Ông Koos Neefjes - chuyên gia cố vấn chính sách về biển đổi khí hậu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, sự gia tăng các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt, cực đoan là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong việc ứng phó biến đổi khí hậu.
Giảm nghèo để giảm rủi ro
Theo ông Koos Neefjes, tất cả vùng khí hậu ở Việt Nam đều chịu những ảnh hưởng nhất định từ biến đổi khí hậu, trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Khu vực ven biển miền Trung và vùng núi cũng bị phơi bày trước nhiều rủi ro và những rủi ro này ngày càng tăng lên.
Đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu chính là người nghèo. Vì thế để giảm rủi ro, xóa đói giảm nghèo là việc làm quan trọng nhất.
Bản thân những người nghèo họ vẫn chưa lường hết được những hiểm họa, nguy hiểm của biến đổi khí hậu từ những việc làm nhỏ nhất của chính bản thân họ.
“Cần có những biện pháp tăng cường mạng lưới bảo trợ và chăm sóc xã hội cho người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Các chương trình tái định cư người nghèo ra khỏi những nơi bị phơi bày trước hiểm họa là cần thiết. Cần có các biện pháp tăng cường sinh kế của người nghèo để họ giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và giảm tính dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu và các hiện tượng cực đoan”, ông Koos Neefjes đề xuất.
Chú trọng sản xuất sạch hơn
Thực tế hiện nay tại Việt Nam, biến đổi khí hậu do ngành công nghiệp gây ra nhiều ô nhiễm, tạo nên các loại khí nhà kính.
Theo đó, Việt Nam cần chú trọng sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả. Các quy định về môi trường đã có cần phải được áp dụng và thực thi hiệu quả hơn.
Ngoài ra, giá điện, than và các sản phẩm dầu khí ở Việt Nam còn thấp so với các nước khác. Đẩy giá các ngành này sẽ là một "thuế carbon", một động lực quan trọng để làm cho sản xuất năng lượng hiệu quả hơn và gây ô nhiễm ít hơn.
Việt Nam cũng cần khẩn trương xem xét đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Đây là nguồn năng lượng sạch, năng lượng của tương lai, trong khi Việt Nam dồi dào tiềm năng để phát triển ngành này.
“Tôi hình dung, khi Việt Nam thúc đẩy đầu tư vào năng lượng mặt trời, Việt Nam sẽ phụ thuộc vào lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào Việt Nam thay vì phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu!”, ông Koos Neefjes chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận