26/06/2020 11:54 GMT+7

Đờn ca tài tử sao hóa thành âm nhạc nghiệp dư!?

NGUYỄN KỲ NAM (Đại học Công nghệ Texas, Mỹ)
NGUYỄN KỲ NAM (Đại học Công nghệ Texas, Mỹ)

TTO - Trên nhiều trang web tiếng Anh về văn hóa và con người Việt Nam, tên của đờn ca tài tử vẫn hay được dịch là 'amateur music'.

Đờn ca tài tử sao hóa thành âm nhạc nghiệp dư!? - Ảnh 1.

Chữ “đờn ca tài tử” được giữ nguyên tiếng Việt trong banner tại Hội nghị bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể năm 2013 dịp UNESCO vinh danh đờn ca tài tử. Trong ảnh: NSƯT Huỳnh Khải tại hội nghị - Ảnh: NVCC

Mỗi khi về miền Tây, thấy những biển quảng cáo cho âm nhạc tài tử Nam Bộ, tôi lại nhức nhối trong lòng, vì bên dưới bốn chữ "đờn ca tài tử" là mấy chữ tiếng Anh - southern amateur music, dịch ngược lại sang tiếng Việt là "âm nhạc nghiệp dư miền Nam". 

Không những thế, trên nhiều trang web tiếng Anh về văn hóa và con người Việt Nam, tên của đờn ca tài tử vẫn hay được dịch là "amateur music".

Tôi chuyên học nhạc cổ điển phương Tây từ nhỏ, chưa có nhiều điều kiện để học hỏi sâu về sự tinh xảo, điêu luyện của đờn ca tài tử. 

Tuy nhiên, tôi vẫn có thể chắc chắn một điều rằng việc dịch "đờn ca tài tử" thành "southern amateur music" sẽ gây nhiều hiểu lầm, khiến dòng nhạc của văn hóa miền Tây Nam Bộ bị mất phẩm giá một cách trầm trọng. 

Chữ "amateur" trong tiếng Anh có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất diễn tả việc làm một việc gì đó vì đam mê chứ không phải như một nghề để sống, nghĩa thứ hai là "thiếu chuyên nghiệp, không điêu luyện". 

Trong khi đó, chữ "tài tử" trong tiếng nước ta xuất phát từ chữ Hán và có nghĩa là "người tài hoa".

Đờn ca tài tử có xuất xứ từ ca Huế, được các thầy đờn ngoài miền Trung đem truyền dạy xuống phía Nam, ngày càng đổi mới mà thành nhạc tài tử ngày nay. 

Người ta thường chơi nhạc tài tử trong các tư gia, thính phòng nhỏ, như một thú chơi tao nhã với tri âm tri kỷ. Người chơi tự gọi là "tài tử" để phân biệt mình với những người chơi nhạc để kiếm sống. 

Đó là vì trong văn hóa nước ta từ xa xưa đến trước thế kỷ 20, những người đờn ca để kiếm sống bị gọi là "xướng ca vô loài". Con em nhà gia thế học cầm, kỳ, thi, họa phần nhiều để tu dưỡng thân tâm, rèn ngũ đức Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. 

Đối với họ, đờn ca tài tử chính là một lẽ sống, một thú tao nhã mà chỉ có những người tri âm mới hiểu được. Đến khoảng thế kỷ 20, người ta mới đem đờn ca tài tử lên sân khấu và thu vào băng đĩa để bán.

Dĩ nhiên, thời thế đổi thay, nhạc tài tử hiện nay được chơi nhiều hơn trong những chương trình thương mại cũng là chuyện đáng khích lệ, để người có tâm có tài có thể sống được với nghề. 

Nhưng ta không nên quên rằng cái tinh tế, kỹ nghệ của dòng nhạc này xuất phát từ những không gian riêng tư, thân mật, bất vụ lợi. Ta càng không nên hiểu lầm rằng đờn ca tài tử là âm nhạc cho người nghiệp dư. 

Đối với nhạc tài tử, người nghe và người chơi nhạc phải thông hiểu hết các nhạc mục, chuẩn mực của thể loại này mới có thể nghe ra tiếng đờn hay dở. Một cái khó trong nhạc tài tử, cũng như trong các thể loại cổ điển Việt Nam, là sự ngẫu hứng. 

Muốn ngẫu hứng được thì trước hết phải thuộc bản đờn, luyện ngón đờn, rồi phải hòa theo người chơi cùng. Vì tính ngẫu hứng đó mà một bài không bao giờ được chơi hai lần giống nhau.

Với những đặc điểm này, việc dịch chữ "tài tử" thành "amateur" không hẳn là hoàn toàn sai, nếu người dịch và người đọc đều biết nghĩa thứ nhất của chữ "amateur". 

Tuy nhiên, chúng ta không thể đảm bảo rằng người nước ngoài sẽ không liên tưởng đến nghĩa thứ hai của chữ "amateur" rồi có ấn tượng rằng đờn ca tài tử chỉ là một dòng nhạc cho những người không chuyên, không đáng xem trọng. 

Như vậy, chữ "amateur" ở đây rất mập mờ. Tôi cho rằng chúng ta có thể để nguyên tên Việt là "đờn ca tài tử" khi viết về dòng nhạc này bằng tiếng Anh.

Thiết nghĩ, đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, bản thân người Việt chúng ta càng phải cẩn trọng với từng tiểu tiết khi giữ gìn và quảng bá nó.

* NSƯT - thạc sĩ Huỳnh Khải (nguyên trưởng khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM):

Không dịch "đờn ca tài tử" sang tiếng Anh

Trong một luận án tiến sĩ bằng tiếng Pháp rất nổi tiếng của một vị GS.TS rất đáng kính ở nước ta hồi những năm cuối 1950, ông có dùng chữ "amateur music" khi nói về "đờn ca tài tử", nhưng với ý nghĩa đây là loại hình âm nhạc sinh hoạt trong cộng đồng.

Sau đó, ông có một tài liệu nói rõ hơn về cách dùng này để tránh gây hiểu nhầm. Tuy nhiên, có thể có một số ít người sử dụng lại tài liệu trước đó nhưng không đọc kỹ, không hiểu rõ ý nghĩa nên vẫn tiếp tục sử dụng chữ này.

Hiện nay, tên gọi "đờn ca tài tử" khi ra quốc tế được giữ nguyên chữ tiếng Việt khi giới thiệu (giống như "áo dài"), chứ không dịch ra tiếng Anh.

Tôi đã tham gia nhiều cuộc biểu diễn, giao lưu trong nước và quốc tế, trên băngrôn tôi vẫn thấy người ta để nguyên chữ tiếng Việt.

Thời điểm UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2013, trong bằng vinh danh họ đã để nguyên chữ "đờn ca tài tử" không phiên dịch ra tiếng Anh.

"Amateur music" thì quốc gia nào cũng có, nếu dùng đúng như thế sao phân biệt với loại hình âm nhạc đờn ca tài tử rất đặc thù của VN ta?

LINH ĐOAN ghi

'Cô Kiều' mê đờn ca tài tử giữa Paris

TTO - Ngày 29-3 tới, tại nhà hát Théâtre Saint - Léon ở quận 15, Paris (Pháp), vở nhạc kịch đờn ca tài tử chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du do nghệ sĩ Trúc Tiên biên soạn, dàn dựng và trực tiếp đảm nhiệm vai Kiều sẽ ra mắt khán giả.

NGUYỄN KỲ NAM (Đại học Công nghệ Texas, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên