Theo điều 57 Luật đấu giá, bắt đầu từ ngày 1-7, đối với tài sản đấu giá là bất động sản và động sản có giá khởi điểm từ 50 triệu đồng trở lên thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng việc chuyển đổi này khiến họ phải trả chi phí cao hơn mà số người đọc được thông tin lại không nhiều.
Bà T.A. (phó giám đốc một công ty đấu giá khu vực miền Nam) cho biết gần 10 năm nay, công ty của bà đăng thông tin bán đấu giá tài sản trên một tờ báo địa phương có uy tín và lượng phát hành cao trên cả nước. Chi phí cho mỗi lần đăng tin trên trang quảng cáo là 480.000 đồng.
Từ 1-7, theo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016, bà phải chuyển qua đăng thông tin ở báo trung ương hoặc báo địa phương nơi có tài sản cần bán đấu giá.
"Tôi chọn đăng tin trên Đài truyền hình Đắk Lắk, chi phí cho một lần đăng tin là 1 triệu đồng, cao gấp đôi so với việc đăng tin báo trước đây. Do phải đăng tin nhiều lần tài sản mới bán được, chi phí bỏ ra ban đầu rất lớn.
Khoản phí này đương sự phải chi trả nhưng có người tài sản đấu giá chưa tới 100 triệu đồng mà chi phí cho việc đăng tin quảng cáo mất chục triệu đồng" - bà T.A. nói.
Giám đốc một công ty đấu giá ở miền Trung - Tây Nguyên cũng cho biết: "Luật đấu giá tài sản gây khó khăn khi thực hiện. Tôi sống ở Đắk Lắk và biết báo in của địa phương này ít người đọc. Còn một số báo trung ương có phát hành ở tỉnh nhưng rất ít người đọc.
Trong khi đó, một tờ báo địa phương của TP.HCM có lượng phát hành cao ở Đắk Lắk, chúng tôi đăng tin 10 năm trên tờ báo này và thấy rất hiệu quả.
Bây giờ nếu làm theo quy định mới, việc đăng tin quảng cáo bán đấu giá tài sản sẽ không hiệu quả. Còn tiếp tục làm như cũ thì vi phạm quy định. Khó cho chúng tôi quá" - vị giám đốc chia sẻ.
Trước tình hình này, luật sư Lê Xuân Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội) kiến nghị: "Luật đã quy định nhưng tôi nghĩ cần phải có hướng dẫn để các trung tâm đấu giá muốn đăng thông tin ở báo trung ương hay địa phương đều được.
Việc đăng tin phải bảo đảm hai tiêu chí: chi phí hợp lý và tờ báo đăng thông tin đó dù là tờ báo địa phương khác nhưng có uy tín và có lượng phát hành cao trên cả nước. Chứ đừng bó buộc các trung tâm phải đăng tin ở báo trung ương hay địa phương nơi có tài sản đấu giá.
Bởi trung tâm bán đấu giá tài sản nào cũng mong muốn thông tin bán đấu giá được công bố rộng rãi, có vậy tài sản mới nhanh chóng bán được".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận