![]() |
Gia đình thương hồ Tư Lai trên sông nước An Giang - Ảnh: Tấn Đức |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nhưng có lênh đênh theo ghe mới thấm thía nhiều nỗi niềm của đời thương hồ. Không chỉ sống rày đây mai đó lãng mạn, đời thương hồ là những câu chuyện tình nghĩa, mưu sinh nhọc nhằn và bao hiểm nguy trên sông nước.
Xem video clip "Gạo chợ nước sông": |
Quê miệt thị trấn Vĩnh Thuận, Kiên Giang, Tư Lai (Nguyễn Tư Lai) năm nay ngoài 40 tuổi nhưng đã hơn 15 năm ngang dọc sông nước.
Hồi trẻ, anh là thầy giáo cấp I, rồi tình nguyện sang chiến trường Campuchia. Ra quân, anh về quê làm ruộng, mùa nào trúng cũng chỉ được 18-20 giạ/công, không đủ xoay xở. Quẫn quá, Tư Lai giao ruộng lại anh em, gom góp hơn chục triệu đồng mua chiếc ghe 9 tấn bằng gỗ sao. Thêm vài triệu làm vốn, vợ chồng lên ghe sống đời thương hồ.
Nơi nào trái cây vô mùa, giá rẻ là tới
![]() |
Ảnh: Quốc Việt |
Ban đầu, Tư Lai đi ghe tứ xứ, từ Vĩnh Thuận qua Hỏa Lựu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre… Nơi nào trái cây vô mùa, giá rẻ là anh tới. Khi thì dừa khô, lúc khóm, chuối, sắn, khoai lang…
“Nghề sông nước có tiền ra tiền vào, lại được đi đây đó, biết được nhiều chuyện lạ. Chẳng hạn gọi chục trái cây chứ ở An Giang là 12, Rạch Giá 16, Cà Mau lên tới 18. Dừa khô không đâu lớn và ngon như ở Mỹ Thuận, Bến Tre; còn khóm thì xứ Cầu Đúc (Hậu Giang) là nhất, trái ký lô tám là chuyện thường. Chuyện mua bán mỗi nơi mỗi khác. Ví như vùng Tắc Cậu, Xẻo Rô, Miệt Thứ (Kiên Giang) nếu ghe “ăn” khóm vào mùa này thì chỉ đếm trái tính tiền chứ không cân ký" - vợ Tư Lai nói rành rẽ với chúng tôi.
Đoạn kênh Xáng từ chợ Tà Đảnh vào tới Ba Thê (huyện Thoại Sơn, An Giang) dài khoảng chục kilômet, ken đặc xuồng của dân cắt lúa các nơi tụ về. Ghe đến Ba Thê, rẽ về Sóc Xoài theo kênh xáng Mỹ Hiệp Sơn rồi trổ ra kênh Rạch Giá - Hà Tiên ngược dòng lũ đầu mùa về Rạch Sỏi.
Trời đã xế bóng, Tư Lai cho ghe tăng tốc để kịp ra Tắc Cậu (Kiên Giang) “ăn” hàng. Tới vàm sông Cái Lớn (Xẻo Rô, huyện Châu Thành, Kiên Giang) gió thổi mạnh, ghe tròng trành muốn trôi ngược. Vất vả lắm Tư Lai mới cho ghe cập vào bến sông trước khu vườn của ông Hai Lắm ở ấp An Bình, xã Bình An. Chủ nhà nghe tiếng máy, đon đả ra đón và đưa khách thẳng vào nhà lớn.
Mâm cơm đặc sản miệt vườn đã dọn sẵn. Khách mua, người bán hàng vừa ăn vừa rôm rả chuyện trò như họ hàng lâu ngày gặp nhau. Xong xuôi, chủ khách mới lôi mấy trăm dừa khô ra cân và gánh xuống ghe, trả tiền sòng phẳng rồi lưu luyến chia tay, hẹn lần lấy hàng tháng sau.
Nếu nhà vườn cần mua thùng mì gói, xấp vải hay bất cứ thứ gì cần mà không có dịp ra chợ thì cứ dặn thương hồ “lần sau xuống mua giùm nghen”, rồi lấy trái cây trừ tiền. “Dân thương hồ trọng chữ tín, tiền bạc đàng hoàng chứ không làm ăn “sống nhăn” bậy bạ đâu” - Tư Lai cười khà khà.
Nhọc nhằn trên sông nước
![]() |
Nga đẫm mồ hôi, xếp 20 tấn dưa một ngày - Ảnh: Quốc Việt |
Ngược trở lại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chúng tôi tiếp tục theo ghe của gia đình anh Tư Hướng xuôi về mua dưa hấu miệt Thốt Nốt. Chiếc ghe 20 tấn chở gia đình bốn người và mấy ông khách vẫn rộng thênh thang.
Nhìn bộ dạng bề ngoài của Tư Hướng cũng đủ hiểu tính khí thương hồ. Nước da đen nhẻm, ăn nói bỗ bã ầm ầm hơn cả tiếng máy ghe, thậm chí nhiều lúc anh còn làm thêm điệu bộ tay chân vì sợ khách không nghe được.
Người đàn ông 52 tuổi này tên thật là Phạm Văn Tươi, quê ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng), đã từng đi bộ đội thời chống Mỹ, hòa bình về làm quản lý khách sạn mấy năm, rồi chuyển hẳn sang nghề sông nước.
20 năm đi ghe, anh đã phải đổi ba xác ghe mới “lên đời” được chiếc ghe 20 tấn với giá trị hơn 100 triệu đồng này. Qua Trà Nóc, sông rộng, ít ghe, Tư Hướng nói: “Được chút thoải mái vậy chứ nghề ghe cực lắm. Lát quẹo vô kênh nhỏ, mấy ông sẽ rành”.
Chuyện trò chưa cạn bình trà thì ghe đã quẹo vô kênh nhỏ chằng chịt cầu, đáy lưới và mấy đoạn cong rậm rạp cây lùm không thể nhìn thấy được phía trước. Suýt chút đã có va chạm. Tư Hướng hụ còi xin qua một đoạn sông cua. Chiếc ghe trấu cỡ 40 tấn chạy ngược chiều khuất ở phía trước vẫn lù lù tiến tới. Anh mím môi, kéo ngoặt cần lái tấp vào bờ. Vợ con phía trước phải cong lưng chống sào phụ. Mồ hôi như tắm trên lưng áo họ.
Trời tờ mờ sáng, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng ồn ào của những người hái dưa thuê. Họ đang chờ nắng lên, làm khô ráo bớt trận mưa đêm. Vợ con Tư Hướng cũng đã chuẩn bị xong bữa cơm. Họ ăn thật nhanh để còn làm việc.
Từng nghe tâm sự nhọc nhằn của đời thương hồ, nhưng đây là lần đầu chúng tôi được chứng kiến tận mắt. Suốt cả ngày Nga và đứa em họ ướt mồ hôi như tắm dưới lòng ghe để xếp 20 tấn dưa. Còn Tư Hướng còng lưng, ngồi lựa từng trái. Vợ anh nhẹ nhất với việc tính sổ, nhưng thật ra cũng không đơn giản. 20 tấn dưa cân theo ký. Cái sổ chi chít các con số. Chỉ một chút lơ là chị có thể bị nhầm lẫn ngay.
Tối đó mới xuống ghe dưa xong, mồ hôi còn đang ướt áo, Tư Hướng đã vội vàng quay ghe chạy đêm cho kịp phiên chợ sáng mai. Dưa đã cắt mau hư. Thời gian đến với khách hàng là vàng bạc. Và đêm nay anh sẽ thức trắng...
Hiểm nguy treo đầu mũi ghe
Những ngày lênh đênh theo các ghe hàng xuôi ngược miền Tây, chúng tôi nghe biết bao chuyện bất trắc của đời thương hồ. Tuy sông nước rộng ít xảy ra tai nạn hơn giao thông trên bộ, nhưng cũng không ít hiểm nguy trước mũi ghe.
Một phần vì ghe tàu thương hồ bình thường không thể thắng được nhanh như xe cộ và nguyên nhân lớn hơn là họ hay rong ruổi chạy mò trong đêm hôm để kịp những phiên chợ lúc bình minh.
Ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), ông Hai Thuận chọn đời buôn bán trên sông nước từ sau năm 1975 đến nay cũng giữ nhiều ký ức buồn trên sông nước. Lênh đênh khắp miền Tây, hết chở củi, chở mắm rồi chở trái cây đi bán, gia đình ông Hai Thuận ngán nhất là vùng sông nước Cà Mau, Kiên Giang mà đặc biệt là đoạn từ Hộ Phòng đi Tắc Cậu.
Nước đoạn sông này thường xuyên chảy xiết, đáy lưới giăng đầy và nhiều vỏ lãi chạy ẩu. Mấy lần, ông đã đau lòng chứng kiến ghe thuyền bạn bè bị nhấn chìm trên đoạn sông nguy hiểm này.
Hôm gặp chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Phục, chủ tàu hàng AG 11951, đang rầu lòng với trát của tòa án mời. Nối đời sông nước của cha, ông có tiếng cẩn thận, nhưng vừa rồi vẫn không tránh khỏi tai nạn ngay trên đoạn sông Vàm Cỏ, Long An.
Trong đêm tối trên đường sông về Long Xuyên, An Giang, tàu ông vượt lên, xảy ra va quệt dây chuyền với mấy chiếc tàu khác, cuối cùng một chiếc tàu bị chìm cùng toàn bộ hàng hóa. Tâm sự chuyện đó với chúng tôi, ông nghẹn giọng: “Thôi, phải trái để cho tòa phân xử. Tui chỉ ngậm ngùi với nghiệp thương hồ mong manh của mình”.
Với đời thương hồ, chiếc ghe không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là mái nhà, là nơi chốn đi về của cả gia đình. Mất nó hay phải rời nó, họ như bị mất tất cả. Hiện nay, những người đi ghe không chỉ có nỗi lo tai nạn mà còn sợ cả tình trạng cướp bóc.
Nhẹ nhất thì đêm hôm bị trộm gỡ máy ghe, còn trắng trợn hơn thì cướp công khai. Tiền bạc, tư trang, thậm chí cả hàng hóa cồng kềnh cũng không từ. Anh Hồ Văn Vũ, một thương hồ quê Sóc Trăng, bán ở chợ nổi Cà Mau, kể: “Ngán nhất là các băng nhóm choai choai, chạy vỏ lãi tốc độ cao tấp vô ghe mình hỏi xin như cướp. Mình không cho, tụi nó phá ghe”.
Còn ông Hai Thuận có lần đã phải cầm cây chèo “tử thủ” với bọn cướp. Thấy ông già quyết sống mái, bọn chúng quay lui, nhưng hăm he sẽ có ngày quay lại nhấn nước ông!
------------------------------
Số tới, ký sự đồng bằng Đời thương hồ sẽ tiếp tục với chuyện làm ăn lời lỗ của thương hồ bấp bênh như con nước lớn ròng. Nhưng nhiều người vẫn không rời dòng sông.
Kỳ tới:Những phiên chợ nổi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận