02/01/2010 06:12 GMT+7

Đời tàu chợ - Kỳ 3: Phận ga xép

VŨ THANH BÌNH
VŨ THANH BÌNH

TT - Tàu chợ gắn với ga xép như hình với bóng bởi có những ga mà chỉ đoàn tàu này mới dừng lại. Nỗi nhớ con tàu lại càng thêm khắc khoải với ga Đồng Chuối - một ga nằm đơn côi ngay trên đỉnh đèo, nơi những nhân viên đường sắt phải đương đầu với nỗi buồn và thời tiết khắc nghiệt.

Từ khi ra đời, ga Đồng Chuối (xã Hương Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã là chỗ dựa cho bảy hộ dân trong vùng chuyển tới mưu sinh.

MBPIDJJM.jpgPhóng to
Hồ Quốc Cương làm hiệu cho tàu qua ga xép Đồng Chuối - Ảnh: V.T.Bình

Kỳ 1: Toa tàu chở cuộc mưu sinh Kỳ 2: Xe buýt... đường sắt

Mùa nào cũng buồn

“Làm bạn với rắn, rết là chuyện thường tình ở đây” - anh Nguyễn Hữu Thành, nhân viên ga, cho biết. Không cần minh chứng bởi cả đám rết to bằng ngón tay ngâm trong chai rượu để ngay trên bàn ăn khiến khách lạ dễ rùng mình. Còn rắn, đáng sợ nhất là các loại cạp nong và hổ mang.

Gác ghi buổi đêm thấy rắn bò vào phòng làm việc là chuyện bình thường. Một lần anh Phạm Văn Bằng trong ca trực đêm ở phòng thông tin thì một con rắn hổ mang bò qua cửa sổ. Vừa lúc này có tín hiệu một đoàn tàu sắp chạy qua. Bằng nhảy tới đóng cửa kẹp con rắn treo lủng lẳng ở đó và tiếp tục công việc rồi mới quay sang “xử lý”!

Đèo Khe Nét dài 17km, thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, là nơi khó khăn hiểm trở, nằm tận trong vùng khô cằn hẻo lánh, không có đường sá giao thông, cách thành phố Đồng Hới hơn 100km. “Nếu đường bộ có đèo Ngang thì đường sắt có đèo Khe Nét” - anh Thành có một phép so sánh vậy.

Ga Đồng Chuối nằm ngay đỉnh đèo. Thành lập cách đây 10 năm và là ga dừng để thay máy, tác nghiệp kỹ thuật, tăng năng lực thông quan cho tàu. Trước đây lúc chưa có ga Đồng Chuối, tàu qua đây thường chạy chậm, nay nhờ có ga này thời gian rút ngắn rất nhiều. Đèo Khe Nét là một trong bốn đèo quan trọng nhất của tuyến đường sắt Bắc - Nam, ga Đồng Chuối đặt nơi đây chính là để bảo đảm an toàn cho tàu qua đèo.

Cơm trưa dọn ra rồi nhưng cả trạm 13 người chỉ có bốn người được ngồi ăn thoải mái. Hôm nay là ca trực của Hồ Quốc Cương nên anh luôn trong tư thế sẵn sàng vì tàu chạy qua liên tục, người trực phải luôn có mặt để phất cờ làm hiệu lệnh thông quan. “Vào những đợt cao điểm như tết, có ngày tới 40 lượt tàu chạy qua và ga Đồng Chuối luôn phải đảm bảo sự thông suốt trên đỉnh đèo, có đầu máy sẵn sàng để trợ giúp các đoàn tàu khi cần thiết” - anh Thành cho biết.

Hỏi ở đây mùa nào là buồn nhất? “Ngày nào cũng buồn” - Nguyễn Đình Trung nói vậy nhưng cười thật tươi. Thời tiết khắc nghiệt nhất là vào khoảng từ tháng 7-9, nóng kinh người. Khách trên tàu còn chịu không nổi huống gì người sống ngay tại đây. Cứ 24g lên ban trực thì sẽ có 24g xuống ban nghỉ ngơi và họ dành thời gian nghỉ để chơi bóng chuyền, trồng rau. Ngày tôi đến, họ đang vỗ béo một con heo cho tết tới...

Tất cả mọi người từ anh Nguyễn Hữu Thành công tác trong ngành đã được 32 năm cho đến những bạn trẻ mới vào nghề đều có niềm tự hào chung khi họ là chứng nhân cho những chuyến tàu đến và đi an toàn. Mức lương của những chủ nhân ga xép này chỉ từ 1,5-2,2 triệu đồng/tháng.

“Mắt xích lặng” của hành trình

Mỗi ngày có nhiều đoàn tàu chạy qua đây, nhưng chỉ có tàu chợ Vinh - Đồng Hới là dừng lại để tiếp tế lương thực thực phẩm. Lúc ấy, anh em nhà tàu và nhà ga chào nhau, hỏi thăm nhau đôi câu về tình hình dưới chân đèo. Những hôm nào bão lũ tàu không lên được thì không chỉ bị đói vì thiếu thức ăn mà còn là nỗi nhớ khắc khoải, vì không có hình ảnh cô quạnh nào hơn là một nhà ga lại thiếu con tàu.

Anh Nguyễn Hữu Thành là người từng “chinh chiến” ở vùng này từ khi chưa có ga Đồng Chuối cho biết: “Năm 1979 tôi cùng mọi người làm đường sắt lánh nạn ở chỗ này, lúc đó chưa có dân đi lại, núi rừng âm u và người ta nói thỉnh thoảng vẫn còn hổ mò về. Giờ đã khác không tưởng tượng nổi”. Sân ga như mang hơi thở cuộc sống nhộn nhịp từ khắp nơi và thả một tí về Đồng Chuối. Hằng ngày, gió Lào vẫn thổi những cơn nóng khô khốc và nước dùng vẫn phải hứng từ trên núi xuống.

Đã có bảy hộ dân chuyển đến sống quanh ga. Cũng chính đoàn tàu chợ mang rau, gạo đến cho bảy hộ dân đang sống nơi đây. Những luống rau mọc xanh phía hiên nhà. Một cô gái trẻ vừa gội đầu xong ra hong tóc bên đường ray, trong khi mấy đứa trẻ chạy chơi chờ đón con tàu chợ sắp đến...

Anh Nguyễn Văn Luật - một người đưa gia đình lên đây sinh sống đúng vào lúc nhà ga Đồng Chuối ra đời - kể: “Nhờ có nhà ga mà cuộc sống của mấy nhà dân đỡ vất vả hơn. Thay vì đi chợ, chúng tôi chờ tàu về. Mấy đứa trẻ cũng thỉnh thoảng theo tàu đi ra huyện, tỉnh để mở mang đầu óc”. Điện của mấy nhà dân cũng đang câu nhờ ga xép này.

Nói gì thì nói, ga Đồng Chuối là một mắt xích trong nhiều mắt xích lặng thầm trổ ngọn đèn đêm để tàu chợ đi - về, mang chút hơi ấm cho vùng non cao núi thẳm!

Nếu ga xép Đồng Chuối heo hút vì nằm trên đèo cao giữa rừng sâu thì ga xép Lạc Sơn (xã Châu Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) lại lẻ loi vì bị “kẹp” giữa sông và núi. Một bên là sông Gianh thăm thẳm màu xanh, một bên là vách núi đá vôi cao dựng đứng.

Sơn thủy hữu tình nhưng ga xép thật buồn, vì các đoàn tàu nhanh chỉ lướt qua ngọn cờ hiệu của nhân viên sân ga chứ chẳng thèm dừng lại. Sân ga vắng lặng chỉ có ánh đèn hiệu như một đốm than màu đỏ giữa hoàng hôn tím thẫm đang đổ xuống...

“Ga xép là như thế - trưởng ga Trần Phúc Cương nói - Muốn qua sông chúng tôi phải xuống tận dưới xã mới có đò, nên anh em vẫn thường cố thủ ở đây, lấy niềm vui là báo hiệu an toàn cho các đoàn tàu chạy qua”. Ánh đèn sáng trưng từ những toa tàu tốc hành như những niềm vui lướt qua sân ga thoáng chốc nhắc nhở họ vẫn đang gắn bó với cuộc sống hiện đại.

Món ăn quen thuộc nhất của nhân viên ở đây là rau cải cùng đậu phụ kho thịt. Lạc Sơn cách TP Đồng Hới chừng 100km nhưng đường sá cách trở vì con sông Gianh, người dân đi lại vẫn thích lên tàu chợ mỗi ngày dừng lại hai lần ở nơi đây. “Ga chúng tôi chỉ bán vé được 2-3 triệu đồng/tháng” - đó là thông tin từ trưởng ga.

______________

Gần 20 năm trước có một đoàn tàu cũ nát với rêu mọc trên cửa, hành khách phải mặc áo mưa vì mái bị dột và rơi vào nạn bảo kê của “đầu gấu”…

Một nhóm người trẻ tuổi đã liều mình làm cuộc đổi thay...

Kỳ cuối: Câu chuyện về một con tàu

VŨ THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên