người trong đất liền ra sửa chữa kịp thời”.
Linh hồn của aval là êkip bảy người (thuộc trạm Gành Ráng - Sao Mai) thay phiên nhau thắp đèn giữa biển. Cơn bão khủng khiếp năm 1997 để lại một ấn tượng khó phai mờ. Anh Bá Anh ra đón đồng đội lúc khoảng 4g-5g chiều. Sóng đánh mạnh, tàu không cập sát được, chỉ sợ đánh vỡ luôn cây đèn sắt đã ọp ẹp. Anh em chợt nghĩ ra cách dùng can nhựa làm phao, vòng dây kéo người bơi qua.
Cách bờ biển Vũng Tàu chừng 13km, lịch sử ngọn hải đăng Cần Giờ aval cũng lắm “truân chuyên”. Được làm bằng thép từ thời Pháp thuộc, mãi tới đầu những năm 1990 bị phá bỏ. Đến năm 2005 Cần Giờ aval được phục hồi, được xây lại bằng bêtông cốt thép vững chắc. |
Theo anh Bá Anh, lần đầu ra đây mất một thời gian người thợ mới quen được cảm giác sống trên một ngôi nhà giữa biển: “Cây đèn này nằm ở khúc quanh luồng tàu chạy qua. Hồi mới ra tôi giật mình khi thấy có những con tàu to như ngôi nhà năm tầng cứ lừ lừ tiến lại tưởng húc đổ cây đèn đến nơi. Anh em cười cho, bảo làm gì có chuyện đó!”.
Có khi đang ngủ chợt giật mình tưởng mưa, định... chạy ra ngoài cất quần áo, hóa ra là tiếng sóng. Nay các anh vừa có thêm người bạn mới: cây sáo diều treo bên cửa sổ. Phạm Đức Công, chàng trai trẻ quê Thái Bình, vừa mang món quà này vào cho đồng đội. Sáo diều vốn chỉ vi vu ở đồng quê, nay ra đại dương được dịp thét gào lớn tiếng. “Đôi khi điếc cả tai - anh Thuận bình phẩm - nhưng mà vui lắm”.
Niềm vui giản dị như thế, nhưng trách nhiệm lại rất nặng nề. Ai không canh đèn thì cũng thường xuyên đi sửa phao dù thời tiết thế nào. Hôm chúng tôi đến, đã ba ngày liền các anh phải ra biển vì hoa tiêu liên tục báo về có phao bị hỏng. Sóng đánh làm hỏng ăcqui, rồi chim hải âu thả sức “bậy bạ” làm chập mạch điện..., đủ các lý do khiến đèn phao không sáng được.
Tại phao số 15, ngay khi ba anh em Lâm Văn Tiễn, Hoàng Văn Thám, Nguyễn Đức Công đang trèo lên sửa phao thì một tàu container to đùng chạy qua. Canô phải chạy ra xa sợ sóng đánh đập vào phao, còn anh em thì ngừng làm việc và bám cho chặt. “Vất vả lắm - anh Đông, người lái canô, nói - Có hôm biển động, tàu chạy qua, sóng đánh làm phao (cao khoảng 4m) ngã dụi xuống nước. Bám không chặt là rơi xuống như chơi”.
“Công việc vất vả mà thu nhập của mỗi người chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng - ông Quang nói - Nhưng cái chính là sự tận tụy với nghề và tình cảm yêu thương đùm bọc nhau”. Lần nào đi sửa phao, nước ngọt, thực phẩm cũng được mang ra phòng khi túng thiếu do biển động bất ngờ, và họ đã sống gắn bó như một gia đình trong một công việc rất đặc thù. Tại sao các anh cứ phải nhất thiết mỗi ca kéo dài trong 10 ngày mà có thể ngắn hơn để được thường xuyên về với gia đình?
Anh Bá Anh cười: “10 ngày mới đủ cho chúng tôi cảm thấy quen với nhịp sống ngoài đó, và như vậy công việc sẽ tốt hơn”. Xa bờ, đơn độc vậy mà những bạn trẻ như Công, Thám, Kiên vẫn chịu khó đi học lên đại học, ngành vận tải biển, để gắn bó hơn với công việc của mình.
Dân đánh cá địa phương cũng có cách gọi riêng cho đèn biển: bóng trắng. Buổi sáng, bóng trắng aval in hình xuống mặt biển như một người khổng lồ, người khổng lồ đang chợp mắt đôi chút để đêm đến lại thức trắng với ngọn đèn giữa biển...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận